Du lịch phát triển, rộng cửa cho các đầu bếp Việt 'thử lửa'
Hiện nay, nghề đầu bếp là ngành nghề có sức hút và chưa có dấu hiệu giảm nhiệt; đặc biệt khi du lịch ngày càng phát triển, nhu cầu ăn uống của con người ngày càng được nâng cấp và liên tục đổi mới.
Rẽ hướng với nghề bếp
Có 5 năm kinh nghiệm trong ngành bếp chuyên nghiệp, Vũ Quốc Nhật (sinh năm 1993) hiện đang là đầu bếp tại một nhà hàng kiểu Việt - Âu hóa ở Nelson (Canada) cho biết, nghề đầu bếp không yêu cầu quá nhiều bằng cấp, cơ hội việc làm đa dạng, được trau dồi kỹ năng cần thiết với cuộc sống, có khả năng tiếp cận với các nguồn cung thực phẩm giá cả hợp lý.
Theo chia sẻ của đầu bếp 9X, dù học ngành ngân hàng nhưng khi 21 tuổi, Quốc Nhật chọn ngành bếp “đơn giản là vì cần một công việc có thu nhập ổn định”.
Nhớ lại những ngày đầu bước chân vào con đường “bếp núc”, Nhật chia sẻ: “Mình bắt đầu tại một nhà hàng Âu ở Hà Nội với công việc thái rau củ, chuẩn bị các loại sốt, chia khẩu phần nguyên liệu. Tiếp đó là công việc ở quầy lạnh, chuẩn bị các loại salad, trang trí đĩa, và cuối cùng là tới bếp nóng, nấu mì Ý, đồ chiên, đồ nướng...”.
Mặc dù bắt đầu khá chậm, bị áp lực về năng suất công việc nhưng chính những điều này đã giúp Nhật “lên tay” từng ngày, rèn luyện được nguyên tắc làm việc. “Dần dần, nghề bếp không chỉ là công việc mà còn là sự yêu thích của mình”, Quốc Nhật bày tỏ.
Theo Nhật, năm 2019 chính là bước ngoặt quan trọng để bản thân có sự chuyển mình - đi du học để có thêm góc nhìn mới, góc nhìn “phương Tây” về ngành đầu bếp chuyên nghiệp. Vừa học vừa làm tại một nhà hàng kiểu Việt - Âu hóa ở Canada, đến nay, chàng trai này đã rèn luyện tay nghề cũng như thử sức ở hầu hết các công đoạn trong bếp.
Qua thời gian dài “thử lửa” cùng những kinh nghiệm được rèn giũa nghiêm túc, Quốc Nhật cho biết công việc trong ngành ẩm thực chuyên nghiệp đòi hỏi sự kịp thời và chuẩn xác. Mỗi cá nhân đều cần đáp ứng tiêu chuẩn này để cả bếp có thể hoạt động trơn tru.
Điển hình như bếp trưởng cần đưa ra thực đơn và những thay đổi hợp lý, các bếp chính cần có kỹ năng để ra món đúng công thức, đúng định lượng trong thời gian quy định, các phụ bếp cần chuẩn bị nguyên liệu kỹ càng, đầy đủ…
Tuy nhiên, bên cạnh một công việc ổn định, có mức thu nhập cạnh tranh thì người đầu bếp phải làm việc trong môi trường ẩn chứa nhiều nguy hiểm, như nhiệt độ cao, tiếp xúc với vật sắc nhọn, vật nặng, có thể gây ra thương tích và ảnh hưởng tới sức khỏe. Vì vậy, theo Quốc Nhật, đầu bếp cần có sức chịu đựng tốt cũng như hiểu biết và cẩn trọng trong khi làm việc.
Tích lũy kinh nghiệm, bước ra làm chủ
Nghề đầu bếp là công việc gắn liền với sự phát triển du lịch. Thực tế cho thấy hầu hết học viên nghề bếp sau khi tốt nghiệp đều có việc làm trong các nhà hàng, khách sạn, quán cafe, các trường nội trú…
Ngoài việc theo đuổi sở thích, có thu nhập ổn định, được thể hiện cá tính của mình thông qua kỹ thuật chế biến, bày trí sáng tạo, nhiều bạn trẻ lựa chọn học nấu ăn để tích lũy kinh nghiệm và… bước ra làm chủ.
Tuấn Anh (sinh năm 1997 tại Hà Nội) là một bạn trẻ như vậy. Sau khi học kỹ thuật chế biến món ăn tại một trường cao đẳng ở Hà Nội, chàng trai 9X chọn “thử lửa” ở một số nhà hàng Âu, tiếp đó là ở cửa hàng bánh.
“Bên cạnh nấu ăn, ra món, em học được rất nhiều về quy trình vận hành bếp chuyên nghiệp. Từ bếp Âu chuyển sang bếp bánh là sự chuyển đổi giúp em rèn luyện thêm sự tỉ mỉ, kiên trì, nhẫn nại chờ bột nghỉ… để cho ra các mẻ bánh thơm ngon”, Tuấn Anh cho biết.
