Duy trì nghề chăn nuôi trên đất Mỹ
Cộng đồng người Việt bắt đầu tham gia vào nông nghiệp ở Mỹ từ những năm 1980. Tuy không phải là ngành nghề chủ đạo nhưng ngày càng nhiều người Việt nhận thấy cơ hội từ ngành này, nhất là trong lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi các loài động vật nhỏ như gà, vịt và heo.
Nhiều gia đình đã mang theo những tập quán chăn nuôi truyền thống từ quê nhà sang nơi định cư mới. Những giống gia súc được nuôi thông qua những cách thức quen thuộc như nuôi theo hình thức thả vườn hoặc nuôi nhốt đã tạo ra những sản phẩm có hương vị đặc trưng, được thị trường ưa chuộng.
Không ít gia đình đã từng có kinh nghiệm trong nông nghiệp trước khi sang Mỹ, vì vậy họ dễ dàng hòa nhập vào các công việc liên quan đến chăn nuôi, giúp giảm thiểu sự phụ thuộc vào thị trường việc làm thành phố và tạo nguồn thu nhập ổn định.
Một yếu tố quan trọng giúp nghề chăn nuôi của người Việt tại Mỹ phát triển chính là nhu cầu về các sản phẩm truyền thống trong cộng đồng người Việt. Các loại thực phẩm như gà ác, thịt heo sạch, trứng vịt lộn… được ưa chuộng không chỉ bởi cộng đồng người Việt mà còn thu hút người tiêu dùng bản địa.
Ngoài ra, sống tại Mỹ, người Việt có điều kiện tiếp cận với các công nghệ tiên tiến trong chăn nuôi, từ hệ thống quản lý chuồng trại, thức ăn chăn nuôi đến các biện pháp kiểm dịch và phòng bệnh. Đây là một lợi thế lớn giúp họ nâng cao chất lượng và năng suất sản phẩm.
Trường hợp anh Minh Nguyễn, ở TP Houston, bang Texas, là ví dụ. Anh từng giữ chức giám đốc dân sự của một công ty với mức lương khoảng 90.000 USD/năm cách đây hơn 10 năm nhưng lại quyết định từ bỏ tất cả để dồn tâm sức vào việc nuôi gà công nghiệp ở một nơi hẻo lánh.
Anh nói: “May mắn là công việc trôi chảy nên trong vòng 1-2 năm, tôi đã có đủ tiền trả các khoản vay”.
Nhiều người trẻ trong cộng đồng người Việt nhận thấy tiềm năng bên trong nghề chăn nuôi và quyết định quay về với những trang trại gia đình. Các bạn trẻ kết hợp giữa công nghệ mới và những kiến thức truyền thống, như ứng dụng các phần mềm quản lý trang trại, theo dõi sức khỏe đàn vật nuôi thông qua các thiết bị điện tử.
Những sáng kiến như vậy không chỉ giúp tăng năng suất mà còn bảo vệ môi trường bền vững. Một số người đã bắt đầu áp dụng phương pháp nuôi sạch, hữu cơ để thu hút khách hàng và nâng cao giá trị sản phẩm.
Chăn nuôi ở Mỹ đòi hỏi nguồn vốn ban đầu lớn để xây dựng trang trại, mua giống và đầu tư vào hệ thống thiết bị hiện đại. Điều này là một trở ngại lớn cho các hộ gia đình người Việt mới bắt đầu bước vào lĩnh vực này.
Ngoài ra, yêu cầu về tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và vệ sinh cũng rất gắt gao. Các sản phẩm chăn nuôi phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về vệ sinh chuồng trại, an toàn dịch bệnh và chất lượng sản phẩm. Các tiêu chuẩn này khiến nhiều người Việt phải nỗ lực thích nghi để đáp ứng yêu cầu của thị trường. Bên cạnh đó, giá và thuế đất ở Mỹ cũng cao, hạn chế diện tích chăn nuôi ở những nơi có vị trí thuận lợi.
Gia đình anh Đoàn Trần, chị Quyên ở thị trấn Windsor, bang North Carolina, có trang trại thuộc loại lớn ở Mỹ trong đó kết hợp nuôi gà, lợn và vịt theo kiểu truyền thống của người Việt. Riêng vịt có 3.000 - 4.000 con, mang lại thu nhập ổn định.
Nghề chăn nuôi của người Việt tại Mỹ không chỉ là một nguồn thu nhập, mà còn là cầu nối giữa văn hóa, truyền thống và hiện đại. Dù còn nhiều thách thức nhưng với sự nỗ lực không ngừng nghỉ, cộng đồng người Việt sẽ tiếp tục phát triển và khẳng định vị thế của mình trong lĩnh vực này. Với tâm huyết và sự đổi mới, tương lai của nghề chăn nuôi tại Mỹ đang ngày càng hứa hẹn sẽ có nhiều thành công hơn.
PHẠM THƯ