Doanh nghiệp thuần Việt tăng tốc trên đường đua xuất khẩu bằng 'bàn đạp' thị trường nội địa
Hơn 25 năm thăng trầm, từng đứng trước nguy cơ bị thâu tóm bởi tập đoàn nước ngoài, nhưng lại quyết tâm đồng hành với một tập đoàn nội địa để bứt phá, doanh nghiệp bánh kẹo thuần Việt - Bibica - vẫn khẳng định sức sống bền bỉ của thương hiệu Việt. Doanh nghiệp này cũng đưa sản phẩm mang thương hiệu riêng xuất khẩu đến 17 thị trường quốc tế. Gần đây nhất, Bibica tiếp tục tăng tốc bằng việc chinh phục hệ thống bán lẻ quốc tế khi đạt được thỏa thuận đưa sản phẩm bánh kẹo vào hệ thống bán lẻ hàng đầu thế giới Walmart…
Nắm chắc lợi thế của nhà sản xuất Việt
Từ bài học marketing “phải có tên riêng cho từng sản phẩm, có thương hiệu và có logo riêng cho nhà máy”, Công ty Cổ phần Bibica, thành viên của Tập đoàn PAN được thành lập trên cơ sở cổ phần hóa 3 phân xưởng bánh, kẹo và mạch nha của Công ty Đường Biên Hòa. Tên Bibica được ra đời bằng sự kết hợp của Bi (Biên Hòa), Bi (Biscuit) và Ca (Candy), và đây cũng là những dòng sản phẩm chính của thương hiệu này.
Bài học marketing ban đầu đã định vị dòng sản phẩm mang thương hiệu Bibica trong suốt hành trình phát triển, đưa sản phẩm Bibica trở thành thói quen của người tiêu dùng Việt. Với độ phủ rộng lớn, sản phẩm Bibica đang có mặt tại 160 hệ thống phân phối với hơn 150.000 điểm bán hàng trên 63 tỉnh, thành cả nước.
Trước sức ép cạnh tranh của ngành hàng F&B nói chung và bánh kẹo nói riêng, Bibica không ngừng tăng tốc để giành lấy ưu thế trong “cuộc đua thị phần” ngay tại thị trường nội địa. Năm 2022, Bibica gây bất ngờ khi công bố mức doanh thu cao nhất trong lịch sử hoạt động với mức tăng trưởng 48%.
Chia sẻ về điều tâm đắc nhất khi trụ vững ở thị trường nội địa, ngoài chiến lược kinh doanh và ứng dụng công nghệ, điều bất ngờ nhất là cụm từ được lãnh đạo Bibica nhắc lại nhiều lần: “lợi thế của nhà sản xuất Việt Nam”. Theo ông Nguyễn Quốc Hoàng - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bibica, để khẳng định vị thế và giành ưu thế trước các đối thủ ngoại trên sân nhà, ngoài nền tảng chất lượng sản phẩm Bibica còn tận dụng lợi thế của công ty Việt Nam.
“Bibica hiểu rõ thị hiếu của người Việt và tập trung nhiều vào công tác nghiên cứu thị trường để phát triển sản phẩm và đưa ra những sản phẩm phù hợp nhất. Ví dụ như bánh cookies là một sản phẩm xuất phát từ châu Âu có vị ngọt, béo nhiều. Nhưng ở Việt Nam là xứ nóng thì người tiêu dùng thích vị ngọt thanh và độ béo vừa phải. Bibica hiểu được điều đó để điều chỉnh sản phẩm và đã thành công. Bibica tự tin rằng, sản phẩm của mình phù hợp với thị hiếu người dùng của người Việt Nam hơn là sản phẩm ngoại nhập”, ông Hoàng chia sẻ.
Lợi thế thứ hai, theo lãnh đạo Bibica là doanh nghiệp này có hệ thống phân phối bao phủ toàn quốc, Bibica có thể đưa các sản phẩm tới tay người tiêu dùng vừa nhanh, vừa tươi mới. Thêm vào đó, Bibica cũng tập trung lựa chọn các nhãn hàng trọng tâm cho người Việt để đầu tư hoạt động marketing hiệu quả.
