Đừng để doanh nghiệp Việt có tên mà 'vô danh'
Vẫn còn ít thương hiệu mạnh
Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), số lượng các sản phẩm mang thương hiệu Việt đang bắt đầu tăng lên nhanh chóng ở các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới như Amazon, Etsy, Alibaba... Trong vòng 12 tháng tính đến đầu tháng 9/2023, các đối tác bán hàng Việt Nam trên Amazon đã bán ra 17 triệu sản phẩm mang thương hiệu Việt cho khách hàng trên khắp thế giới, tăng cường sự hiện diện của hàng hóa Việt Nam trên toàn cầu.
Đánh giá của Tổ chức tư vấn định giá thương hiệu hàng đầu thế giới - Brand Finance, thương hiệu quốc gia Việt Nam có tốc độ tăng trưởng 102% trong giai đoạn từ năm 2019-2023. Giá trị thương hiệu quốc gia năm 2023 đạt 498,13 tỷ USD tăng 15,6% so với năm 2022 và liên tục tăng trưởng 2 con số trong 5 năm qua, xếp thứ 33 trong top 121 thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới được xếp hạng.
PGS-TS. Bùi Quang Tuấn - Phó Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam chia sẻ, trong bối cảnh cạnh tranh trên thị trường quốc tế ngày càng gay gắt, biến động địa chính trị diễn ra mạnh mẽ đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam phải ngày càng lớn mạnh, chủ động ứng phó với các tình huống, trong đó có giải pháp xây dựng thương hiệu.
Tuy nhiên, “so với thế giới Việt Nam vẫn có rất ít thương hiệu lớn mạnh”, ông Tuấn đánh giá. Một trong những hạn chế là nhận diện thương hiệu Việt Nam trên thị trường thế giới còn khiêm tốn. Nhiều doanh nghiệp còn thiếu kinh nghiệm trong xây dựng và quản lý thương hiệu trên thị trường quốc tế…
Trong khi đó, PGS-TS. Nguyễn Quốc Thịnh, Đại học Thương mại lại nhắc tới tầm quan trọng của việc xây dựng các thương hiệu cộng đồng, trong đó tập trung vào các sản phẩm nông sản có thế mạnh đặc trưng như sầu riêng, vải thiều, gạo…
Xây thương hiệu là xây lòng tin
Theo ông Đoàn Đức Thuận - Phó Tổng giám đốc chiến lược và marketing của Owen Fashion, cố vấn quản lý của Roland Berger, trong lĩnh vực thời trang hiện nay các hãng thời trang nhanh như H&M, Zara, Uniqlo… vào Việt Nam làm thay đổi thói quen tiêu dùng và họ mở rộng hệ thống cửa hàng rất nhanh. Cùng với đó, người tiêu dùng chọn mua sắm online nhiều hơn và ra cửa hàng ít đi.
Trong bối cảnh này, doanh nghiệp thời trang của Việt Nam đối mặt nhiều khó khăn, đòi hỏi thay đổi chiến lược truyền thông, xây dựng thương hiệu mới. Hiện, Owen nỗ lực xây dựng thương hiệu theo hướng định vị vào tệp khách hàng trẻ tuổi gắn với phát triển bền vững như sử dụng nguyên liệu xanh. “Chúng tôi nhìn đối thủ để thay đổi, thương hiệu tốt hơn chứ không phải chỉ là “chiếc áo” tốt hơn”.
PGS-TS. Hoàng Văn Hải, Thành viên độc lập HĐQT, Tập đoàn Đèo Cả, gói gọn cách xây dựng thương hiệu là “tạo khác biệt”. Theo đó, ông cho rằng các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn có thể phát triển thương hiệu vững mạnh chỉ cần nghĩ lớn hơn.
Để nâng tầm thương hiệu Việt trong bối cảnh quốc tế mới, PGS -TS. Bùi Quang Tuấn nêu một số định hướng cho các doanh nghiệp như: xây dựng thương hiệu dựa trên bản văn hóa Việt, đầu tư vào chất lượng sản phẩm và dịch vụ, tạo dựng hình ảnh thương hiệu chuyên nghiệp, xây dựng hệ thống phân phối hiệu quả, hợp tác với các đối tác quốc tế…
Quan trọng hơn, PGS-TS. Nguyễn Quốc Thịnh cho rằng, xây dựng thương hiệu là xây dựng lòng tin. Cùng với đó, doanh nghiệp cần xây dựng thương hiệu ngành hàng để “đi bằng 2 chân”. Một thương hiệu Việt phải có xuất xứ quốc gia của Việt Nam, hiện diện ở Việt Nam và do một phần lớn người Việt tham gia.
Với thị trường xuất khẩu, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số khuyến cáo, khi bước vào thị trường trực tuyến và thâm nhập các thị trường quốc tế như Mỹ và Châu Âu, cách làm thương hiệu phải thay đổi. Để thành công, các doanh nghiệp cần hiểu rõ cách kể câu chuyện thương hiệu của mình và áp dụng các công cụ số.
Hồng Hạnh