1. Kinh doanh

Doanh nghiệp gia đình hóa giải thách thức chuyển giao thế hệ

Việc tìm người kế thừa doanh nghiệp gia đình luôn là thách thức. Trong ảnh: Bà Vưu Lệ Quyên, người kế thừa thành công tại Biti’s trong một buổi đào tạo nhân viên

Những “tay hòm chìa khóa” kế thừa

Nguyễn Doãn San, Phó tổng giám đốc Công ty San Hà - doanh nghiệp chuyên sản xuất, cung cấp thực phẩm an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, trở thành F2 kế cận công việc kinh doanh của gia đình. Cũng giống như khá nhiều F2 khác của các gia đình kinh doanh, anh không muốn đề cập vai trò cá nhân của mình, thay vào đó, hiệu quả kinh doanh của công ty mới chính là điều anh hướng đến và muốn khẳng định giá trị của bản thân.

Anh được bạn bè, đối tác biết đến là một F2 kế nghiệp thành công ở một công ty gia đình. Có được điều đó là bởi ngay từ thuở còn đi học, anh đã xác định khi trưởng thành sẽ gánh vác, đỡ đần công việc cho cha mẹ. Năm 2016, khi tốt nghiệp ngành tài chính tại Australia, anh trở về nước, làm thành viên chính thức của công ty. Với anh, việc chọn làm việc ở công ty gia đình là lẽ đương nhiên. Để bắt đầu, anh phải đi từ những công việc cơ bản nhất, từ vai trò nhân viên đến nhiều vị trí khác để tìm hiểu từng khâu vận hành của công ty.

Gia đình luôn chia sẻ với nhau nên đó là điều kiện thuận lợi để F2 này tiếp cận và hiểu công việc nhanh. Ở công ty, anh là người lo về đầu tư kỹ thuật phát triển chuỗi cung ứng sản phẩm, trong khi anh trai của anh cũng là Phó tổng giám đốc chịu trách nhiệm về việc phát triển, mở rộng kinh doanh. Cả hai luôn bàn bạc công việc, hỗ trợ bổ sung cho nhau. Bố mẹ hai vị phó tổng này vẫn miệt mài cống hiến, điều này truyền thêm “lửa” để hai anh em kế nghiệp cùng đưa công ty ngày càng phát triển mạnh mẽ.

Tương tự, Nguyễn Văn Mạnh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG là con trai cả của Chủ tịch Nguyễn Văn Thời, hiện ngồi ghế Tổng giám đốc đảm nhận điều hành mảng dệt may của toàn hệ thống. Trong khi đó, em trai Mạnh là Nguyễn Mạnh Linh được giao đảm nhận phát triển mảng bất động sản với Công ty cổ phần TNG Land (có vốn góp của Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG).

Gần đây, TNG Land khởi công công trình nhà ở xã hội Khu dân cư Đại Thắng (Khu đô thị Peace Village) tại Phổ Yên (Thái Nguyên). TNG Land cũng đặt mục tiêu phát triển dài hạn, đại chúng hóa và IPO, đưa cổ phiếu lên giao dịch trên sàn thứ cấp.

Là doanh nhân thuộc thế hệ 8x, Vưu Lệ Quyên - con gái đầu của ông chủ Biti’s Vưu Khải Thành, sau thời gian học tập tại Canada, cô về nước năm 2004, đảm nhận chức vụ Phó tổng giám đốc kỹ thuật và kinh doanh của Biti’s.

Vưu Lệ Quyên chính thức đảm nhận vai trò điều hành Biti’s thay cha mẹ cô vào năm 2018 và bắt đầu hành trình dẫn dắt xu hướng tiêu dùng mới “Tự hào hàng sản xuất tại Việt Nam” với sứ mệnh vươn tầm châu Á.

Điểm nổi bật trong giai đoạn chuyển giao thế hệ lãnh đạo của Biti’s liên quan đến câu chuyện marketing mà ái nữ nhà họ Vưu tích lũy được sau khoảng thời gian học tập kinh nghiệm từ nước ngoài. Kế hoạch kinh doanh của cô không nằm ngoài mục tiêu đưa thương hiệu Biti’s đến gần hơn nữa với khách hàng. Sau khi tiếp quản công ty từ cha mình, Vưu Lệ Quyên đã có những cú xoay chuyển ngoạn mục từ mọi phương diện của Biti’s.

