Mùa đông u ám cho những gã khổng lồ công nghệ
Các thông tin báo cáo kết quả kinh doanh quý III của những gã khổng lồ công nghệ Mỹ đều cho thấy một kết quả ảm đạm, theo Reuters.
Cụ thể, Google công bố lợi nhuận Quý III của công ty đạt 13,9 tỷ USD, giảm gần 30% so với cùng kỳ 2021. Ông lớn công nghệ khác là Meta cho biết doanh thu từ quảng cáo, nguồn lợi nhuận chính của hãng, đang sụt giảm nhanh.
Trong khi đó, Microsoft dự báo tăng trưởng doanh thu của hãng từ nay tới cuối năm giảm mạnh nhất trong vòng 5 năm.
Meta hôm 26/10 cho biết lợi nhuận Quý III của tập đoàn này đã giảm hơn 50% so với cùng kỳ 2021.
Trước đây, các công ty công nghệ là nhóm dẫn dắt sự phát triển của nền kinh tế Mỹ trong thập niên qua, đồng thời thúc đẩy đà tăng trưởng của thị trường chứng khoán trong đại dịch Covid-19.
Giờ đây, trước áp lực của lạm phát dai dẳng và lãi suất tăng mạnh, ngay cả các gã khổng lồ của thung lũng Silicon cũng bắt đầu thấm đòn.
"Chúng ta đang ở trong mùa đông tăm tối. Bất kể công ty lớn hay nhỏ, không ai không bị ảnh hưởng", Brent Thill, chuyên gia công ty đầu tư Jefferies, bình luận trên New York Times.
Tín hiệu xấu bao trùm thung lũng Silicon
Các công ty công nghệ đang đối mặt vấn đề tương tự phần còn lại của nền kinh tế Mỹ. Trong thời gian đại dịch, nhờ các gói trợ cấp nghìn tỷ USD từ chính phủ, người dân dốc hầu bao chi tiêu, khiến các doanh nghiệp mạnh tay đầu tư để đáp ứng nhu cầu.
Lúc này, nhu cầu tiêu dùng đã hạ nhiệt, buộc các doanh nghiệp phải điều chỉnh hoạt động kinh doanh. Và quá trình này không hề dễ dàng.
Dù nói là đang gặp vấn đề, lợi nhuận của các công ty công nghệ vẫn ở mức đáng mơ ước. Google và Microsoft kiếm về tổng cộng 31,5 tỷ USD lợi nhuận trong Quý III/2022. Trong khi đó, lợi nhuận cùng kỳ của Apple là 20 tỷ USD, con số vẫn bị "táo khuyết" coi là đáng thất vọng.
Tuy vậy, sự giảm tốc trong doanh thu của giới công nghệ cho thấy một điểm yếu không thể phủ nhận. Đã nhiều năm qua, các công ty công nghệ lớn của Mỹ chưa thực sự phát hiện ra một ý tưởng mới nào có thể giúp đột phá lợi nhuận.
Bất chấp đã dành nhiều năm đầu tư vào R&D, Google và Meta đến nay chủ yếu vẫn sống nhờ vào doanh thu quảng cáo. Trong khi đó, iPhone - sản phẩm đã có tuổi đời 15 năm - tiếp tục là con gà đẻ trứng vàng chính của Apple, theo Wall Street Journal.
Thực tế trên khiến các gã khổng lồ công nghệ dễ bị tổn thưởng khi xuất hiện những doanh nghiệp với ý tưởng đột phá. YouTube, Facebook và Instagram đang gặp rắc rối lớn trước kẻ thách thức mang tên TikTok.
Giảm tốc tăng trưởng thậm chí nghiêm trọng hơn ở các doanh nghiệp về tiền kỹ thuật số, dịch vụ kết nối trung gian, các nhà sản xuất chip, theo New York Times.
Giá trị Bitcoin đã bốc hơi hơn 60% trong năm nay khiến nhiều công ty khởi nghiệp khốn đốn theo. Uber, một trong các công ty công nghệ tiên phong, đã phải cắt giảm chi tiêu trong bối cảnh các nhà đầu tư mất kiên nhẫn với tình trạng làm ăn thiếu hiệu quả.