Chính sự chuyển mình “ngọt ngào” này là bước ngoặt cho quyết định khởi nghiệp vào giữa năm 2021 của chàng trai trẻ. Nhớ lại khoảng thời gian đó, Tuấn Anh cho biết trước khi kinh doanh online trong thời điểm dịch COVID-19, chàng trai này đã dành nửa năm để thử nghiệm các công thức trà hoa quả, cà phê và một số loại bánh ngọt cơ bản.
Không biết bao lần phải đổ đi, đến nay Tuấn Anh cùng cộng sự đang vận hành một quán nhỏ với lượng khách khá ổn định. Theo chia sẻ của Tuấn Anh, học nấu ăn là bước đệm giúp bản thân có nền tảng về cách kết hợp nguyên liệu, nghiên cứu công thức mới và không ngừng sáng tạo để thu hút khách hàng.
Tuy nhiên, với một startup trẻ, để xây dựng một thương hiệu trong ngành F&B và có được lượng khách hàng ổn định, Tuấn Anh cũng trải qua một giai đoạn khủng hoảng.
“Những ngày đầu, quán chỉ bán được tầm 5 - 6 cốc trà; sau này em quyết định tìm hiểu thêm những công thức bánh gato cơ bản để thực đơn được phong phú và cũng để thăm dò ý kiến khách hàng. Vừa làm vừa lắng nghe ý kiến phản hồi của khách nên những đồ uống sau này luôn có sự cải thiện, giảm ngọt, tặng độ đậm của trà… để hợp với thị hiếu khách hàng”, Tuấn Anh cho biết.
Mặc dù xây dựng một thương hiệu trà bánh giá cả bình dân nhưng Tuấn Anh và cộng sự luôn đề cao chất lượng, cũng như sự trải nghiệm của khách hàng.
Người góp phần tạo dấu ấn cho điểm du lịch
Việt Nam đang là điểm đến thú vị, hấp dẫn, là sự lựa chọn của nhiều du khách quốc tế. Tổ chức quốc tế về đào tạo ngoại giao Best Diplomats đã công bố 10 điểm đến an toàn nhất châu Á và điều đáng tự hào là Việt Nam đứng ở vị trí thứ 8.
Trước đó, Việt Nam là đại diện Đông Nam Á duy nhất lọt vào danh sách “9 điểm đến an toàn nhất thế giới dành cho nữ du khách du lịch một mình” của tạp chí Time Out.
Theo ông Phạm Hải Quỳnh - Viện trưởng Viện Phát triển du lịch châu Á, Việt Nam đang thu hút nhiều du khách từ các thị trường tiềm năng, như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ... và các quốc gia phương Tây.
Bên cạnh các di tích lịch sử nổi tiếng, du lịch ẩm thực ngày càng trở thành một yếu tố quan trọng trong trải nghiệm du lịch ở Việt Nam. Ẩm thực Việt Nam nổi tiếng với những món ăn ngon, đa dạng và phong phú, mang giá trị riêng biệt của từng vùng miền, từng đồng bào dân tộc thiểu số khác nhau.
Đặc biệt, ông Quỳnh cho biết Hà Nội là điểm đến lý tưởng cho du khách, là nơi hội tụ khá nhiều những giá trị văn hóa ẩm thực của nhiều nơi, nhiều vùng miền và là nơi chia sẻ những món ăn đặc trưng của Hà Nội qua nhiều thời kỳ.
Với sự phát triển đó, ông Quỳnh nhận định: “Nghề đầu bếp đóng vai trò quan trọng trong việc quảng bá ẩm thực và văn hóa Việt Nam đến du khách quốc tế. Sự sáng tạo, tài năng và kỹ năng của người đầu bếp không chỉ tạo ra những món ăn ngon mà còn giữ vai trò quan trọng trong việc tạo dấu ấn cho điểm du lịch”.
Theo ông Quỳnh, trong tương lai, các đầu bếp Việt có cơ hội phát triển và thể hiện tài năng của mình trên sân chơi quốc tế. Việt Nam có tiềm năng lớn để trở thành điểm đến du lịch ẩm thực hàng đầu, và các đầu bếp Việt có thể đóng góp không nhỏ vào việc quảng bá, phát triển du lịch nước nhà.
Ở vị trí của một đầu bếp, Quốc Nhật cho rằng cơ hội nghề nghiệp trong ngành bếp thường tỷ lệ thuận với kinh nghiệm và tay nghề của người lao động. Người mới bắt đầu thường chỉ được nhận vào vị trí phụ bếp, sinh viên ngành bếp hoặc có kinh nghiệm một năm trở lên sẽ có cơ hội làm bếp chính. Những vị trí quản lý, như bếp phó, bếp trưởng sẽ đòi hỏi kinh nghiệm cao hơn…
“Trong tương lai, khi quay về Việt Nam lập nghiệp, mình sẽ có cơ hội làm bếp chính ở nhà hàng bếp Âu hoặc khách sạn 3 sao trở lên”, Quốc Nhật tự tin chia sẻ.
Nhật Anh