Elon Musk trở thành 'ông vua sa thải'
Ngay sau khi đắc cử, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố thành lập Bộ Hiệu quả Chính phủ (DOGE, viết tắt của “Department of Government Efficiency”). Ông Trump quyết định bổ nhiệm tỷ phú Elon Musk cho vị trí người đứng đầu của cơ quan này.
Musk được Tổng thống Mỹ gọi là “ông vua cắt giảm”. Tại Twitter, doanh nhân này từng cắt giảm tới 80% nhân viên, tương đương với hơn 6.000 người.
Ở Tesla, ông sa thải 10% lực lượng lao động, nói rằng công ty cần phải giảm thiểu chi phí vận hành. 10% cũng là tỷ lệ nhân sự bị Musk đuổi việc tại SpaceX.
Đối với tỷ phú này, cắt giảm là ưu tiên hàng đầu. Ông cho rằng cấp dưới của mình cần nhanh nhẹn và tháo vát hơn, theo Business Insider.
Chiến lược cắt giảm hiệu quả của Elon Musk
Phần lớn chiếc lược cắt giảm của Musk đạt hiệu quả ấn tượng. Theo doanh nhân này, số lượng người sử dụng Twitter đang ở mức cao nhất mọi thời đại, cổ phiếu Tesla tăng 28% trong năm qua và SpaceX được định giá đến 250 tỷ USD.
Ông cho rằng lợi nhuận của các doanh nghiệp gia tăng nhờ quyết định sa thải nhân sự. Câu hỏi đặt ra là: “Liệu các chiến lược cắt giảm của Musk có thể áp dụng với cơ quan chính phủ hay không?”
Ở vị trí đồng chủ tịch DOGE, người đứng đầu Tesla và tỷ phú công nghệ sinh học Vivek Ramaswamy nỗ lực tuyển dụng các người có IQ đặc biệt cao, từ đó có thể cắt giảm 75% lực lượng lao động liên bang.
Khi cắt giảm thành công số lượng nhân sự này, chính phủ có khả năng tiết kiệm 2.000 tỷ USD, tương đương với 1/3 tổng chi tiêu của liên bang. Tuy nhiên, đây được xem là giấc mơ khó hiện thực hóa.
Một doanh nhân táo bạo, đứng ngoài cơ quan chính phủ như Elon Musk được kỳ vọng có khả năng thay đổi tình trạng này. Michael Morris, giáo sư tại Trường Kinh doanh Columbia, cho biết các tổ chức lớn cần một lực lượng “phá hủy” để thay đổi.
“Mọi thứ không tự biến mất. Một người sẵn sàng phá bỏ mọi thứ một cách sáng tạo và có chủ đích mới có thể mang đến sự đổi mới. Sự thay đổi thường kéo theo cú sốc lớn, tạo ra phản kháng dữ dội”, Morris nói.
Chông gai của Elon Musk
Với tư cách CEO của các doanh nghiệp, Musk có thể đàn áp sự phản kháng từ phía nhân sự và quyết liệt cải tổ văn hóa công ty. Tuy nhiên, mọi chuyện sẽ khác ở DOGE. Tổ chức này chỉ đóng vai trò cố vấn, không chịu trách nhiệm đưa ra quyết định cuối cùng.
“Ngay cả khi tỷ phú này có các ý tưởng xuất sắc, đề xuất của ông chưa chắc được phê duyệt”, Andy Wu, Phó giáo sư quản trị kinh doanh tại Trường Kinh doanh Harvard, cho biết.
Hiện nay, Musk vẫn cho thấy sự quan tâm đến những khoản cắt giảm nhỏ nhặt, gây sốc như nghiên cứu thuốc liên quan đến chuột lang hay tài trợ các buổi biểu diễn drag.
Đây là những thông tin thu hút lượng tương tác lớn trên mạng xã hội X, song không có ý nghĩa lớn trong việc giảm thiểu khoản chi tiêu khổng lồ hàng năm của chính phủ liên bang.
Hơn nữa, vai trò của Elon Musk tại DOGE cũng tạo ra cuộc tranh cãi về sự xung đột lợi ích. Các lĩnh vực kinh doanh của Mush, bao gồm xe điện và phương tiện truyền thông xã hội, có ảnh hưởng đến các đề xuất không?
Trước sự nghi ngờ của nhiều người Mỹ, Musk khẳng định việc tạo ra hiệu suất lớn từ nguồn lực hạn chế là điều khả thi. Khi Musk cắt giảm lực lượng lao động tại Twitter, nhiều người dự đoán rằng ứng dụng này sẽ sụp đổ vì thiếu nhân sự duy trì.
2 năm sau, mạng xã hội này hoạt động gần như trước với chi phí vận hành thấp hơn nhiều.
Linh Vũ