Đầu tiên, cô tiến hành đổi mới toàn diện Biti’s thông qua thương hiệu giày thể thao Hunter hướng đến thế hệ trẻ, năng động. Dấu ấn của Vưu Lệ Quyên trong hành trình thay đổi diện mạo của Biti’s sau gần 10 năm bị lãng quên được thể hiện qua sự hợp tác với Sơn Tùng M-TP. Đây là lần đầu tiên, thương hiệu Biti’s xuất hiện trong một MV ca nhạc, thể hiện sự táo bạo của một doanh nhân trẻ với ý chí sục sôi nhằm tăng tính năng động, thời trang cho một sản phẩm so với thế hệ cha mình.

Tiếp nối, Biti’s triển khai dự án “Bước về phía mặt trời”, đánh vào đối tượng khách hàng nữ giới thông qua hợp tác với Hoa hậu H’Hen Niê với vai trò là đại sứ thương hiệu.

Sự táo bạo của Vưu Lệ Quyên khi tiếp quản công ty tạo nên một nhãn hiệu riêng kết nối giới trẻ, tập trung vào giày phổ thông - phân khúc đang phát triển mạnh và nhanh tại thị trường trong nước theo xu thế thể thao, tiện dụng…

Riêng đối với dòng sản phẩm giày trẻ em, Biti’s mạnh dạn hợp tác với các doanh nghiệp quốc tế như Disney hay DC Comic, tiến hành mua bản quyền hình ảnh nhân vật lồng vào sản phẩm của mình.

Ở các kênh bán hàng, thay vì thông qua các đại lý như trước, Vưu Lệ Quyên đã tiến hành xây dựng hệ thống chuỗi cửa hàng chuyên kinh doanh sản phẩm Biti’s trên khắp cả nước, đưa các sản phẩm Biti’s vào hệ thống siêu thị. Biti’s cũng đa dạng hóa các hình thức mua sản phẩm thông qua các nền tảng online như Shopee, Lazada, Tiki…

Gần đây, thế hệ F2 tại Công ty cổ phần May Sông Hồng là ông Bùi Việt Quang, Tổng giám đốc, thay mặt Chủ tịch Bùi Đức Thịnh (cha ông Quang) xuất hiện dày đặc hơn. Hay ông Đào Hữu Duy Anh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Hóa chất Đức Giang (con trai ông Đào Hữu Huyền, Chủ tịch công ty) cũng gây ấn tượng với các cổ đông và nhà đầu tư vì trình độ của mình.

Trong giới ngân hàng, bất động sản, thế hệ kế nhiệm nổi lên những cái tên như Đỗ Quang Vinh, Phó chủ tịch HĐQT, kiêm Phó tổng giám đốc Ngân hàng SHB (con trai ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch SHB); Trần Hùng Huy, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB (con trai ông Trần Mộng Hùng, người sáng lập ACB); Đặng Hồng Anh, con trai ông Đặng Văn Thành (Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công)…

“Nút thắt” trong chuyển giao thế hệ

Cho đến nay, việc đào tạo đội ngũ kế nhiệm tại các doanh nghiệp gia đình của Việt Nam trở nên cấp thiết. Ở nhiều doanh nghiệp, thế hệ lãnh đạo đã nghỉ ngơi, nhường lại “ghế nóng” cho lớp trẻ. Những cái tên mới, những gương mặt dần tạo được dấu ấn và khẳng định mình trước cộng đồng, được kỳ vọng tạo ra sức bật và sự tiếp nối cho doanh nghiệp.

Phần lớn trong số F2 là những người kín tiếng, chú trọng hiệu quả công việc, khả năng quản trị nhân lực, đối ngoại khéo léo, đặc biệt nhạy bén với các xu hướng kinh doanh mới.

Thế nhưng, những trường hợp kế thừa sản nghiệp kinh doanh của gia đình thành công như vậy không nhiều.

Theo các chuyên gia về quản trị doanh nghiệp, không riêng Việt Nam, mà các doanh nghiệp gia đình trên thế giới đều gặp vấn đề về chuyển giao thế hệ. Ở Việt Nam, chuyện tìm người kế nhiệm còn thách thức hơn rất nhiều vì việc chuyển giao thế hệ chưa được nhiều doanh nhân F1 quan tâm.

Ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Phú Thái Holdings Group, Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp gia đình Việt Nam chia sẻ, các doanh nghiệp gia đình ở Việt Nam đang vấp phải khó khăn là thế hệ F1 kiến thức đã cũ, tuổi tác cao, nhưng chưa thể chuyển giao cho thế hệ sau.

