Du lịch nông nghiệp: Hãy học người miền Tây!
Ngoài các lợi ích về kinh tế, du lịch nông nghiệp còn mang lại các lợi ích phi kinh tế cho các nhóm thụ hưởng gồm nông dân, du khách và cộng đồng địa phương. Với nông dân là tiềm năng tăng doanh thu và mong muốn duy trì lối sống nông nghiệp. Cộng đồng được hưởng lợi từ cơ hội việc làm và tiền thuế từ doanh nghiệp. Còn với du khách, trước áp lực đô thị hóa, các trải nghiệm du lịch nông nghiệp mang lại sự giải trí, hứng khởi và cơ hội học hỏi, mở rộng kiến thức.
Phải có sự khác biệt
Giờ đây nhắc đến miền Tây là du khách liên tưởng ngay về một chuyến lênh đênh trên sông và đắm mình trong những vườn cây trái trù phú. Một số mô hình du lịch nông nghiệp tiêu biểu ở miền Tây phải kể đến khu Cồn Sơn (Cần Thơ), cồn Thới Sơn (Tiền Giang), làng hoa Sa Đéc (Đồng Tháp), nông trại Phan Nam (An Giang), khu du lịch Mười Ngọt (Cà Mau)… Đáng chú ý, du lịch nông nghiệp ở miền Tây thường phối hợp nhịp nhàng với du lịch cộng đồng hoặc du lịch sinh thái, qua đó tạo ra các trải nghiệm mới mẻ, khác biệt cho du khách đến từ thành thị hoặc các vùng nông thôn khác.
Tại huyện Phong Điền (Cần Thơ), vườn ca cao Mười Cương đã đón khách du lịch từ 10 năm trước. Khu vườn hút khách vì những trải nghiệm hoàn toàn khác biệt. Các loại cây trái trong vườn được sinh trưởng tự nhiên, không dùng phân bón hóa học. Nữ du khách Camille (Pháp) chia sẻ, nơi này được nhiều người giới thiệu và bản thân cô cũng tò mò vì "ở Pháp chúng tôi ăn sô cô la thường xuyên, nhưng chưa bao giờ thấy món này được làm thủ công từ quả ca cao".
Theo ông Lâm Thế Cương – chủ vườn ca cao Mười Cương, cơ sở này được quảng cáo nhiều qua truyền miệng, nhất là khách từ Đức và Pháp: "Hiện nay mô hình du lịch vườn ca cao và hướng dẫn cách làm ca cao thủ công như chúng tôi cũng không có nhiều. Trước đây chủ yếu đón khách quốc tế, nhưng bây giờ khách Việt, nhất là từ miền Bắc cũng đã biết đến nhiều hơn. Có những ngày đông khách, gia đình tôi tiếp không xuể".
Hiện nay tại An Giang, ít có nơi nào như nông trại Phan Nam (TP. Long Xuyên) du khách được trò chuyện với các kỹ sư nông nghiệp về các loại cây trái và ăn miễn phí một số nông sản sạch trong vườn như cà chua bi, ổi hoặc dâu tằm. Khu du lịch này ít bị bê tông hóa, vẫn giữ được không gian sông nước, miệt vườn miền Tây để du khách trải nghiệm, cộng thêm các hoạt động rất bản địa như hái rau, thu hoạch nông sản, chèo thuyền, bắt cá…
Kỹ sư Trần Linh Tâm cho biết nông trại Phan Nam bắt đầu đón khách vào năm 2018. Khi đó các kỹ sư tại đây hầu như thiếu kinh nghiệm làm du lịch, chỉ khởi đầu bằng kiến thức chuyên môn và tấm lòng chân thành, gần gũi đặc trưng của người miền Tây. Đơn vị cũng chủ động liên kết với các trường và công ty lữ hành để phát triển mảng du lịch giáo dục cho học sinh, sinh viên.
Tại làng hoa Sa Đéc (Đồng Tháp) có một mô hình liên kết du lịch độc đáo và hiệu quả mang tên "Hội quán cùng nhau làm du lịch". Theo ông Trần Hữu Tài - thành viên Hội quán, mọi người tham gia vào mô hình này để cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm làm du lịch, cập nhật những chính sách mới, ý tưởng hay và nhất là cách đa dạng hóa sản phẩm, trải nghiệm sao cho du khách không bị nhàm chán. Những ý tưởng hay mô hình du lịch na ná nhau sẽ được thảo luận để chuyển đổi, sao cho sản phẩm tại làng hoa Sa Đéc không bị trùng lặp.
