Dự án 8 thắp sáng ước mơ làm giàu cho phụ nữ dân tộc thiểu số Tánh Linh
Thay đổi nếp nghĩ cách làm
Chị Nguyễn Thị Đỉnh, dân tộc K'ho (La Ngâu, Tánh Linh, Bình Thuận) lớn lên ở vùng miền núi khó khăn, cuộc sống quẩn quanh với cái nghèo. Chị Đỉnh cho biết, trước đây, người K'ho quan niệm phụ nữ phải chăm lo việc nhà, chăm sóc con cái. Thế nhưng, từ khi được Hội LHPN địa phương cùng các ban ngành, đoàn thể vận động thay đổi "nếp nghĩ, cách làm", nhiều chị em đã mạnh dạn vay vốn để làm ăn, đầu tư phát triển kinh tế. Bản thân chị Đỉnh cũng tìm được hướng đi riêng bằng mô hình chăn nuôi dê và trồng bắp lai.
"Tận dụng thế mạnh địa phương có nhiều đồi núi nên mình nghĩ đến mô hình nuôi dê và trồng bắp lai. Bên cạnh đó, Hội LHPN xã hỗ trợ vay vốn từ ngân hàng chính sách, mình đã có vốn xây chuồng trại và mua giống về chăn nuôi. Các chị còn giới thiệu tham gia các lớp ngắn hạn về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt. Nhờ đó, mình tự tin, phải phấn đấu vươn lên bằng chị bằng em", chị Đỉnh chia sẻ.
Chị Đồng Thị Ánh Tuyết, dân tộc Chăm (Thị trấn Lạc Tánh, Tánh Linh, Bình Thuận) cho biết, bà con ở thôn chị chủ yếu sống bằng nghề trồng lúa nước, bà con thường đi ứng tiền của các tư thương để đầu tư trồng. Khi thu hoạch, các tư thương thường ép giá để trừ lại tiền và thu mua giá thấp. Bản thân chị Tuyết thường xuyên tham gia hoạt động Hội phụ nữ ở địa phương nên nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của chị em. Từ đó, chị Tuyết quyết định làm mô hình kinh doanh nông sản, thu mua lúa cho bà con trên địa bàn.
"Tôi đã bàn với chồng mạnh dạn vay vốn để đi thu mua lúa cho bà con. Tôi mua giá chuẩn, ổn định không ép giá để bà con có thu nhập cao hơn. Ban đầu, tôi tính toán thu mua trong phạm vi nhỏ nhưng chị em ai cũng muốn bán cho tôi, nên tôi nhờ Hội phụ nữ giới thiệu vay thêm vốn để thu mua cho bà con. Công việc vừa giúp gia đình tôi có thêm thu nhập vừa giúp bà con đỡ cảnh bị ép giá, bán nông sản đúng với giá trị làm ra", chị Tuyết chia sẻ.
Không riêng chị Đỉnh, chị Tuyết, hiện nay, trên địa bàn huyện Tánh Linh còn có rất nhiều chị em phụ nữ DTTS đã mạnh dạn vay vốn, đầu tư phát triển kinh tế. Đặc biệt, từ khi có Dự án 8, nhiều chị em đã thay đổi "nếp nghĩ cách làm", mạnh dạn ứng dụng khoa học công nghệ, tự tin làm kinh tế, góp phần xóa bỏ định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng; tham gia xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng.
Đưa dự án 8 "thấm sâu" hơn
Với mong muốn nhân rộng cách làm hay trong phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững cũng như thúc đẩy quyền năng kinh tế cho hội viên, phụ nữ DTTS tại huyện Tánh Linh, Ban Công tác phía Nam, Hội LHPN Việt Nam phối hợp cùng Hội LHPN tỉnh Bình Thuận tổ chức chuỗi các hoạt động truyền thông cho gần 300 chị em, hội viên, phụ nữ DTTS tham gia.
Chương trình gồm chuỗi hoạt động như: Giới thiệu các ấn phẩm truyền thông và tài liệu Dự án 8; trưng bày, giới thiệu sản phẩm khởi nghiệp của phụ nữ DTTS trên địa bàn huyện; giao lưu chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp của chị em phụ nữ DTTS; chuyên gia hướng dẫn phương pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong kết nối thị trường; xây dựng kênh bán hàng và quảng bá sản phẩm trên mạng xã hội…
Điểm nhấn của chương trình là chuyên gia hướng dẫn phương pháp, cách thức ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ thông tin để khởi nghiệp, phát triển kinh tế gia đình. Chị em được trau dồi nhiều kiến thức như: kỹ năng xúc tiến thương mại, dịch vụ, quảng bá giới thiệu sản phẩm địa phương; cách quảng bá sản phẩm trên nền tảng mạng xã hội như zalo, facebook, tiktok; chỉ cách bán hàng trên sendo, shopee…
Chị Huỳnh Thị Phương Thảo, dân tộc K'ho (La Ngâu, Tánh Linh, Bình Thuận) phấn khởi cho biết: "Tôi rất vui tham gia chương trình. Tôi học được rất nhiều điều mới từ buổi truyền thông hôm nay. Sau khi tham dự, tôi mong muốn sẽ tìm kiếm cho mình một công việc kinh doanh, khởi nghiệp nào đó".
Bà Trương Thị Cẩm Vân, Chủ tịch Hội LHPN huyện Tánh Linh (Bình Thuận) cho biết: Chương trình có ý nghĩa thiết thực đối với một huyện miền núi của Bình Thuận, tạo cơ hội cho chị em gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hay liên quan đến Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em". Qua chương trình, các chị em tiếp tục lan tỏa thông điệp của dự án 8 về địa bàn dân cư của mình.
"Trước đây, nhiều chị em còn mơ hồ khi nhắc về Dự án 8, nhưng hiện nay, nhiều chị em vùng đồng bào DTTS trên địa bàn đã hiểu và quyết tâm thực hiện, cùng phấn đấu vươn lên. Hội LHPN huyện đã tổ chức nhiều cuộc truyền thông, mở các lớp tập huấn, xây dựng địa chỉ tin cậy cộng động…Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục "nuôi dưỡng" để Dự án 8 thật thấm sâu hơn nữa vào từng hội viên phụ nữ DTTS", bà Vân nhấn mạnh.
Phát biểu tại buổi truyền thông, bà Nguyễn Thị Kiều Oanh, Phó Trưởng ban Công tác phía Nam, Hội LHPN Việt Nam, cho biết: Việc ứng dụng công nghệ thông tin là chìa khóa quan trọng, giúp phụ nữ nâng cao quyền năng kinh tế, tự chủ hơn trong cuộc sống. Chương trình mong muốn giúp chị em của huyện hiểu hơn những kiến thức cơ bản về ứng dụng công nghệ thông tin, khoa học công nghệ để ứng dụng vào thực tế sản xuất, giúp chị em vươn lên, góp phần nhiều hơn nữa trong việc phát triển kinh tế xã hội.
Phạm Thương- Thế Anh