Doanh nhân Trương Công Bảo, Giám đốc điều hành Bảo Lân Textile: Nhắm đến giá trị bền vững cho cộng đồng
Hướng đến sản phẩm bền vững
Với nền tảng chuyên môn vững chắc cùng sự am hiểu thị trường tích lũy trong nhiều năm, ông Trương Công Bảo tham gia khởi sự Công ty TNHH Bảo Lân (Bảo Lân Textile) vào năm 2015. Trong vai trò Giám đốc điều hành, ông đã mở rộng thị phần của Bảo Lân Textile, song song với nghiên cứu và phát triển các dòng sợi, vải thân thiện môi trường.
Mới đây, sau 3 năm nghiên cứu, thử nghiệm và phát triển ý tưởng “biến tài nguyên dứa tự nhiên chưa được tận thu sau canh tác thành sợi vải tự nhiên bằng phương thức sản xuất đại trà”, Bảo Lân Textile và Ecofa Việt Nam đã giới thiệu tơ, sợi, vải sinh thái Ananas (sợi, vải Ananas) được sản xuất từ xơ lá dứa - một phế phẩm nông nghiệp phổ biến tại Việt Nam.
Chia sẻ về quá trình này, ông Bảo cho biết, Bảo Lân Textile có thế mạnh là R&D (nghiên cứu, phát triển, cải tiến) các dòng sợi vải chất lượng, hướng đến những sản phẩm phát triển bền vững. Trước khi “bắt tay” với Ecofa Việt Nam, ông cùng một người bạn nữa đã mày mò tìm hiểu và làm thủ công loại sợi được tách từ xơ lá cây dứa.
Định hướng sự nghiệp trong lĩnh vực dệt may ngay từ lúc đại học, ông Trương Công Bảo làm dày kinh nghiệm của mình trong ngành công nghiệp sợi, vải từ nhiều vị trí khác nhau trong gần 20 năm qua. Với vai trò chuyên gia nghiên cứu và phát triển các kiểu dệt tại Tổng công ty Dệt Phong Phú và Trưởng bộ phận nguyên cứu, thu mua các dòng vải cho Bibo Design (một công ty của Australia có văn phòng tại Việt Nam), ông đã có tầm nhìn về thị trường, cũng như cơ chế phát triển - vận hành sản phẩm mới.
Hai người đã làm ra được sản phẩm sợi tơ “bông” từ xơ lá dứa, nhưng do làm thủ công nên số lượng rất hạn chế. Tiếp tục nghiên cứu để phát triển, thì dịch Covid-19 bùng phát, họ không thể làm việc trực tiếp với nhau, mà chỉ trao đổi online. Hơn nữa, để có thể sản xuất đại trà sản phẩm, cần có máy móc, thiết bị chuyên dụng, nhưng đây là sản phẩm quá mới trên thị trường, chưa có thiết bị chuyên dụng, nên kế hoạch đành phải dừng lại.
Đang lúc bế tắc, thì may mắn thay, ông Đậu Văn Nam, Nhà sáng lập Ecofa Việt Nam chủ động tìm đến Bảo Lân Textile ngỏ ý hợp tác để phát triển sợi tơ từ lá cây dứa. “Nam là kỹ sư cơ khí, có chuyên môn sâu về thiết bị, nên phụ trách khâu sản xuất nguyên liệu trên máy móc để cho ra sản phẩm đại trà. Nhưng lúc này vẫn còn dịch Covid-19, nên chủ yếu làm việc từ xa, năm 2021 mới chính thức chạy thử số lượng lớn”, ông Bảo nói.
Nhớ lại những ngày đầu thử nghiệm, ông Bảo cho hay, làm việc với ông Nam được 1-2 năm cũng có lúc nản vì chi phí bỏ ra quá nhiều, đầu ra lại khó vì sản phẩm hoàn toàn mới, thế giới chưa áp dụng sản xuất đại trà, mà chủ yếu dừng lại ở sản phẩm thô, không thể ứng dụng rộng rãi cho thị trường dệt may, cung cấp tới đa số người tiêu dùng.
Nhưng khi đi khảo sát vùng nguyên liệu, ông thấy được khó khăn đồng bào vùng cao. Họ trồng cây dứa, bán trái xong thì phải mất thời gian chặt cây, phơi khô, sau đó đốt bỏ đi…, vừa lãng phí, mất công sức và gây ô nhiễm môi trường. Trong khi đó, cuộc sống của họ rất khó khăn, không có nhiều công việc để làm ra tiền.
“Chính điều này thôi thúc tôi tiếp tục cố gắng. Đến nay, chúng tôi đã hợp tác với nông dân và hợp tác xã tại Điện Biên, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Tiền Giang để thu hoạch lá dứa”, ông Bảo nói.
Luôn cải tiến để tạo giá trị khác biệt
Chia sẻ thêm về quá trình sản xuất dòng sản phẩm sợi, vải Ananas, ông Bảo cho hay, từ trước đến giờ, khi nhắc đến sản phẩm sợi xơ dứa, mọi người chỉ nghĩ đến những sợi tơ thô được tách ra từ lá cây dứa, chủ yếu được sử dụng để làm những sản phẩm thô như bao bố… Cũng có một số đơn vị xử lý được từ sợi tơ dứa thô thành sợi tơ “bông” để làm ra các sản phẩm thời trang khác nhau, song chủ yếu làm thủ công với số lượng rất ít, giá thành cao, chỉ đáp ứng cho một nhóm khách hàng nhất định.