Liên kết tạo sức mạnh
Ở quận Bình Thủy (Cần Thơ), điểm du lịch sinh thái cộng đồng Cồn Sơn thường xuyên tấp nập du khách nhờ những trải nghiệm rất thú vị và độc đáo như thăm bè cá trên sông, ngắm "cá lóc bay" hay các vườn cây trái trĩu quả. Ông Lý Văn Bon – chủ bè cá Bảy Bon cho biết du khách đến đây rất thích thú vì được tìm hiểu, tận mắt chứng kiến lối sống, văn hóa từ lâu đời của người dân miền sông nước. Cộng đồng tại đây rất đồng lòng để cùng nhau gìn giữ, phát huy lợi thế này để làm du lịch.
"Chúng tôi chỉ bảo nhau cùng làm du lịch, bảo vệ môi trường. Người dân được đào tạo nghiệp vụ phục vụ du khách, cả ngoại ngữ hay kỹ năng cứu nạn trên sông… Chuyên gia quốc tế cũng đã đến hướng dẫn người dân giữ gìn môi trường, hạn chế rác thải. Như bè cá Bảy Bon cũng thực hiện phân loại rác, thu gom đưa đến nơi tái chế. Dù hoạt động được vài năm, mà mất 2 năm dịch Covid-19, nhưng nơi này đã được nhiều du khách biết tới nên lượng khách quay lại rất nhanh và rất đông. Chúng tôi cố gắng cùng nhau từng bước, dần dần vươn lên để làm giàu trên quê hương mình" – ông Lý Văn Bon chia sẻ.
Quan trọng hơn, các mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn tại Đồng Tháp hay Cần Thơ đều nhận sự quan tâm lớn từ phía cơ quan quản lý. Ví dụ như làng hoa Sa Đéc đã được hỗ trợ về chính sách liên quan đến sử dụng đất; sau đó các sản phẩm du lịch được định hướng và quảng bá mạnh mẽ. Tỉnh Đồng Tháp cũng thường xuyên tổ chức các sự kiện trải đều trong năm để thu hút du khách về với Sa Đéc.
Theo ông Nguyễn Minh Tuấn – Giám đốc Sở VHTT& DL Cần Thơ, du lịch nông nghiệp ở Cần Thơ đã có đề án riêng cho giai đoạn 2021 – 2025 và tầm nhìn đến năm 2030, đưa du lịch nông nghiệp thành 1 trong 3 trụ cột chính của ngành du lịch địa phương. Trong đề án, các sở, ngành và chính quyền các cấp ở Cần Thơ đều có phần nhiệm vụ để phát triển loại hình du lịch này. Đơn cử như việc các loại loại bánh dân gian Nam Bộ được đưa vào bữa sáng trong khách sạn tại Cần Thơ đã là một sáng kiến hay, giúp sản phẩm du lịch nông thôn gần gũi hơn với du khách.
Sự phát triển của du lịch nông nghiệp, nông thôn tại các tỉnh miền Tây Nam Bộ chắc chắn sẽ là kinh nghiệm hữu ích cho các địa phương muốn đẩy mạnh loại hình này. Vừa qua, Sở Du lịch Hà Nội tổ chức chương trình khảo sát, học tập mô hình phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn tại một số địa phương khu vực Tây Nam Bộ năm 2022.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Dung - Phó Trưởng phòng VH&TT thị xã Sơn Tây (Hà Nội), cộng đồng làm du lịch ở Sơn Tây cần học sự gần gũi, thân thiện và cởi mở của người miền Tây khi đón tiếp khách: "Đến miền Tây du khách cảm nhận được ngay sự gần gũi, thân thiện của người dân, ngay từ những việc nhỏ nhất như mời miếng bánh, ly nước. Sự chân thành của họ khiến món ăn dường như ngon miệng hơn".
Ông Lê Khắc Nhu - Trưởng phòng VH&TT huyện Ba Vì (Hà Nội) cho rằng đoàn công tác lần này đã được trải nghiệm rõ nét về du lịch nông nghiệp, với sự tham gia chủ động của người dân và các hợp tác xã: "Ba Vì là địa phương sẵn có tiềm năng về du lịch nông nghiệp, điều chúng tôi cần học tập là cách tổ chức, kết nối cộng đồng và các đơn vị cung ứng dịch vụ. Bên cạnh sự định hướng của cơ quan quản lý thì rất cần sự mạnh dạn và nỗ lực của các đơn vị làm du lịch. Ba Vì sẽ nghiên cứu mô hình Hội quán tại Đồng Tháp để tổ chức các nhóm sinh thái nhà vườn, nhóm nông sản sạch hay nhóm bản sắc văn hóa nhằm phát triển du lịch cộng đồng"./.
Hải Nam/VOV.VN