1. Kinh doanh

Đừng tưởng doanh nghiệp nhỏ không cần làm thương hiệu

Theo một nghiên cứu của Mibrand Việt Nam, hơn 70% doanh nghiệp được khảo sát cho biết họ chưa có chiến lược thương hiệu cụ thể và thiếu các công cụ đo lường hiệu quả truyền thông. Điều này gây trở ngại lớn trong việc tối ưu hóa marketing, nhất là với các doanh nghiệp nhỏ và vừa khi nguồn lực hạn chế.

Thách thức lớn khi cạnh tranh với “những gã khổng lồ”

Bà Lê Dung - Viện trưởng Viện Doanh trí, Tổng giám đốc Công ty CP Đào tạo và Phát triển nhân lực DGroup cho rằng, một thương hiệu mạnh, không chỉ là hình thức như logo sản phẩm, tên gọi hay slogan dễ nghe, mà nó là trải nghiệm tổng thể neo lại trong tâm trí người dùng khi họ tiếp xúc với sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp.

Bà Lê Dung - Viện trưởng Viện Doanh trí, Tổng giám đốc Công ty CP Đào tạo và Phát triển nhân lực DGroup

Đặc biệt, bà Dung nhất mạnh tính nhất quán trong mọi hoạt động, đây được coi là kim chỉ nam cho việc xây dựng một thương hiệu mạnh. “Thương hiệu của doanh nghiệp chính là bề mặt của chiến lược kinh doanh, vẽ ra những mục tiêu doanh nghiệp nhắm đến và hình ảnh mà doanh nghiệp muốn được biết đến trên thị trường. Nó định hướng những hoạt động chính của doanh nghiệp và tóm lược tầm nhìn, giá trị, tính cách, định vị hình ảnh” - bà Lê Dung nói.

Bên cạnh đó, bà Dung cũng chia sẻ về một trong những thách thức rất lớn của công ty bà và các doanh nghiệp cùng lĩnh vực khi phát triển thương hiệu. Đó là đối mặt và cạnh tranh với những “gã khổng lồ” - những thương hiệu lớn đã có mặt lâu đời trên thị trường.

“Họ có ngân sách tiếp thị lớn, còn tôi thì phải làm sao để nổi bật với nguồn lực hạn chế. Để vượt qua điều đó, tôi đã tập trung vào việc tìm ra điểm khác biệt duy nhất của mình và tận dụng tối đa sức mạnh của cộng đồng. Thay vì cố chạy đua với những "gã khổng lồ," tôi tập trung xây dựng mối quan hệ thật sâu sắc với khách hàng qua các chương trình gắn kết và nội dung chất lượng” - Viện trưởng Viện Doanh trí bày tỏ.

Hiện có đến 80% doanh nghiệp chỉ chi 5% doanh số cho việc xây dựng và phát triển thương hiệu.

Bà Lê Dung viện dẫn câu chuyện thực tế của doanh nghiệp mình khi tập trung vào sản phẩm cà phê, thay vì nhấn mạnh vào hương vị - điều mà nhiều thương hiệu khác cũng làm thì bà chọn làm nổi bật nguồn gốc khi kể về hành trình trồng cà phê của nông dân bản địa, cách họ chăm sóc từng hạt cà phê với tình yêu, sự trân trọng. Đồng thời tổ chức các buổi trải nghiệm tại nông trại để khách hàng hiểu rõ hơn về quy trình sản xuất bền vững, có kết nối trực tiếp với những người tạo ra sản phẩm. Đó chính là sự khác biệt mà thương hiệu khác khó có thể sao chép.

“Ông Đặng Lê Nguyên Vũ là một trong số những người tôi rất ngưỡng mộ. Ông cũng đang hướng tới một giá trị tinh thần và cảm xúc cao hơn trong cà phê, đó là “cà phê đạo” chứ không đơn thuần là hương vị cà phê. Tôi nghĩ đó là nước đi vô cùng sáng” - bà Lê Dung chia sẻ thêm.

