Dừng chân ở Son - Bá - Mười
1. Lũng Cao là xã vùng sâu, vùng xa, khó khăn nhất của huyện Bá Thước. Còn Son - Bá - Mười hay Cao Sơn là tên gọi của 3 thôn: thôn Son, thôn Bá và thôn Mười, nằm ở vị trí cao nhất, khó nhất ở xã Lũng Cao. Cách đây 10 năm, vào năm 2014, anh Lê Thế Ngân khi đó 39 tuổi đã đặt chân lên mảnh đất này. Thời điểm đấy, Hội thiện nguyện “Trái tim yêu” của anh Ngân đi hỗ trợ, tặng quà cho trẻ em vùng cao. Về sau này, vào năm 2020, tại Son - Bá - Mười, anh và những người bạn đã xây dựng khu bán trú cho điểm trường lẻ Cao Sơn thuộc Trường Mầm non Lũng Cao. Chính những chuyến thiện nguyện này đã kéo anh lại gần với Son - Bá - Mười. Lê Thế Ngân nhớ lại: “Tôi có nhiều năm gắn bó với Son - Bá - Mười, ở nhờ trong nhà dân để tìm hiểu về đất và người nơi đây. Quả thực, mảnh đất này còn rất nhiều khó khăn. Tôi là người Thanh Hóa và tôi muốn làm điều gì đó để góp phần thay đổi mảnh đất này. Ngay đến lãnh đạo xã Lũng Cao khi đó cũng vừa mừng vừa lo, lo nhiều hơn vì quỹ đất ở đây ít, sương mù quanh năm... Quan điểm của tôi, làm là phải có chiều sâu, phải biến cái khó nhất thành điều kiện thuận lợi nhất. Và tôi chọn thôn Son, bắt đầu cho cuộc hành trình”.
Thực tế ở Son - Bá - Mười đã từng khó chồng khó khi nơi đây không điện, không đường, không chợ. Người dân có truyền thống canh tác nông nghiệp lâu đời. Cây ngô, cây lúa cho năng suất không cao... Những nguyên nhân này khiến cái nghèo theo đó vẫn ở lại với bà con. Tuy nhiên, ở Son - Bá - Mười lại có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, nông nghiệp sạch,... nhưng để khai thác những thế mạnh này thì vẫn còn hạn chế. Bài toán đặt ra, trước mắt cần phải chuyển đổi từ đất trồng lúa, ngô sang trồng cây khác mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Lê Thế Ngân sau thời gian nghiên cứu, tìm hiểu và nhận thấy, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng nơi đây thuận lợi để phát triển nông nghiệp hữu cơ. Năm 2021, 3ha rau màu với hơn 60 nghìn cây rau gồm bắp cải, súp lơ, su su,... đã được trồng tại thôn Son, áp dụng quy trình sản xuất theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 11041-2:2017. Mô hình có hiệu quả không? Chắc chắn là có. Nhưng như chia sẻ của Lê Thế Ngân: “Nếu duy trì thì rau vẫn bán được nhưng bán với số lượng không lớn do quy trình phức tạp. Khi đó tôi cho rằng, rau chỉ là một hướng thôi và cần nghiên cứu những sản phẩm thế mạnh của địa phương mà có sức bền hơn cây rau. Phải tạo ra những vùng đặc trưng mà nơi khác không có, đấy chính là điểm nhấn du lịch”.
2. Lê Thế Ngân lại đặt ra thử thách mới với chính bản thân. Có lẽ vì anh có duyên với Son - Bá - Mười nên việc tìm ra giống cây phù hợp cho lần sau này cũng không quá khó khăn. Cây tía tô - một loại cây dược liệu đã được anh quan tâm. Riêng ở thôn Son, hầu như nhà nào cũng trồng rải rác loại cây này. Với Lê Thế Ngân, chỉ đơn giản là khi anh dùng lá tía tô thấy ngon rồi thử làm trà. Trong một lần tình cờ, anh gửi cho người quen của mình là một giáo viên dạy tiếng Nhật dùng thử và không ngờ nhận được lời khen. Nguồn động viên này giúp anh tự tin hơn cho sự lựa chọn. Đầu năm 2022, anh tập trung triển khai trồng tía tô với diện tích ban đầu là 700m2. Năm 2023, diện tích được mở rộng lên 3.600m2, năng suất bình quân đạt 1kg/m2. Từ cây tía tô đã cho ra đời các sản phẩm trà túi lọc tía tô, trà tía tô nguyên lá và bột tía tô, bước đầu đã có những tín hiệu tích cực. Riêng trà túi lọc tía tô, hiện số lượng bán ra thị trường khoảng 1.500 lọ/tháng. Lê Thế Ngân cho biết: “Tía tô là một loại cây bản địa dễ trồng, chi phí thấp. Nhưng tía tô ở Son - Bá - Mười có đặc điểm khác nhiều nơi, là có độ đậm đặc về tinh dầu cao. Chúng tôi cũng xác định, tía tô sau này chính là sản phẩm chủ lực”.
