Doanh nghiệp gia đình Việt đang nhìn thấy cơ hội 'trăm năm tuổi'
Tròn 20 năm kể từ ngày Doanh nhân Việt Nam đầu tiên năm 2004, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân đã khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Theo các số liệu thống kê, khu vực doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đóng góp tới 45% tổng GDP Việt Nam; tham gia vào 40% tổng đầu tư của xã hội.
Trong số đó, các doanh nghiệp gia đình giữ vai trò vô cùng to lớn. Một báo cáo năm 2023 của VCCI chỉ ra Việt Nam có hơn 900.000 doanh nghiệp, trong đó 70% là doanh nghiệp gia đình.
“Dù Việt Nam chưa có định nghĩa về doanh nghiệp gia đình, nhưng các doanh nghiệp này đang không ngừng phát triển mạnh mẽ cả về chất và lượng”, ông Trần Đình Cường, Chủ tịch Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam chia sẻ trong chương trình CEO Talk số đặc biệt, do Báo Đầu tư tổ chức.
Chương trình diễn ra nhân dịp kỷ niệm 20 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam với chủ đề "Doanh nghiệp gia đình: Cơ hội, thách thức và lựa chọn". Đây cũng là số đầu tiên trong chuỗi CEO Talk về chủ đề doanh nghiệp gia đình.
Theo ông Trần Đình Cường, nếu chiếu theo định nghĩa của Ernst & Young khi thực hiện Khảo sát Chỉ số Doanh nghiệp Gia đình toàn cầu với Đại học St.Gallen (thực hiện từ năm 2015), doanh nghiệp phải ở thế hệ thứ hai trở lên.
Nếu doanh nghiệp vẫn ở thế hệ đầu tiên, ít nhất hai thành viên gia đình phải nằm trong hội đồng quản trị, hội đồng giám sát, hoặc nhóm lãnh đạo điều hành. Gia đình phải có quyền sở hữu đáng kể và do đó có quyền quyết định trong doanh nghiệp. Các công ty tư nhân là doanh nghiệp gia đình trong trường hợp gia đình kiểm soát ít nhất 50% quyền biểu quyết. Các công ty niêm yết công khai là doanh nghiệp gia đình trong trường hợp gia đình nắm giữ ít nhất 32% quyền biểu quyết...
Với định nghĩa này, doanh nghiệp gia đình chiếm tới 80% toàn thế giới. Nếu tính về quy mô, các doanh nghiệp trong top 500 doanh nghiệp gia đình hàng đầu xếp thứ 3 so với các nền kinh tế lớn thế giới, chỉ sau Mỹ và Trung Quốc.
“Có những doanh nghiệp toàn cầu rất lớn, nhưng vẫn gọi là doanh nghiệp gia đình”, ông Cường khẳng định.
Áp lực tìm người kế nghiệp trong doanh nghiệp gia đình
Tại Việt Nam, theo ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Phú Thái Holdings Group, các doanh nghiệp gia đình đang ngày càng nuôi khát vọng lớn hơn. Khoảng 20 năm về trước, các doanh nhân thế hệ đầu tiên nghĩ đến mục tiêu kiếm nhiều triệu USD, thì nay, nhiều doanh nhân đã nghĩ đến câu chuyện kiếm vài tỷ USD.
"Cơ hội mở rộng đầu tư kinh doanh của các doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam đang rất sáng sủa", ông Đoàn nói khi nhắc đến sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam, các nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh của Chính phủ, các quyết tâm chính trị trong hỗ trợ và thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp phát triển thuận lợi.
Đặc biệt, sự phát triển của thị trường thế giới, xu hướng công nghệ, xanh, ESG... đang đặt các doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có các doanh nghiệp gia đình vào ngưỡng cửa của cơ hội để trở thành doanh nghiệp toàn cầu và trăm năm tuổi.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra với các doanh nghiệp gia đình là làm sao tìm được thế hệ kế cần phù hợp.