Còn Bảo Lân Textile muốn sản xuất đại trà sợi tơ “bông” từ lá dứa, có thể phục vụ những đơn hàng lớn. Đến nay, ông Bảo có thể tự tin khẳng định: “Việc chế biến được sợi tơ dứa thô thành sợi tơ dứa ‘bông’ với số lượng lớn chính là lợi thế cạnh tranh của Bảo Lân Textile trên thị trường”. Sở dĩ ông có thể tự tin vậy là bởi các đơn vị lựa chọn phát triển sản phẩm từ sợi tơ lá dứa trên thị trường đang gặp phải “nút thắt” chính là làm ra sợi xơ “bông” với số lượng lớn và giá thành phải chăng.
Theo ông Bảo, quy trình sản xuất tại Việt Nam hiện nay chưa làm được vải với nguyên liệu 100% từ sợi Ananas. Song từ sợi Ananas mà Bảo Lân Textile cung cấp, có thể pha trộn tùy chỉnh với các sợi sinh thái khác như bông hữu cơ (organic cotton), Bamboo Biocell, lụa, len… để tạo ra các loại vải khác nhau phục vụ may mặc, làm phụ kiện, dệt gia dụng và trang trí nội thất.
Sản phẩm hiện đã được Viện Nghiên cứu Dệt may TP.HCM (VTRSI-TTC) cùng Tổ chức Kiểm tra và phân tích kỹ thuật Nissenken (Nhật Bản) cấp chứng nhận cho 4 tính năng vượt trội, gồm: độ bền vải, khử mùi tự nhiên trên sợi, kháng khuẩn tự nhiên trên sợi, chống UV tự nhiên trên tơ lên đến 50+UPF.
Với suy nghĩ là “không được bằng lòng với những gì đã có”, ông Bảo cùng cộng sự đang tiếp tục nghiên cứu để cải tiến sản phẩm, làm sao cho vải từ tơ lá dứa mềm hơn, mịn hơn… Để làm được điều này, ngoài yếu tố kỹ thuật chuyên môn, thì vấn đề liên quan đến máy móc, thiết bị rất quan trọng.
Đề cao chữ Tâm, chữ Tầm
Bảo Lân Textile đang cung ứng ra thị trường nhiều sản phẩm khác như: cotton hữu cơ sợi vải cà phê, vải BCI CVC Recycle, Bamboo Biocell, Bamboo Lãnh, Bamboo Lụa, Bamboo Denim… Đối với sợi vải dứa Ananas, có điều khác biệt, đây là sản phẩm “Made-in-Vietnam”, đảm bảo chuỗi cung ứng nguyên liệu dệt may minh bạch nguồn gốc Việt (originated-in-Vietnam).
Khi được hỏi: “Vì sao ông lựa chọn phát triển dòng sản phẩm như thế này?”, đại diện Bảo Lân Textile thẳng thắn chia sẻ, sống xanh đang là xu hướng được nhiều công ty lớn trên thế giới lựa chọn. Hơn nữa, tại các sự kiện lớn liên quan đến ngành dệt may, những sản phẩm mới chủ yếu liên quan đến yếu tố xanh và sạch…
“Với kiến thức đã học và những gì đang thấy từ thực tế, tôi nhận ra rằng, sản phẩm phù hợp nhất mà có thể tạo ra giá trị cho thị trường Việt Nam chính là sản phẩm sinh thái”, ông Bảo nói.
Triết lý kinh doanh tại Bảo Lân Textile đề cao chữ Tâm, chữ Tầm lên trên hết. Song, để thực hiện được điều này, phải có sự kiên nhẫn. Để xây dựng được thương hiệu có Tâm và Tầm trên thị trường, cần khoảng thời gian rất dài, 10 - 20 năm, không phải nói là làm ngay được.
“Thời gian đó, khách hàng và đối tác sẽ dõi theo hành trình của mình. Chính vì vậy, để có được lòng tin của họ, mình phải thể hiện qua từng sản phẩm và triết lý kinh doanh mà mình hướng đến”, ông Bảo nói.
Cũng chính nhờ sự kiên trì theo đuổi triết lý kinh doanh trên, mà tính từ thời điểm Bảo Lân Textile công bố sợi vải dứa Ananas ra thị trường đến nay chưa được 1 tháng, nhưng đã ghi nhận nhiều tín hiệu rất tốt từ thị trường. Công ty đã có những đơn hàng từ các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.
Vị doanh nhân này chia sẻ thêm, đã kinh doanh thì phải tạo ra lợi nhuận, nhưng phải xác định lợi nhuận này ở trong tầm nhìn bao lâu. Nếu doanh nghiệp chỉ nhắm đến lợi nhuận vẫn có thể tồn tại được, nhưng sẽ gặp rất nhiều thách thức và đánh đổi rất lớn. Doanh nghiệp hướng đến giá trị, tạo ra giá trị cho người dùng, cho cộng đồng… cũng phải đối mặt với nhiều thách thức, nhưng về lâu dài, thì giá trị mà doanh nghiệp mang lại sẽ quan trọng hơn.
“Trong thời điểm hiện nay, giới doanh nhân gặp rất nhiều khó khăn. Song, thách thức luôn đi cùng với cơ hội. Vì vậy, điều cần có lúc này chính là sức khỏe và sự sáng suốt…, từ đó mới có thể nhìn nhận, đánh giá đâu là thách thức, đâu là cơ hội, rồi chèo lái doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tìm ra những đường đi tốt nhất”, ông Bảo nói.
Việt Dũng