Du lịch Sơn La thời 4.0
Từ lâu, Mộc Châu đã được ví như “viên ngọc xanh” nơi đại ngàn Tây Bắc. Hai lần liên tiếp đạt danh hiệu Điểm đến thiên nhiên hàng đầu khu vực, thế giới và trở thành Khu du lịch Quốc gia là minh chứng cho sự nỗ lực, tâm huyết và sáng tạo của bà con, những người làm du lịch, cùng cấp ủy, chính quyền địa phương, để viên ngọc ấy ngày càng tỏa sáng trên bản đồ du lịch.
Không chỉ mời gọi và chinh phục trái tim du khách bằng bức tranh thiên nhiên, sắc màu văn hóa, Mộc Châu đã và đang nỗ lực chuyển mình trong dòng chảy công nghệ số, truyền thông số.
Bà Nguyễn Thị Hoa, Phó Chủ tịch UBND huyện Mộc Châu, Sơn La cho biết: "Mục tiêu của chúng tôi là làm thế nào để khách du lịch trong nước và quốc tế tiếp cận được gần hơn với các dịch vụ du lịch và được hưởng các dịch vụ tương xứng với số tiền họ chi trả. Bên cạnh đó, chuyển đổi số cũng giúp cho cơ quan nhà nước quản lý tốt hơn việc thực hiện hoạt động du lịch trên địa bàn, như giá cả, dịch vụ"...
Từ những chủ homestay cho đến những doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch ở Mộc Châu đều không ngại thay đổi, bắt kịp xu thế và hòa mình vào hoạt động du lịch thời công nghệ 4.0.
Chị Lường Thị Hồng Tươi, chủ homestay Hoa Mộc Miên, xã Mường Sang, huyện Mộc Châu cho hay: "Tôi cũng đang dần thích nghi với công việc chuyển đổi số trong làm du lịch, từ đón tiếp khách hàng ngày, vận dụng những kênh truyền thông để chia sẻ, giới thiệu tới du khách; thanh toán, chuyển khoản đều dùng các ứng dụng, mã QR"...
"Mỗi khách hàng đến đều được chúng tôi chăm sóc theo giai đoạn, từ trước khi đến, trong khi sử dụng dịch vụ và sau đó. Từ đó chúng tôi có nhận định tốt hơn về các khách hàng tiềm năng cũng như các đối tượng khách hàng đến với khu du lịch. Bên cạnh đó, việc sử dụng hòm thư góp ý trên các phương tiện, nền tảng số cũng là cơ hội để khách hàng phản ánh kịp thời các dịch vụ và chúng tôi có những thay đổi phù hợp hơn" - ông Hoàng Mạnh Duy, Phó Giám đốc điều hành khu du lịch Mộc Châu Island thông tin.
Không chỉ với những điểm đến thiên nhiên hùng vĩ, nên thơ, việc số hóa di sản, di tích cũng được tỉnh Sơn La quan tâm, đầu tư. Như tại Bảo tàng tỉnh Sơn La, công nghệ thực tế ảo đã được ứng dụng để xây dựng mô hình tham quan Di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La.
Anh Nguyễn Đình Khương, Phụ trách công nghệ thông tin, Bảo tàng tỉnh Sơn La cho biết: Chúng tôi đã tối ưu hóa về mặt giao diện thông tin, hình ảnh, góp phần giúp người dùng tiếp cận một cách thực tế, dễ dàng. Cùng với đó trên tính năng hình ảnh 3D, chúng tôi đã xây dựng những hoạt cảnh ngắn, những hình ảnh tiêu biểu dưới dạng mô hình hóa 3D... để giới thiệu và gợi sự tò mò với người dùng.
Du khách có thể dễ dàng tiếp cận các thông tin, địa điểm du lịch, trải nghiệm, giá cả dịch vụ trên các ứng dụng công nghệ, mạng xã hội; hình ảnh miền đất, con người, sắc màu văn hóa Sơn La trên các nền tảng số cũng ngày càng sống động, hấp dẫn và đến gần hơn với du khách... đó là mục tiêu và động lực để ngành du lịch Sơn La tiếp tục đầu tư nguồn lực cho chuyển đổi số.
Ông Trần Xuân Việt, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sơn La chia sẻ: Hiện ngành đang tập trung chuyển đổi số, quan tâm, ưu tiên, vận dụng các nguồn lực, từ nguồn lực được Nhà nước bố trí, nguồn lực xã hội hóa... Sở đã tham mưu ban hành các nghị quyết, như Nghị quyết 41 của HĐND tỉnh Sơn La về hỗ trợ phát triển du lịch, trong đó có nội dung ưu tiên hỗ trợ ứng dụng công nghệ thông tin để chuyển đổi số.
Nếu như năm 2020, Sơn La đón khoảng 1,7 triệu lượt khách, thì con số này đã tăng lên 3,8 triệu lượt trong 9 tháng năm 2024. Sự nhanh nhạy, sáng tạo, bắt kịp xu thế của bà con, những người làm du lịch đã và đang tô điểm cho bức tranh du lịch Sơn La trên bản đồ du lịch Việt Nam và thế giới.
Lê Hạnh/VOV-Tây Bắc