Với những lợi thế từ thị trường 100 triệu dân, Bibica đã giữ được một vị trí nhất định và tạo được một hình ảnh mới mẻ hơn trong lòng người tiêu dùng Việt Nam, đưa sản phẩm Bibica trụ vững ngay tại sân nhà.
Thành công ở nước ngoài nhờ “chất” Việt Nam
Giữ vị thế ở thị trường nội địa, nhưng việc mở rộng thị trường xuất khẩu có ý nghĩa quan trọng với doanh nghiệp thuần Việt này. Sau đại dịch Covid-19, Bibica đẩy mạnh hơn mảng này với doanh thu xuất khẩu tăng trưởng khoảng 20%/năm. Đến nay, Bibica đã xuất khẩu bánh kẹo sang 17 thị trường nước ngoài, bao gồm Thái Lan, Philippines, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Mongolia...
Đặc biệt, năm 2023, xuất khẩu bánh kẹo đã trở thành điểm sáng trong bức tranh kinh doanh Bibica. Tiếp tục tăng tốc, doanh thu mảng này đạt 68 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2024, tăng trưởng 72% so với cùng kỳ, trong đó, hơn 60% sản phẩm xuất khẩu mang thương hiệu riêng Bibica.
Sản phẩm bánh kẹo của Bibica đã đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc… và trở thành nhà cung cấp trực tiếp cho một số siêu thị lớn trên thế giới. Đặc biệt mới đây, Bibica đã được chấp thuận vào Walmart Trung Quốc, chính thức đưa sản phẩm vào hệ thống bán lẻ hàng đầu thế giới với dư địa tăng doanh số cao.
Bài toán xuất khẩu bánh kẹo là một thách thức rất lớn cho các nhà sản xuất Việt Nam, khi không có nhiều lợi thế như các doanh nghiệp trong khu vực. Nhưng doanh nghiệp Việt này lại tìm được cơ hội rõ rệt từ các sản phẩm đặc trưng nhờ nguồn nguyên liệu thuần Việt.
Ông Hoàng chia sẻ, lợi thế của Bibica khi sản xuất bánh kẹo kết hợp với nông sản đặc trưng của Việt Nam tạo thành dòng sản phẩm riêng biệt. Bánh quy dừa giòn là một thành công đột phá của Bibica khi chinh phục được khách hàng Hàn Quốc và đem lại đơn hàng cho doanh nghiệp. Cracker cũng là một dòng bánh được người tiêu dùng ưa chuộng khi bánh quy giòn kết hợp với kem hành tạo nên trải nghiệm mới mẻ.
Việt Nam là “thủ phủ” của nhiều loại nông sản, trái cây nhiệt đới, do vậy việc tận dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ không chỉ là lợi thế, bệ phóng cho doanh nghiệp, mà còn giúp tối ưu chi phí, mang đến cho người tiêu dùng sản phẩm cao cấp với mức giá hợp lý, lan tỏa thương hiệu bánh kẹo Việt. Đồng thời, đây cũng là lợi thế khác biệt với các đối thủ trong khu vực, ông Hoàng chia sẻ.
Thông qua loạt hội chợ, Bibica cũng khéo léo đưa “chất” Việt Nam vào trong sản phẩm, thu hút nhiều khách hàng quốc tế. Ngoài bánh dừa và bánh nougat hành, kẹo cứng cà phê sữa mà Bibica đang sản xuất riêng cho thị trường Nhật Bản cũng được đón nhận nhiệt tình.
Một đặc điểm quan trọng nữa, theo lãnh đạo của Bibica, thế mạnh có thị trường nội địa với hơn 100 triệu dân, là chỗ dựa vững chắc để doanh nghiệp này tiếp tục gia tăng quy mô sản xuất, tận dụng lợi thế về chi phí sản xuất và cạnh tranh.
“Bibica có quy mô đủ lớn để vượt qua hàng rào chất lượng và điều kiện thuận lợi nhất của chúng tôi là có thị trường nội địa 100 triệu dân. Do vậy, dư địa để phát triển và mở rộng thị trường còn rất lớn”, ông Hoàng khẳng định.
Từ những trụ vững và lợi thế khác biệt này, Bibica sẽ tiếp tục hiện thực hóa khát vọng lan tỏa thương hiệu bánh kẹo Việt Nam ra toàn thế giới.
Lan Anh