Đưa xơ mướp xuất khẩu, nông dân trồng mướp đếm trái tính tiền
Ông Trần Quốc Á, Phó Chủ tịch UBND phường Khánh Xuân, TP Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk), cho biết những năm gần đây, một số hộ dân trên địa bàn phường đã liên kết với doanh nghiệp để trồng mướp và có thu nhập ổn định.
Trồng mướp chỉ để lấy xơ
Những ngày giữa tháng 10, gia đình chị H’Wên Êban (25 tuổi, ngụ phường Khánh Xuân, TP Buôn Ma Thuột) tất bật tập trung vào tỉa trái sâu, chăm sóc vườn mướp trên diện tích 1 ha đất của mình.
Theo lời chị H’Wên, cùng diện tích đất trên, trước đây chị thường trồng bầu, bí, mướp và chỉ có thu nhập khoảng 100 triệu đồng/năm.
Từ năm 2022, chị H’Wên ký hợp đồng liên kết sản xuất với Công ty Cổ phần Loofaa (TP Buôn Ma Thuột), được bao tiêu sản phẩm. Từ đó đến nay, mỗi năm gia đình chị H’Wên thu khoảng 60.000 trái mướp, bán với giá 5.000 đồng/trái.
“Trước đây, mỗi năm tôi chỉ thu về khoảng 100 triệu đồng từ trồng mướp. Nhiều vụ giá thấp, thương lái không đến thu mua, tôi phải chật vật tìm đầu ra. Hiện nay, tôi được bao đầu ra, thu lãi hơn 250 triệu đồng mỗi năm” - chị H’Wên khoe.
Cũng tại phường Khánh Xuân, ông Đỗ Xuân Nhanh (38 tuổi) đã liên kết trồng mướp để cung cấp cho Công ty Cổ phần Loofaa gần 3 năm nay.
Theo ông Nhanh, hiện mỗi ha trồng mướp cho ông thu nhập khoảng 300 triệu đồng/năm.
“Cứ đến thời điểm mướp già, công ty lại cử người đến hướng dẫn chúng tôi thu gom, xử lý trái để lấy xơ làm nguyên liệu. Giờ chúng tôi không còn phải lo đầu ra cho mướp như trước, chỉ lo trồng, chăm sóc vườn cây cho tốt, đến ngày thu hoạch thì đếm trái tính tiền” - ông Nhanh phấn khởi.
Ông Trần Quốc Á, Phó Chủ tịch UBND phường Khánh Xuân, chia sẻ những năm gần đây, một số hộ dân trên địa bàn phường đã liên kết với doanh nghiệp để trồng mướp, có thu nhập ổn định.
“Nhờ được công ty bao tiêu sản phẩm, giá cả ổn định, không phụ thuộc thị trường nên bà con yên tâm sản xuất, thu nhập khá hơn trước” - ông Á nói.
Dép, nón, giỏ xách... từ xơ mướp
Không chỉ người dân phường Khánh Xuân, nhiều hộ dân ở các huyện khác tại Đắk Lắk cũng liên kết trồng mướp để cung cấp nguyên liệu xơ mướp cho Công ty Cổ phần Loofaa.
Tại trụ sở của công ty trên tại TP Buôn Ma Thuột, PLO ghi nhận có nhiều công nhân đang miệt mài làm việc. Người lột vỏ, người cắt, người dệt, may… cùng nhau “biến” xơ mướp thành những sản phẩm bắt mắt như dép, nón, giỏ xách, miếng rửa chén, tấm lót nồi…
Ông Nguyễn Phú Tùng, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Loofaa, cho biết hiện công ty ông liên kết với nhiều nông dân ở TP Buôn Ma Thuột và các huyện Buôn Đôn, Krông Búk, tạo vùng nguyên liệu trồng mướp với diện tích gần 20 ha.
Khi trái mướp già, tạo xơ thì công ty mới cho thu hoạch, đem về phơi khô, lột vỏ, làm sạch tạp chất rồi đem vào cán, ép để làm nguyên liệu.
“Chúng tôi "biến" xơ mướp thành 3 dòng sản phẩm chính dùng trong nhà bếp, nhà tắm và sản phẩm thời trang. Các sản phẩm đều được làm hoàn toàn thủ công, không sử dụng bất kỳ hóa chất nào” - ông Tùng nói.
Cũng theo lời ông Tùng, từ năm 2020, ông cùng các cộng sự bắt đầu tìm vùng nguyên liệu và tiến hành thủ tục thành lập công ty để khởi nghiệp với xơ mướp.
Tuy nhiên, cả nhóm của ông Tùng ai cũng là tay ngang, không có kiến thức về sản xuất các sản phẩm từ loại nguyên liệu này. Vì vậy, thời gian đầu những sản phẩm của công ty sản xuất ra “không giống ai”, rất kén người dùng.
“Đầu tiên, công ty tôi làm được một chiếc nón thời trang từ xơ mướp. Tuy nhiên, tôi giấu nhẹm chiếc nón đó, không dám giới thiệu cho ai vì nhìn đi nhìn lại không giống cái nón” - ông Tùng cười, nhớ lại.
Về sau, ông tìm tòi, học hỏi thêm kinh nghiệm về quy cách, hình thức chế tạo sản phẩm từ xơ mướp. Tiếp đó, ông cùng các cộng sự quyết định tổ chức một cuộc thi thiết kế để có thêm ý tưởng về các sản phẩm cho công ty.
Dần dà, ông Tùng cùng các cộng sự đã định hình được hướng đi, tạo ra những dòng sản phẩm vừa thiết thực vừa đẹp mắt, được người tiêu dùng đón nhận, ủng hộ.
“Hiện công ty chúng tôi đang có những khởi đầu thuận lợi với các sản phẩm từ xơ mướp. Đồng thời, trái mướp đang mở ra nhiều tiềm năng, giúp nông dân cải thiện đời sống. Thông qua các sản phẩm của mình, chúng tôi mong muốn lan tỏa tình yêu thiên nhiên, gửi gắm thông điệp bảo vệ môi trường tới mọi người” - ông Tùng nói.
TIẾN THOẠI