Loại cây rừng từ Tây Bắc vào Cà Mau trồng cho lãi bất ngờ
Cơ duyên với cây xạ đen
Anh Đỗ Quốc Khánh (SN 1986, ngụ xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) có nhiều năm làm giáo viên dạy tin học. Anh nói, nghề giáo thu nhập không cao, trong khi đó, nhà anh có khoảng 3ha đất nên anh quyết định làm thêm nghề trồng trọt để cải thiện đời sống.
Hơn 6 năm trước, thấy nhiều người trồng chuối có dư, anh Khánh cũng trồng chuối. Vừa trồng chuối xong, giá chuối đột ngột giảm mạnh khiến anh trắng tay. Sau đó, anh chuyển sang trồng cây đinh lăng lấy củ nhưng đến khi thu hoạch, anh Khánh "té ngửa" khi đinh lăng không có củ, dù lá và thân rất tốt.
Thấy nghề trồng trọt dường như không hợp với mình, anh Khánh có lúc định từ bỏ, tiếp tục "gõ đầu trẻ" kiếm cơm qua ngày. Cùng lúc, cha ruột của anh không may mắc bệnh xơ gan, sức khỏe ngày càng suy kiệt khiến anh càng nản lòng việc khởi nghiệp hơn.
"Lúc đó, có người quen gửi cho ít cây xạ đen ở tỉnh Hòa Bình vào nấu nước cho cha uống nói là rất tốt các bệnh lý về gan. Một thời gian sau, thấy sức khỏe của cha có cải thiện khi xét nghiệm lại thấy chỉ số về gan giảm nhiều. Tôi thấy rất vui và bắt đầu để ý đến cây xạ đen", anh Khánh chia sẻ một lý do mà anh xem như là cơ duyên với loài cây từ miền núi Tây Bắc này.
Theo anh Khánh, vùng đất đồng bằng U Minh hạ - Cà Mau khác với vùng đất miền núi. Ở đây cũng không có loài cây xạ đen giống như thế. Do đó, lúc đầu anh rất băn khoăn loại cây miền núi trồng có sống tốt ở vùng đất này hay không.
"Tôi đã suy nghĩ khá nhiều và được sự động viên của gia đình, tôi quyết định trồng thử cây xạ đen. Nhờ người quen gửi cây giống từ tỉnh Hòa Bình vào, chính thức trồng thử nghiệm, đó là khoảng năm 2016", anh Khánh cho hay.
Mỗi năm bỏ túi hàng trăm triệu đồng
Do vẫn còn những lo lắng bởi 2 vùng đất khác nhau nên ban đầu anh Khánh chỉ dám lấy khoảng 1.000 cây giống xạ đen, với chi phí mỗi cây khoảng 50.000 đồng. Theo anh Khánh, lấy số lượng cây giống không nhiều để lỡ như cây không sống được thì sẽ giảm thiệt hại.
Sau khi trồng cây xạ đen ở mảnh đất phía sau nhà, anh Khánh tìm tòi học hỏi từ nhiều nguồn thông tin về cách chăm sóc để đảm bảo đúng kỹ thuật.
"Có thời điểm thấy một số ít cây bị chết, tôi mất ăn mất ngủ. Thời gian rảnh là tôi chỉ ở ngoài vườn với xạ đen. Qua đó, tôi thấy cơ bản loài cây này phát triển khá tốt nên càng chú tâm, chăm sóc kỹ hơn", anh Khánh chia sẻ.
Sau khoảng 4 tháng trồng, cây xạ đen bắt đầu cho anh Khánh thu hoạch. Vì nhiều người biết được giá trị của loài cây này, cho nên ban đầu anh Khánh không kịp bán lá tươi. Mỗi ngày, anh bán hàng trăm ký lá cây xạ đen, cho thu nhập cả chục triệu đồng.
"Nhận thấy loài cây này mang lại hiệu quả giá trị kinh tế cao, tôi quyết đầu tư thêm. Hơn hai năm trước, tôi mua thêm 10.000 cây xạ đen nữa về trồng, tỷ lệ cây sống cũng hơn 70%. Tôi còn nhân giống ra thêm nên chủ động được nguồn giống để trồng mà không cần mua thêm nữa", anh Khánh cho biết.
Không chỉ bán cây giống, lá cây tươi, để tiện lợi trong sử dụng, anh Khánh làm thêm sản phẩm từ cây xạ đen khô. Anh đầu tư hàng chục triệu đồng để mua máy sấy, máy xay, máy đóng túi lọc để làm sản phẩm trà xạ đen.
Theo anh Khánh, hiện anh chủ yếu làm trà xạ đen để bán và đã có hơn 40 điểm đầu mối trên khắp cả nước. Anh xử lý sản phẩm mỗi gói túi lọc nhỏ khoảng 5 gram (giống như trà lipton). Tính ra, mỗi năm anh Khánh cho ra lò hàng chục ngàn gói túi lọc xạ đen. Sau khi trừ chi phí, anh thu lợi nhuận từ 300-400 triệu đồng.
Hiện anh Khánh đã nghỉ dạy học, chính thức khởi nghiệp từ loài cây xạ đen và một số loại cây khác như đinh lăng, thìa canh,… Nhờ theo nghề này, anh đã xây được cơ ngơi hơn 1,2 tỷ đồng cho gia đình. Năm 2022, anh Khánh được tỉnh Đoàn Cà Mau tuyên dương người khởi nghiệp tiêu biểu của tỉnh.
Theo Nhật Linh Đan/Dân trí