Các công ty bán dẫn phải cắt giảm chi tiêu dành cho nhà xưởng, máy móc trong bối cảnh doanh số máy tính, điện thoại và phụ kiện giảm mạnh.
Nhà sản xuất thiết bị bán dẫn Texas Instruments cho biết sự ảm đạm bắt đầu lan sang các thị trường khác như máy sưởi và robot. Việc Trung Quốc kéo dài phong tỏa cùng các giới hạn thương mại, công nghệ mà Washington áp đặt lên Bắc Kinh khiến tình hình kinh doanh càng thêm u ám.
Tuần qua, Google và Microsoft trấn an các nhà đầu tư rằng họ sẽ siết chặt việc tuyển dụng cũng như giám sát chặt chẽ chi phí năng lượng và chuỗi cung ứng. Apple cho biết công ty sẽ cân nhắc kỹ hơn về kế hoạch mở rộng nhân sự trong bối cảnh kinh tế khó khăn.
Một số công ty phải bắt đầu chiến lược kinh doanh mới. Netflix cho hay nên tảng xem phim trực tuyến dự định ra mắt dịch vụ giá rẻ đi kèm quảng cáo để thu hút người sử dụng mới.
Sự đi xuống tất yếu
Suốt 3 năm qua, các công ty công nghệ tăng trưởng nhanh chóng trong bối cảnh người dân khắp thế giới học tập và làm việc trực tuyến, giúp doanh số điện thoại thông minh và máy tính bùng nổ.
Các doanh nghiệp mạnh tay chi tiền mua phần mềm lưu trữ đám mây và hội đàm trực tuyến. Người dân mắc kẹt trong nhà tìm tới mua sắm trực tuyến, thúc đẩy các doanh nghiệp rót tiền vào ứng dụng quản cáo.
Thực tế cho thấy các công ty công nghệ không thể duy trì mãi đà tăng trưởng nóng đó.
Sự đi xuống của toàn bộ ngành công nghệ bắt đầu từ mảng quảng cáo trực tuyến, vốn là mạch máu nuôi sống Google và Meta. Hôm 26/10, Meta cảnh báo chưa có dấu hiệu thị trường quảng cáo sớm khởi sắc.
Doanh số điện thoại thông minh và máy tính đang lao dốc trên toàn cầu. Khó khăn do nền kinh tế giảm tốc khiến nhiều doanh nghiệp thắt chặt chi tiêu cho điện toán đám mây.
Khách hàng giờ đây đã trở lại các cửa hàng truyền thống, chi tiêu dành cho du lịch, hòa nhạc, các sự kiện thể thao, những thứ từng là bất khả thi giữa đại dịch.
Apple dự báo doanh số iPhone trong năm tài khóa vừa qua chỉ tăng 7%, so với mức tăng trưởng 40% của năm 2021. Các nhà phân tích của Phố Wall dự đoán doanh số iPhone sẽ sụt giảm trong năm 2023 bởi hai thị trường lớn nhất của Apple là Trung Quốc và Mỹ đều tăng trưởng chậm lại.
Trên thị trường máy tính, đối thủ lớn nhất của Apple là Microsoft hứng chịu tác động tương tự.
Theo Reuters, thị trường máy tính đang thu hẹp với tốc độ tồi tệ nhất trong hàng thập kỷ. Microsoft dự báo doanh số phần mềm Windows sẽ lao dốc 30% trong những tháng cuối năm 2022.
"Rất nhiều máy tính được mua trong 2 năm qua nhưng chưa được sử dụng. Bên cạnh đó, thị trường việc làm đóng băng, các doanh nghiệp vì thế không cần máy tính mới", Mikako Kitagawa, chuyên gia tập đoàn phân tích thị trường Gertner, nhận định.
Miscrosoft có thể bù đắp sụt giảm doanh thu từ máy tính bằng sự tăng trưởng bùng nổ của sản phẩm điện toán đám mây Auzre. Nhưng doanh thu từ Azure cũng bắt đầu co lại khi các khách hàng cắt giảm chi tiêu.
Hôm 25/10, Microsoft cho biết doanh số của Azure tăng 35% trong Quý III, mức tăng đã chững lại so với hồi đầu năm 2022. Các nhà phân tích dự đoán doanh thu trong lĩnh vực điện toán đám mây của Amazon cũng sẽ giảm tốc.
Duy Anh