Doanh nghiệp khó tuyển lao động chất lượng cao
Đây là thông từ báo cáo xếp hạng “Top 500 Nhà tuyển dụng hàng đầu Việt Nam” năm 2024 (VBE500 năm 2024) do Viet Research và Báo Đầu tư công bố sáng 23-10.
Về việc làm, báo cáo cho thấy, các doanh nghiệp VBE500 năm 2024 với quy mô tổng tài sản trên 2.000 tỷ đồng đang tạo việc làm cho 1,44 triệu lao động với thu nhập bình quân của người lao động đạt 23,4 triệu đồng/người/tháng.
Các doanh nghiệp có quy mô tổng tài sản dưới 2.000 tỷ đồng đang tạo việc làm cho gần 272.000 lao động với thu nhập bình quân đạt 19,6 triệu đồng/người/tháng. Tựu trung, các doanh nghiệp trong Bảng xếp hạng VBE500 năm 2024 đã tạo việc làm cho hơn 1,7 triệu lao động trên khắp cả nước với thu nhập bình quân đạt gần 22,8 triệu đồng/người/tháng.
Về tổng doanh thu, các doanh nghiệp quy mô tổng tài sản trên 2.000 tỷ đồng đạt 9,1 triệu tỷ đồng và ghi nhận tổng lợi nhuận đạt gần 697.000 tỷ đồng. Tổng doanh thu của các doanh quy mô tổng tài sản dưới 2.000 tỷ đồng đạt 566.000 tỷ đồng và ghi nhận tổng lợi nhuận đạt 24.000 tỷ đồng.
Những con số này thể hiện vị thế vững chắc của các doanh nghiệp VBE500 trên thị trường, đồng thời cho thấy khả năng sinh lời và tiềm năng mở rộng thị phần còn rất lớn.
Về tổng tài sản, các doanh nghiệp với quy mô tổng tài sản trên 2.000 tỷ đồng, hiện đang sở hữu 27 triệu tỷ đồng. Con số này minh chứng cho khả năng tích lũy tài sản lớn trong nhiều năm. Nhờ lợi thế về quy mô tài sản đã giúp các doanh nghiệp có khả năng tiếp cận các nguồn vốn lớn, mở rộng đầu tư và đa dạng hóa hoạt động kinh doanh.
Tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) trung bình đạt 4,83%, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) trung bình đạt gần 11%, phản ánh hiệu quả sử dụng tài sản và vốn chủ sở hữu để sinh lời.
Tổng tài sản của các doanh nghiệp có quy mô tổng tài sản dưới 2.000 tỷ đồng đạt 386.000 tỷ đồng. ROA trung bình đạt 6,44%, cùng với ROE trung bình đạt mức cao ấn tượng 25,45%.
Đáng chú ý, theo khảo sát VBE500, các doanh nghiệp tuyển dụng gặp khó khăn do kéo dài thời gian, ảnh hưởng bởi kỹ năng chuyên môn, cạnh tranh thị trường và chi phí. Khoảng 75,9% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho rằng quá trình tuyển dụng chậm trễ làm tăng chi phí và bỏ lỡ ứng viên tiềm năng; gần 65,5% phản ánh khó khăn trong thu hút ứng viên có kỹ năng phù hợp, nhất là trong ngành đòi hỏi chuyên môn cao.
Cạnh tranh trên kênh tuyển dụng khiến 51,7% doanh nghiệp gặp khó khăn, đòi hỏi phải điều chỉnh chiến lược để duy trì lợi thế. Việc yêu cầu mức lương cao của ứng viên cũng làm quá trình tuyển dụng trở nên thách thức với 48,3% doanh nghiệp.
Để giải quyết khó khăn tuyển dụng, các doanh nghiệp VBE500 đã áp dụng nhiều giải pháp như: đa dạng hóa kênh tuyển dụng, áp dụng công nghệ, tăng cường giao tiếp để giữ chân nhân tài, xây dựng thương hiệu tuyển dụng để tăng sức hút.
Về xu hướng chuyển dịch trong thời gian tới, theo các doanh nghiệp VBE500, 4 xu hướng chính sẽ định hình môi trường làm việc trong tương lai gần như: tự động hóa và trí tuệ nhân tạo; đột phát khoa học công nghệ giúp tối ưu quy trình sản xuất và quản lý nhân sự; mô hình làm việc từ xa; thúc đẩy chính sách phát triển bền vững.
Lưu Thủy