1. Kinh doanh

Doanh nghiệp khởi nghiệp ở Đắk Lắk chủ động chuyển đổi số

Xuất hiện trên thị trường chưa đầy 5 năm, nhưng sản phẩm từ dế của Công ty TNHH Sản xuất thương mại Hoa Mặt Trời Farm, ở xã Ea Ning, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk đã có hệ thống đại lý phân phối tại nhiều thành phố, có lượng tiêu thụ ổn định trên các nền tảng thương mại điện tử.

Anh Đặng Đình Luân, Giám đốc công ty cho biết, cùng với sản phẩm mới lạ, việc áp dụng công nghệ trong các hoạt động sản xuất, đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá sản phẩm trên các trang mạng xã hội và sàn thương mại điện tử đã giúp doanh nghiệp tiếp cận thị trường nhanh và hiệu quả hơn.

“Công nghệ số bây giờ giúp cho các doanh nghiệp nhỏ và những người đầu tư khởi nghiệp có vốn ít có thể dễ dàng tiếp cận người tiêu dùng hơn, thời gian, tốc độ cũng sẽ nhanh hơn. Bởi vì bây giờ truyền thông mạng xã hội rất phổ cập, khách hàng ở trên đấy thì đa dạng về độ tuổi, sở thích” - anh Luân chia sẻ.

Chuyển đổi số đã giúp nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp ở Đắk Lắk rút ngắn thời gian, chi phí gia nhập thị trường

Cũng tận dụng lợi thế của chuyển đổi số và thương mại điện tử trên các nền tảng số, anh Trương Hoàng Ký, ở phường Ea Tam, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, khởi nghiệp từ nấm đông trùng hạ thảo cho rằng, đây là kênh tiếp cận khách hàng dễ dàng, trực quan và tiết kiệm chi phí, rất phù hợp với những người khởi nghiệp đang hạn chế về nguồn vốn.

Theo anh Ký: “Lợi thế của bán trên mạng xã hội là bán được nhiều, tệp khách hàng của mình sẽ rộng lớn hơn. Tôi đưa ra được những sản phẩm và hình ảnh mà mình có thể tự chỉnh, tự quay và tự cập nhật lên trên đó”.

Thực tế hiện nay, chuyển đổi số ở các doanh nghiệp không chỉ trong hoạt động sản xuất, tiêu thụ sản phẩm mà còn là sự đổi mới trong quản lý, điều hành và vận hành hoạt động.

Theo bà Hoàng Thị Thanh Thủy, Giám đốc công ty TNHH tư vấn thuế Saf, ở thành phố Buôn Ma Thuột, khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp khi tiếp cận chuyển đổi số là yếu tố con người, nguồn nhân lực am hiểu về chuyển đổi số. Khi nắm bắt được phương thức và ứng dụng đúng cách thì chuyển đổi số sẽ mang lại hiệu quả, tối ưu hóa hiệu suất, doanh thu của doanh nghiệp.

“Chuyển đổi số cũng như đổi mới sáng tạo trong cách quản lý, điều hành doanh nghiệp, vận hành các phần mềm ứng dụng, xử lý số liệu của doanh nghiệp khi áp dụng vào tạo ra cái lợi về nhân lực, vật lực và công nghệ. Việc đổi mới áp dụng ngay trong đời sống rất thực tiễn, ngay như việc sử dụng hóa đơn chứng từ một cách minh bạch, đóng thuế doanh nghiệp đầy đủ và chính xác hơn” - bà Thủy cho biết.

Các nền tảng số giúp doanh nghiệp tiếp cận khách hàng nhanh chóng, dễ dàng và rộng rãi hơn cách bán hàng truyền thống

Chuyển đổi số trong doanh nghiệp là một trong các nội dung của phát triển kinh tế số tại Đắk Lắk. Với gần 13.000 doanh nghiệp đang hoạt động, tỉnh đặt mục tiêu trong năm nay sẽ có khoảng 50% số doanh nghiệp sử dụng nền tảng số, 100% doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử.

Ông Nguyễn Tuấn Hà, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết, để thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp tại địa phương, tỉnh đã có nhiều giải pháp thúc đẩy khởi nghiệp thông qua chuyển đổi số, trong đó có việc tăng cường đầu tư vào công nghệ, phát triển hạ tầng kỹ thuật số quốc gia.

“Tỉnh cũng sẽ xây dựng trung tâm dữ liệu (big data) thực thi theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Thông tin Truyền thông. Đó là một trong những điều kiện cần thiết phải có để chuyển đổi số trong kinh tế, trong xã hội và đối với con người. Đây là nhu cầu thiết thực, là động lực mới cho sự phát triển, xu thế toàn cầu và chúng ta phải làm” - ông Hà cho biết thêm.

Việc ứng dụng chuyển đổi số đã và đang đem lại lợi ích cho doanh nghiệp khởi nghiệp ở Đắk Lắk trong việc vận hành và thương mại hóa sản phẩm.Với xu hướng phát triển trong cuộc cách mạng 4.0, doanh nghiệp có thể tận dụng các giải pháp chuyển đổi số để rút ngắn khoảng cách, bắt kịp sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ và thị trường, tạo đà phát triển theo hướng bền vững.

H Xíu/VOV-Tây Nguyên

Tin khác