1. Kinh doanh

Gen Z Mỹ canh cánh lo mất việc

Mất việc đồng nghĩa với việc mất nguồn thu nhập duy trì cuộc sống và khả năng trả nợ, khiến Gen Z càng thêm bấp bênh. Ảnh minh họa: neg_esfjaex/Pexels.

Trong bối cảnh thị trường lao động biến động, Gen Z (sinh năm 1997-2012) trở thành nhóm đối tượng lo lắng nhất về nguy cơ mất việc, theo báo cáo mới từ Hiệp hội Nhân sự Mỹ.

Khảo sát trên khoảng 2.000 lao động Mỹ cho thấy 37% người thuộc Gen Z lo sợ bị sa thải vào cuối năm nay, cao hơn đáng kể so với các thế hệ khác.

Cụ thể, tỷ lệ này ở thế hệ Millennials (sinh năm 1981-1996) và Gen X (sinh năm 1965-1980) gần bằng nhau là 35%, trong khi chỉ 11% thế hệ Baby Boomers (sinh năm 1946-1964) bày tỏ mối lo ngại tương tự.

Báo cáo cũng chỉ ra rằng 40% người lao động cho biết các khoản nợ đang ảnh hưởng đến quyết định nghề nghiệp, theo Newsweek.

Chuyên gia tài chính Kevin Thompson, nhà sáng lập kiêm CEO của 9i Capital Group, cho rằng Gen Z đang phải đối mặt với thách thức kép: nền kinh tế tăng trưởng chậm lại và thị trường lao động biến động.

Bên cạnh bất ổn trên thị trường lao động, Gen Z còn gánh trên vai áp lực từ các khoản nợ, chủ yếu là nợ sinh viên. Ảnh minh họa: @WR36/Twenty20.

"Thế hệ này đã quen với sự linh hoạt trong công việc, họ có xu hướng ưu tiên làm việc từ xa và cân bằng giữa công việc, cuộc sống", Thompson nói.

Theo ông, sự thay đổi trong chính sách tuyển dụng của nhiều doanh nghiệp Mỹ khiến không ít người lao động, đặc biệt là Gen Z, phải đứng trước những quyết định khó khăn. Xu hướng quay trở lại văn phòng làm việc trực tiếp sau thời gian dài làm việc từ xa có thể dẫn đến sóng sa thải nhân viên không sẵn sàng thích ứng.

Một số công ty đã tuyển dụng quá nhiều trong thời kỳ đại dịch và việc sa thải là điều khó tránh khỏi khi họ điều chỉnh lại hoạt động.

Tuy nhiên, Thompson nhận định nỗi sợ hãi của Gen Z có thể hơi quá mức.

"Nhiều công ty khởi nghiệp và doanh nghiệp mới đang được tạo ra bởi chính những người đồng trang lứa của họ", Thompson nói.

Ông cho rằng thách thức lớn nhất của Gen Z là định nghĩa lại cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Văn hóa "cày cuốc" nhiều năm nhưng không được công nhận từ thời cha mẹ không còn phù hợp với thế hệ này. Họ muốn công việc mang lại ý nghĩa và tạo ra sự khác biệt.

Cơ hội việc làm ngày càng thu hẹp, đối mặt với áp lực trả nợ, khiến Gen Z trở thành thế hệ dễ bị tổn thương nhất trên thị trường lao động hiện nay. Ảnh minh họa: HRM Asia.

"Những lo ngại của Gen Z về nguy cơ mất việc hoàn toàn có cơ sở thực tế", chuyên gia tư vấn nhân sự Bryan Driscoll khẳng định.

Khác với thế hệ Baby Boomers, những người được hưởng lợi từ thị trường việc làm ổn định và sự bảo vệ lao động mạnh mẽ, Gen Z gia nhập thị trường lao động trong bối cảnh bất ổn và thiếu những "bệ đỡ" cần thiết.

"Thế hệ này đang phải đối mặt với một hệ thống ưu tiên lợi nhuận hơn con người, nơi sa thải và tái cơ cấu là chuyện thường tình", Driscoll nói.

Ngoài ra, Gen Z còn gánh áp lực lớn từ các khoản nợ, chủ yếu là nợ sinh viên. Gánh nặng tài chính khiến họ khó tích lũy, đầu tư và càng gia tăng cảm giác bất an.

"Nợ nần đang định hình cuộc sống và sự nghiệp của người lao động Mỹ... Mức nợ cá nhân cao dẫn đến căng thẳng, điểm tín dụng xấu, hạn chế khả năng phát triển và giảm chất lượng cuộc sống", ông Richard Wahlquist, CEO Hiệp hội Nhân sự Mỹ, nhận định.

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, việc mất việc làm càng đẩy Gen Z vào tình thế bấp bênh. Theo một nghiên cứu của Experian, trung bình mỗi người thuộc Gen Z tại Mỹ đang gánh khoản nợ khoảng 16.000 USD.

Như Phương

Tin khác