Đối mặt với khủng hoảng kinh tế
f
Vài thập kỷ trước năm 1970 thật sự phi thường so với phần lớn lịch sử ở chỗ năng suất nhân tố tổng hợp tăng đặc biệt nhanh chóng. Tại Mỹ, tốc độ tăng TFP [1] trong giai đoạn 1920-1970 cao gấp bốn lần giai đoạn 1890-1920.
Trên thực tế, chính tăng trưởng TFP chứ không phải tăng trưởng trong giáo dục hay vốn tính bình quân trên mỗi lao động đã mang lại sức bật đặc biệt cho giai đoạn sau đó. Tốc độ tăng TFP ở châu Âu thậm chí còn cao hơn Mỹ, nhất là sau chiến tranh, phần vì châu Âu áp dụng những đổi mới đã được phát triển ở Mỹ.
Tăng trưởng nhanh không chỉ thể hiện trong thống kê thu nhập quốc dân. Theo bất kì kết quả được đo lường nào, chất lượng cuộc sống tính đến năm 1970 đã hoàn toàn khác biệt so với hồi năm 1920.
Một người dân điển hình ở phương Tây ăn uống đầy đủ hơn, được ấm áp hơn trong mùa đông và mát mẻ hơn vào mùa hè, tiêu thụ nhiều loại hàng hóa hơn, sống lâu hơn và khỏe mạnh hơn.
Khi một tuần làm việc đã ngắn hơn và thời điểm nghỉ hưu đến sớm hơn, cuộc sống không còn bị quá chi phối bởi những lao động cực nhọc hàng ngày. lao động trẻ em, vốn rất phổ biến trong thế kỉ 19, đã ít nhiều biến mất ở phương Tây. Ở đó, chí ít, trẻ em nay đã có thể tận hưởng tuổi thơ của chúng.
Nhưng vào năm 1973 (hoặc tầm đó), tất cả đã dừng lại. Tính trung bình, trong 25 năm tiếp theo, TFP chỉ tăng trưởng bằng 1/3 tốc độ đạt được trong những năm 1920-1970. Thứ khởi đầu bằng một cuộc khủng hoảng kinh tế với ngày tháng bắt đầu cụ thể, và thậm chí là một loạt thế lực ngoại bang để đổ lỗi, dần trở thành bình thường mới. Đà suy thoái không thể hiện rõ ngay.
Sinh ra và lớn lên trong thời kì hoàng kim của tăng trưởng kinh tế, các học giả và nhà hoạch định chính sách thoạt tiên cho rằng đó chỉ là chút nhiễu động tạm thời, rồi mọi sự đâu khắc sẽ vào đấy. Vào thời điểm người ta thấy rõ tăng trưởng chậm không chỉ là một sự chệch hướng, hy vọng mới nhất là một cuộc cách mạng công nghiệp mới, được thúc đẩy bởi sức mạnh tính toán, đang gần kề.
Sức mạnh tính toán bấy giờ đang gia tăng với tốc độ ngày càng nhanh hơn, và máy tính được đưa vào sử dụng ở khắp mọi nơi, chẳng kém gì điện và động cơ đốt trong ngày xưa. Điều này chắc chắn sẽ được chuyển hóa thành một kỉ nguyên tăng trưởng năng suất mới tất yếu vực dậy nền kinh tế. Và quả thực rốt cuộc nó cũng xảy ra.
Bắt đầu từ năm 1995, chúng ta đã chứng kiến vài năm tăng trưởng TFP cao (mặc dù vẫn kém xa những năm tưng bừng nhất). Tuy nhiên, ngày vui ngắn chẳng tày gang. Từ năm 2004, tăng trưởng TFP và tăng trưởng GDP ở cả Mỹ và châu Âu có vẻ đã trở lại những ngày tháng ảm đạm của thời kì 1973-1994.
Ở Mỹ, tăng trưởng GDP quả có khởi sắc hồi giữa năm 2018, nhưng tăng trưởng TFP vẫn ì ạch. Trong năm, TFP chỉ tăng trung bình 0,94%,12 so với mức 1,89% đạt được trong giai đoạn 1920-1970.
Cuộc suy thoái mới này đã khuấy động một đợt tranh luận sôi nổi trong giới kinh tế gia. Có vẻ khó mà dung hòa được nó với mọi thứ chúng tôi nghe thấy xung quanh mình. Thung lũng Silicon liên tục nói với chúng tôi rằng ta đang sống trong một thế giới của đổi mới và đột phá không ngừng. Dường như đâu đâu cũng đổi mới. Nhưng cớ sao đổi mới thì nhiều mà chẳng thấy chút dấu hiệu nào của tăng trưởng?
Cuộc tranh luận trước nay xoay quanh hai câu hỏi. Thứ nhất, liệu tăng trưởng năng suất cao bền vững rồi có quay trở lại không? Thứ hai, phải chăng việc đo lường GDP, giỏi lắm cũng chỉ là một bài tập phỏng đoán, bằng cách nào đó đã bỏ sót tất cả những niềm vui và hạnh phúc mà nền kinh tế mới đang mang lại cho chúng ta?
[1] Năng suất các nhân tố tổng hợp (Total factor Productivity - TFP) là một trong những chỉ tiêu phản ánh chính xác và khái quát nhất hiệu quả sử dụng vốn và lao động, là căn cứ quan trọng để phân tích chất lượng tăng trưởng kinh tế đánh giá tiến bộ khoa học công nghệ của mỗi ngành, mỗi địa phương hay một quốc gia.
Abhijit V. Banerjee & Esther Duflo/ NXB Trẻ