Trong bối cảnh nhiều F2 được gửi ra nước ngoài học tập bài bản, câu chuyện chuyển giao từ F1- thệ hệ phát triển chủ yếu dựa vào kinh nghiệm cá nhân, sang F2 - thế hệ tiếp thu kiến thức quản trị chuyên nghiệm và khả năng hội nhập, được ông Đoàn nêu ra như một áp lực mà nhiều doanh nghiệp gia đình Việt Nam phải đối mặt.
Nhiều F2 không tham gia vào doanh nghiệp gia đình, hoặc doanh nghiệp gia đình chuyển giao sang thế hệ F2, sau đó vẫn phải chuyển lại vì F2 không gánh được bài toán quá lớn
“Hiện tại, sức lực F1 vẫn còn, vẫn quản trị được ở thời điểm này. Nhưng trong tương lai, khi sức khỏe của họ giảm sút, kiến thức cạn kiệt, nếu doanh nghiệp gia đình quy mô lớn không tìm được người kế nghiệp phù hợp, đó là sự thiệt thòi cho nền kinh tế Việt Nam”, ông Đoàn khẳng định.
Theo khảo sát của Ernst & Young, hơn 40% các doanh nghiệp gia đình không chuyển giao được do không tìm ra người kế cận phù hợp. Trong các trường hợp thất bại này, 60% đến từ sự thiếu tương tác giữa các thành viên chủ chốt.
Đại diện Ernst & Young Việt Nam cũng chỉ ra một mâu thuẫn đến từ vấn đề thời điểm: “Có những F1 không sẵn sàng chọn người kế nghiệp. Khi đang sung sức, đủ khả năng điều hành doanh nghiệp, họ rất e ngại nếu nói đến vấn đề kế nghiệp. Nhưng khi đuối rồi, gánh nặng dồn lên F2, trong khi F2 chưa được chuẩn bị, hoặc F2 nhận công ty đúng vào giai đoạn suy thoái, áp lực càng lớn, khiến quá trình chuyển giao ít có triển vọng”.
Do đó, ông Trần Đình Cường cho rằng doanh nghiệp gia đình cần xác định thế hệ kế nghiệp ngay từ giai đoạn sớm. Ngoài ra, thế hệ F1 và F2 cần tăng sự tương tác, thống nhất về mục tiêu, tầm nhìn, sứ mệnh doanh nghiệp; cũng như chuẩn bị kỹ về tài chính và nhân sự cho giai đoạn chuyển tiếp.
Ông Cường gợi ý F2 có nhiều con đường để tiếp quản sự nghiệp của F1. Ví dụ F2 chỉ giữ vai trò như nhà đầu tư, còn lại thuê nhân sự bên ngoài về điều hành, quản lý, miễn là F2 đủ khả năng giám sát đội ngũ nhân sự đi thuê. Hoặc F2 có thể lựa chọn IPO doanh nghiệp và chỉ giữ lại một phần cổ phần thiểu số, để doanh nghiệp tự lựa chọn người phát triển mới.
Trong khi đó, ông Phạm Đình Đoàn nói rằng F1 cần lên kế hoạch tìm người kế nghiệp phù hợp, nếu không phải con cháu thì tính đến người ngoài để tiếp nối quy mô phát triển doanh nghiệp, còn hơn là để doanh nghiệp thu hẹp, hoặc phải bán ra nước ngoài.
Ông Đoàn khẳng định các doanh nghiệp gia đình Việt Nam luôn có khát vọng cống hiến cho xã hội. Vì vậy, ông mong Đảng và Nhà nước quan tâm, có nhiều chủ trương khuyến khích doanh nghiệp gia đình phát triển, trong bối cảnh Việt Nam còn chưa có trường, học viện nào đào tạo nào phù hợp cho thế hệ kế cận trong các doanh nghiệp gia đình.
Đại diện Phú Thái Holdings Group cũng nhắn nhủ không chỉ tới các doanh nghiệp gia đình mà các doanh nghiệp Việt Nam nói chung: “Giới doanh nhân cần giữ nhiệt huyết rằng mình đang làm thuê cho xã hội, thành tựu thu về là tưởng thưởng cho sự đóng góp ấy. Dù ở quy mô nhỏ hay lớn, đều phải xác định tư duy phát triển bền vững là hàng đầu, tiếp tục giữ đà tiến lên để đóng góp cho đất nước”.
Nhung Bùi