Doanh nghiệp do nữ làm chủ gặp khó trong hoạt động thương mại điện tử
Chia sẻ tại “Tọa đàm chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tạo tác động xã hội, doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ” ngày 4/10, đại diện Cục Phát triển Doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) ở Việt Nam đang tích cực tiếp cận thị trường thương mại điện tử (TMĐT) trong nước cũng như vươn ra thị trường quốc tế.
TMĐT tại Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng ấn tượng, thu hút sự tham gia của đông đảo doanh nghiệp. Năm 2023, tổng doanh thu trên các sàn bán lẻ trực tuyến đạt trên 233 nghìn tỷ đồng, tăng 53,4% so với năm 2022. Tổng số cửa hàng (shop) có phát sinh đơn hàng trên các sàn bán lẻ trực tuyến là khoảng 637 nghìn shop, giảm 1,3% so với năm 2022.
Tuy nhiên, DNNVV đang gặp nhiều khó khăn trong việc tuyển dụng nhân viên có chuyên môn về TMĐT, marketing kỹ thuật số, thanh toán trực tuyến. Cùng đó, DNNVV thiếu vốn để đầu tư vào cơ sở hạ tầng TMĐT, các chiến dịch tiếp thị và mở rộng quốc tế.
Toàn cảnh “Tọa đàm chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tạo tác động xã hội, doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ”.
Một số doanh nghiệp có thể gặp khó khăn trong việc quản lý các nền tảng TMĐT, công cụ tiếp thị số và phân tích dữ liệu. Đặc biệt, còn thiếu nhận thức về hỗ trợ từ Nhà nước như không biết hết các chương trình hỗ trợ của Nhà nước dành cho sự phát triển và tăng trưởng của mình. Do đội ngũ nhân viên nhỏ, làm cho việc dành nguồn lực cho các sáng kiến TMĐT của DNNVV trở nên khó khăn.
Riêng đối với DNNVV do nữ làm chủ, doanh nghiệp này không chỉ phải cạnh tranh gay gắt từ các doanh nghiệp lớn, nhỏ mà bản thân loại hình doanh nghiệp này đang gặp khó trong tiếp cận công nghệ số, chưa nắm vững các quy định và quy trình bán hàng TMĐT quốc tế. Doanh nghiệp cũng chưa đầu tư đúng mức vào việc xây dựng gian hàng trên TMĐT.
Trước thực trạng này, Cục Phát triển Doanh nghiệp đang xây dựng sổ tay giúp các doanh nghiệp do nữ làm chủ hiểu từ tổng quan đến thực tế triển khai cách bán sản phẩm, hàng hóa thông qua các nền tảng TMĐT trong nước và quốc tế. Sổ tay hướng tới việc giúp doanh nghiệp nắm vững kiến thức và kỹ năng cần thiết để thành công trong TMĐT; xây dựng và phát triển doanh nghiệp trực tuyến hiệu quả.
Nội dung chính của sổ tay bao gồm: Bức tranh thị trường TMĐT (nắm bắt cơ hội, thách thức); công cụ hỗ trợ (bí kíp chinh phục thị trường); xác định đối thủ cạnh tranh trên TMĐT (bí kíp “bẻ khóa” thị trường); vẽ chân dung khách hàng mục tiêu; chiến lược tối ưu hóa sản phẩm; chiến lược định giá sản phẩm lên TMĐT; áp dụng hiệu ứng tâm lý trong định giá sản phẩm; sản phẩm nào phù hợp với nền tảng nào?
Cuốn sổ tay được kỳ vọng sẽ giúp DNNVV do phụ nữ làm chủ có thể tiếp cận thị trường rộng lớn hơn và gia tăng doanh thu; nâng cao vị thế cạnh tranh và khẳng định thương hiệu của doanh nghiệp; góp phần thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ trong lĩnh vực kinh doanh.
Hoài Anh