Khó khăn khi tìm cách sở hữu và thách thức với trí tuệ nhân tạo

ThS. Nguyễn Trung Kiên - Chủ tịch Quỹ Đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam Singapore, Viện trưởng Viện Chiến lược công nghệ và Đổi mới sáng tạo cho rằng, khó khăn lớn nhất khi xây dựng thương hiệu là tìm cách sở hữu những dấu hiệu nhận diện thương hiệu một cách nhất quán, phản ánh chính xác ngành nghề, sản phẩm, dịch vụ của công ty đưa ra thị trường. Ông Kiên bày tỏ sự lo ngại về những thách thức trong tương lai gần mà các doanh nghiệp gặp phải. Trong đó, thách thức lớn nhất xuất phát từ sự phát triển nhanh chóng của công nghệ với trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo.

“Vì vậy các thương hiệu cần đầu tư vào chuyển đổi số để duy trì tính cạnh tranh thông qua việc tương tác với khách hàng từ trực tiếp đến trực tuyến. Trong bối cảnh hiện tại, thông tin giả mạo và tin tức xấu xuất hiện khắp nơi cùng sự cạnh tranh khốc liệt, thông điệp truyền thông càng yêu cầu liên quan tới sự phát triển bền vững và trách nhiệm xã hội nên các thương hiệu cần xây dựng lòng tin và uy tín một cách nhất quán, linh hoạt theo sở thích và hành vi của người tiêu dùng” - ông Kiên nhận định.

ThS. Nguyễn Trung Kiên cho biết, ông đánh giá cao chiến dịch truyền thông "Dumb Ways to Die" của Metro Trains Melbourne ra mắt vào năm 2012, bởi không chỉ thành công về mặt số liệu với gần 54 triệu view mà còn vì cách tiếp cận sáng tạo và độc đáo. Mục tiêu chính là nâng cao nhận thức về an toàn đường sắt và giảm số vụ tai nạn liên quan đến đường ray. Tuy nhiên thay vì sử dụng những thông điệp nặng nề và cảnh báo khô khan, Metro Trains Melbourne đã chọn một hướng đi hoàn toàn khác biệt: Sử dụng video hoạt hình vui nhộn, dí dỏm và có phần "ngớ ngẩn" để mô tả những cách chết ngớ ngẩn liên quan đến đường sắt. Chính tính sáng tạo độc đáo ấy đã khiến video nhanh chóng trở thành hiện tượng mạng, được chia sẻ rộng rãi trên các nền tảng mạng xã hội như YouTube, Facebook, Twitter và thu về nhiều kết quả ấn tượng.

Không chỉ đối mặt với nhiều thách thức lớn như hạn chế về ngân sách, nguồn nhân lực và hiểu biết về thương hiệu, sự cạnh tranh gay gắt từ các thương hiệu quốc tế cũng như yêu cầu ngày càng cao của khách hàng cũng là rào cản lớn đối với doanh nghiệp Việt hiện nay, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

“Để có một thương hiệu mạnh, chúng ta cần để ý ba yếu tố sau trong quá trình xây dựng thương hiệu doanh nghiệp. Một là xác định chính xác ai là đối tượng khách hàng mục tiêu của thương hiệu mình muốn hướng tới. Đây là một thách thức lớn. Hai là bộ nhận diện thương hiệu. Ba là xây dựng thương hiệu trên ngân sách và nguồn lực hạn chế” - ông Nguyễn Trung Kiên nói thêm.

Xây dựng thương hiệu là một quá trình lâu dài, đòi hỏi chiến lược cụ thể và nhất quán. Trong bối cảnh cạnh tranh và yêu cầu ngày càng cao từ thị trường, các doanh nghiệp Việt Nam cần nhận thức rõ vai trò của thương hiệu và đầu tư bài bản vào chiến lược này để hội nhập, cạnh tranh hiệu quả. Bởi đây không chỉ là “chiếc vé thông hành” giúp doanh nghiệp trong việc hội nhập, cạnh tranh với các công ty, tập đoàn nước ngoài mà còn tạo thương hiệu quốc gia phát triển bền vững.

Ka Mi

Tin khác