Độc lạ phòng gym cho khách hát karaoke thỏa thích
Đăng ký gói hội viên ở phòng gym đã vài tháng, Miwa, nhân viên bán hàng 40 tuổi, hiếm khi đến tập thể hình. Tuy vậy, cô vẫn chấp nhận trả 20 USD/tháng để duy trì thẻ thành viên vì các tiện ích ở đây. “Mỗi khi buồn, tôi sẽ đến đây hát karaoke”, cô nói.
Rizap là đơn vị quản lý chuỗi phòng gym nhượng quyền đang nổi tiếng ở Nhật Bản. Ngoài cung cấp địa điểm và các thiết bị tập thể hình, thương hiệu còn để khách tự do sử dụng máy hát karaoke, bốt chụp ảnh, máy quét CT...
Mô hình đa chức năng này gọi là Chocozap và được vận hành bởi thương hiệu thể hình Rizap Group. Chuỗi phòng gym nhượng quyền này trị giá hàng tỷ USD với 1.500 chi nhánh và 1,2 triệu khách hàng khắp Nhật Bản.
"Phòng gym không người"
Những phòng gym đa dụng trang bị quầy sơn móng tay, phòng karaoke bắt đầu xuất hiện trong giai đoạn Covid-19. Khi đó, các huấn luyện viên cá nhân của Rizap phải chống chọi với dịch bệnh và không thể ra ngoài. Thương hiệu phải chuyển sang mô hình “phòng gym không người” (tiền thân của Chocozap) để giúp hội viên tập thể thao an toàn.
“Từ mô hình phòng gym không người, chúng tôi quyết định phát triển chuỗi phòng gym có đủ các yếu tố của một cửa hàng tiện lợi: mở cửa 24h, nằm ở vị trí đắc địa, thường xuyên thay đổi sản phẩm”, ông Takayuki Suzuki, chủ tịch của Rizap Technologies - công ty chủ quản của mô hình gym Chocozap, chia sẻ.
5 ký tự đầu tiên của “Chocozap” không liên quan đến socola mà là viết tắt của từ “một chút” (chokotto - ngụ ý thứ gì cũng có một chút) trong tiếng Nhật.
Dù cung cấp nhiều tiện ích, những phòng gym Chocozap được thiết kế để tiết kiệm chi phí cho nhà đầu tư lẫn hội viên. Loại phòng gym này không có nhà tắm (vì ở rất gần nhà hội viên) hay nhân viên lễ tân. Đơn vị quản lý sẽ liên tục bổ sung và tháo dỡ các tiện ích dựa trên nhu cầu của hội viên.
Một phòng gym Chocozap tiêu chuẩn thường có diện tích khiêm tốn và không có nhân viên - yếu tố giúp Rizap thích nghi với thị trường lao động thiếu hụt của Nhật Bản. Hội viên có thể sử dụng ứng dụng Rizap trên điện thoại như thẻ ra vào và đặt trước các thiết bị tập, tiện ích. Tường ở đây được sơn hai màu vàng - trắng để tạo cảm giác ấm cúng và nghệ thuật cho người tập.
Các nhân viên vệ sinh sẽ đến 2 lần/tuần. Rizap đang thử nghiệm dịch vụ giảm giá cho hội viên nếu họ sẵn lòng hỗ trợ lau dọn phòng gym.
Để giảm chi phí, các nhân viên của thương hiệu đến thăm Hội chợ Xuất - Nhập khẩu Trung Quốc hàng năm để tìm mua những món đồ thú vị và tiện ích. Đến nay, một vài tiện ích nổi tiếng trong phòng gym là phòng karaoke, máy tẩy lông chân, bốt chụp ảnh và ghế massage. Gần đây, vài cơ sở Chocozap còn trang bị máy quét CT.
“Chúng tôi nhận ra nhân viên tại phòng gym không quá quan trọng và lắp đặt nhiều tiện ích thú vị sẽ làm tăng nhu cầu của khách hàng”, ông Suzuki nói.
Đốt tiền
“Họ đã quản lý mọi thứ rất hiệu quả”, ông Kyoichiro Shigemura, chuyên viên phân tích kinh doanh tại Nomura Securities, nhận xét. “Mô hình kinh doanh này khá khó để bắt chước vì cần đốt tiền khoảng 2-3 năm thì mới sinh lời”.
Thương hiệu Rizap bắt đầu hoạt động từ năm 2006 và nổi tiếng với các quảng cáo về người nổi tiếng của Nhật Bản trở nên thon gọn và săn chắc sau vài tháng tập thể hình. Gói tập thể hình cường độ cao của Rizap có giá 600.000 yen/2 tháng (4.000 USD). Chiến lược này đã giúp tập đoàn được định giá 140 tỷ yen (930 triệu USD) trên thị trường không lâu sau đó.
Trước đó, Rizap nổi tiếng vì là thương hiệu thể thao có nhiều huấn luyện viên cá nhân cao cấp với khách hàng là giới thượng lưu Nhật Bản.
Ngành công nghiệp thể hình ở Nhật Bản trị giá 278,4 tỷ yen (1,9 tỷ USD), tương đương với Anh và Mỹ. Trung bình, một gói tập thể hình ở “xứ sở hoa anh đào” có giá 60-80 USD/tháng.
Nhắm đến tệp khách hàng muốn tập thể hình với giá rẻ, Rizap phát triển mô hình Chocozap và trở thành “ông trùm” trong ngành công nghiệp thể hình - lĩnh vực có đến 2,8 triệu người tiêu dùng trong năm 2023, tăng 2,2% so với năm trước.
Để đáp ứng nhu cầu của hội viên, thương hiệu liên tục “đốt tiền” cho mô hình Chocozap đến cuối năm 2023 và dự kiến thu lợi nhuận cao trong năm nay.
Rizap đặt mục tiêu tăng gấp đôi số phòng gym lên 3.000 vào năm 2027 và đạt mốc 10.000 trong tương lai, tương đương số chi nhánh nhượng quyền của các thương hiệu cửa hàng tiện lợi. Công ty còn muốn mở rộng sang thị trường quốc tế. Rizap đã đưa mô hình gym Chocozap sang Trung Quốc, cùng hai tiểu bang Santa Monica và California của Mỹ.
Miwa cho biết cô sẽ tiếp tục đóng phí cho gói hội viên trong vài năm tới. Theo cô, 20 USD là “quá rẻ” so với việc được hát karaoke thỏa thích và sử dụng các dịch vụ khác mọi lúc. “Lời phàn nàn duy nhất của tôi là phòng hát karaoke cách âm chưa đủ tốt”, nhân viên bán hàng 40 tuổi nhận xét.
Đông Tùng
Ảnh: Bloomberg