Trồng dưa lưới thủy canh thu lãi hàng trăm triệu đồng/năm
Anh Huỳnh Khắc Tùng (27 tuổi, xã Tân Công Chí, huyện Tân Hồng, Đồng Tháp) được xem là thanh niên điển hình khởi nghiệp thành công mô hình trồng dưa lưới thủy canh tiên phong trên địa bàn huyện Tân Hồng.
Năm 2017, khi anh đang theo học đại học ngành Công nghệ sinh học, trường Đại học Tôn Đức Thắng, anh Tùng được Viện Khoa học Vật liệu Ứng dụng nhận vào làm việc. Đến 2019, anh tốt nghiệp đại học và đăng ký tham gia chương trình tu nghiệp sinh của Bộ NN&PTNT tại Israel.
Sau gần 2 năm theo học chuyên ngành Kinh tế nông nghiệp, cuối năm 2020 anh Tùng tốt nghiệp. Khi về nước anh nhận thấy mình không phù hợp với công việc trước đây nên anh xin nghỉ việc.
Năm 2021, anh Tùng về quê, bắt tay với cán bộ kỹ thuật Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Tân Hồng, khởi nghiệp trồng dưa lưới thủy canh.
Theo anh Tùng, cái khó ban đầu của những thanh niên khởi nghiệp là vốn. "Ban đầu, ngoài số vốn hỗ trợ của Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Tân Hồng 100 triệu đồng, tôi vay ngân hàng thêm 700 triệu đồng, đầu tư nhà màng, hệ thống bồn, hệ thống tưới thủy canh… bắt đầu trồng dưa trên diện tích 1.000m2 đất của gia đình. Đến nay anh Tùng đã thu hoạch được 5 vụ dưa", anh Tùng cho biết.
Theo anh Tùng, trồng dưa theo kỹ thuật thủy canh có nhiều ưu điểm, như: một năm có thể trồng 4-5 vụ; tất cả phân thuốc bón cho dưa đều được kiểm soát hàm lượng, vì thế khi kiểm định hàm lượng phân thuốc, độc tố của trái dưa đều đạt. Chính vì điều này, giúp chất lượng trái dưa đảm bảo, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng.
Vẫn theo lời anh kỹ sư 9X Huỳnh Khắc Tùng, với diện tích 1.000m2, mỗi vụ anh thu hoạch khoảng 3,5 tấn dưa, cao hơn cách trồng truyền thống khoảng 1 - 1,5 tấn.
Đặc biệt, dưa của anh được các siêu thị bao tiêu, với giá từ 30.000 - 35.000 đồng, cao hơn giá dưa trồng truyền thống từ 10.000 - 15.000 đồng/kg. Do đó, trung bình một vụ dưa, anh Tùng lời từ 20 - 30 triệu đồng.
Ngoài trồng dưa lưới phục vụ cho người tiêu dùng hàng ngày, anh Tùng còn trồng một vụ dưa tết. Trái dưa có khắc chữ Tài - Lộc, phục vụ cho nhu cầu trưng tết của người dân. Với diện tích 1.000m2, anh Tùng thu hoạch 1.000 cặp dưa, bình quân mỗi cặp anh bán với giá 300.000 đồng, thu lãi khoảng 300 triệu đồng.
Ngoài việc có nguồn thu ổn định cho gia đình, kỹ sư 9X tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Đặc biệt là vụ dưa tết, khi dưa đến giai đoạn khắc chữ "Tài - Lộc", anh Tùng cần hơn 10 lao động mỗi ngày để làm công việc khắc chữ trên trái dưa lưới.
Ông Đỗ Cao Chiếm - Giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Tân Hồng, chia sẻ: "Anh Huỳnh Khắc Tùng là thanh niên trẻ tuổi rất có chí hướng, nhiệt tình, tâm huyết, phối hợp với cán bộ kỹ thuật của Trung tâm, khởi nghiệp mô hình trồng dưa lưới thủy canh.
Đây là mô hình mới, có hiệu quả mang tính đột phá tại phương. Góp phần phát triển nông nghiệp công nghệ cao và tạo điều kiện cho nông dân tham quan, học hỏi, có định hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao thời gian tới".
Ông Chiếm còn cho rằng, thị trường đầu ra dưa lưới rất rộng, dễ tiêu thụ, giá cao so với các loại hoa quả khác. Tuy nhiên, trồng dưa lưới thủy canh yêu cầu phải nắm rõ quy trình sản xuất, công nghệ; chi phí đầu tư ban đầu khá cao.
Anh Tùng cho biết, thời gian tới anh sẽ mở rộng thêm diện tích trồng dưa lưới, trồng thêm rau thủy canh. Ngoài ra, anh Tùng còn chuyển giao kỹ thuật trồng dưa lưới cho những hộ dân có nhu cầu phát triển kinh tế hộ gia đình tại địa phương.
Theo Nguyễn Hành/Dân trí