“Ở Son - Bá - Mười, các sản phẩm trồng trọt rất khó khăn về đầu ra. Đi theo hướng phát triển nông nghiệp hữu cơ, bền và chắc không chạy theo phong trào, anh Lê Thế Ngân đã mở ra hướng đi mới cho bà con. Chúng tôi mong sẽ có nhiều nhà đầu tư để cùng phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo cho xã Lũng Cao nói chung, Son - Bá - Mười nói riêng”, ông Lương Văn Thuân, Chủ tịch UBND xã Lũng Cao khẳng định.
Khi cây tía tô bắt đầu được trồng tại thôn Son vào đầu năm 2022 thì cuối năm 2022, Lê Thế Ngân bắt tay làm du lịch cộng đồng. Homestay này của anh có 12 phòng nghỉ khép kín, thường kín phòng vào ngày cuối tuần và nghỉ lễ.
Có một điều đặc biệt, hiện phụ trách mảng du lịch và sản xuất của Công ty CP Du lịch Son Bá Mười là 2 thanh niên của thôn Son: Bùi Văn Doanh (sinh 1988) và Hà Nam Ninh (sinh 1998). Doanh đã tốt nghiệp Trường Cao đẳng Y tế Ninh Bình còn Ninh đã tốt nghiệp Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên. Năm 2021, hữu duyên cả 2 cùng về làm việc cho công ty của Lê Thế Ngân. Được làm việc trên chính quê hương, đó là mong ước của nhiều người trong đó có Doanh và Ninh. “Lúc đầu cũng rất khó khăn vì chưa có kinh nghiệm”, Bùi Văn Doanh nói. “2 anh em cứ học hỏi dần từ anh Ngân, từ các lớp tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ về du lịch cộng đồng nên giờ mọi việc cũng nhẹ nhàng hơn”.
Mới đây, Lê Thế Ngân đã đưa từ huyện Mộc Châu (Sơn La) về công ty 5 con bò sữa. Doanh và Ninh sẽ trực tiếp chăm sóc cho 5 con bò này. Theo Lê Thế Ngân, con bò sữa hợp với khí hậu, thổ nhưỡng tại Son - Bá - Mười. Hơn nữa, toàn bộ chất thải của bò sẽ được sử dụng để trồng trọt... “Nếu giải thành công bài toán nuôi bò sữa thì đây là một định hướng tốt cho người dân địa phương, góp phần giúp phát triển kinh tế bền vững”, Lê Thế Ngân cho biết.
Riêng với cây tía tô, dù đã có những tín hiệu tích cực nhưng sản phẩm ra thị trường chưa nhiều do sản lượng chưa đủ. Nếu không đủ hàng để bán thì không thể đưa vào chuỗi hệ thống siêu thị... Do đó, vấn đề đặt ra, phải có quỹ đất lớn để mở rộng diện tích. Theo chia sẻ của Lê Thế Ngân, năm tới, công ty của anh sẽ mở rộng 3 - 5ha, hướng dẫn người dân trồng và thu mua tía tô cho bà con, mở ra cơ hội lớn cho người dân trong nâng cao thu nhập. “Bây giờ trong thôn còn 21/101 hộ nghèo. Hiện công ty anh Ngân đang tạo việc làm thường xuyên cho 8 lao động trong thôn. Có người dẫn dắt làm kinh tế, cuộc sống đỡ khó khăn hơn”, trưởng thôn Son Hà Mạnh Công phấn chấn nói.
Một hành trình chưa dài nhưng thực tế, bằng những việc làm cụ thể, Lê Thế Ngân đã và đang mang đến một sắc màu tươi mới hơn cho Son - Bá - Mười, nơi được gọi là “Sa Pa trong lòng xứ Thanh”. Tất nhiên, với Son - Bá - Mười thì khó khăn sẽ còn dài và còn cần rất nhiều thời gian. Đến lúc này, Lê Thế Ngân cho rằng, thành công lớn nhất là biết cách đi để dẫn dắt bà con thực hiện, đó là phát triển nông nghiệp hữu cơ và làm du lịch cộng đồng. Ngoài ra có 2 vấn đề cần quan tâm, một là thay đổi quan điểm sống, hai là thay đổi cách làm việc của giới trẻ. Đây cũng chính là lý do, anh đặt niềm tin vào Doanh, vào Ninh, 2 người con của thôn Son để đứng ra quản lý, phụ trách công ty.
Còn hiện tại, Lê Thế Ngân vẫn đi đi, về về giữa Hà Nội - Thanh Hóa. Như anh tâm sự, xây dựng con đường kinh tế của anh không phải ở Son - Bá - Mười mà ở một lĩnh vực khác, liên quan đến sản xuất và chế biến các sản phẩm từ sữa bò. Với Son - Bá - Mười, quan trọng hơn là tạo công ăn việc làm cho bà con... Còn để tính lời lãi ở mảnh đất này, nếu nhanh thì khoảng 5 năm, không phải 10 năm; cái chính là đem lại cuộc sống ấm no cho bà con, cho con cháu sau này...
Bài và ảnh: Bằng An