Ông Đoàn nêu ra một thực tế là có doanh nghiệp gia đình hiện nay vẫn đang điều hành bởi những doanh nhân rất cao tuổi. Mặc dù hầu hết các doanh nghiệp gia đình ở Việt Nam đều đầu tư cho con cái đi du học, tạo mọi điều kiện để con cái được học hành tốt nhất. Tuy nhiên, giữa thế hệ F1 và F2 đang có sự xung đột về quản trị. Thế hệ F1 thường ra quyết định dựa vào cá nhân nhiều hơn, trong khi thế hệ F2 quản trị chuyên nghiệp, hội nhập tốt hơn.

“Có người điều hành doanh nghiệp đã 65 tuổi rồi mà không có kế hoạch chuyển giao. Rất nhiều thế hệ F1 khi tôi tiếp xúc họ vẫn quản trị theo kinh nghiệm, gia đình, quan hệ… nên thế hệ F2 không được tôn trọng. Trong khi F2 không nghĩ rằng kinh nghiệm của thế hệ F1 là đáng kể”, ông Đoàn nêu thực tế.

Tương tự, ông Trần Đình Cường, Chủ tịch EY Việt Nam cho rằng, doanh nghiệp gia đình hiện rất áp lực về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, nhưng cách nhìn nhận của mỗi thế hệ khác nhau, cách xử lý, giải pháp khác nhau.

Nhưng còn một nguyên nhân khác, chiếm tới 25% việc chuyển giao không thành công là do thế hệ F1 chưa sẵn sàng rời ghế.

Theo ông Cường, các doanh nhân khi thành công họ đều trở thành tượng đài trong mắt mọi người. Họ nghĩ rằng mình vẫn đang sung sức và có thể tiếp tục làm việc. Khi đuối sức, cùng với công việc nhiều lên, áp lực lớn hơn, họ mới nghĩ tới việc chuyển giao, song lúc này thì thế hệ F2 lại chưa sẵn sàng, họ áp lực vì giải quyết bài toán quá lớn nên không đảm đương được. Đó là lý do ở Việt Nam, có nhiều doanh nghiệp gia đình chuyển giao rồi nhưng lại phải chuyển giao lại.

“Nếu doanh nghiệp đang ở giai đoạn đi lên thì không sao, nhưng nếu chuyển giao trong chu kỳ đang đi xuống thì áp lực dồn dập hơn rất nhiều. Lúc đó, người kế nhiệm chỉ nhìn thấy áp lực mà không còn nhìn thấy tiềm năng nữa”, ông Cường nói.

Việc chuyển giao thế hệ đang rất khó khăn, ông Phạm Đình Đoàn lo ngại, nếu không tìm được người kế nghiệp, các doanh nghiệp gia đình sẽ phải tính đến phương án bán lại công ty. Do đó, các doanh nghiệp gia đình nên dự phòng 2 kế hoạch tìm người kế nghiệp. Trong trường hợp người thân trong gia đình không tiếp nhận thì phải có phương án tìm người bên ngoài để nối tiếp quy mô phát triển.

Chủ tịch EY Việt Nam cũng khuyến nghị, doanh nghiệp gia đình nên lựa chọn thời điểm chuyển giao thích hợp, đào tạo, đồng hành với thế hệ F2 sớm nhất có thể. Phải có sự chuẩn bị nguồn nhân lực và tài chính kỹ lưỡng, chắc chắn, với phương châm đảm bảo cho doanh nghiệp phát triển bền vững.

“Thế hệ F1 đang ở đỉnh cao quyền lực phải chấp nhận lui về, lùi xuống một bước và quan sát. Đây là điều hết sức khó khăn. Vì vậy, thách thức lại là từ phía doanh nhân F1, làm thế nào để cho thế hệ F2 có sự tự tin”, ông Cường chia sẻ.

Cũng theo ông Cường, các doanh nhân F2 có thể kế nghiệp theo nhiều phương thức khác nhau, công cụ khác nhau để đạt được mục đích một cách nhanh hơn, phù hợp hơn. Họ có thể lựa chọn đứng ở vị trí nhà đầu tư và giám sát việc đầu tư thông qua đội ngũ quản trị thuê ngoài. Hoặc họ có lựa chọn khác là IPO, đại chúng hóa, giữ lại một phần cổ phần, để doanh nghiệp tự lựa chọn nhà điều hành mới, miễn sao vẫn phát triển theo định hướng.

Anh Hoa

Tin khác