Đìu hiu chợ đêm Làng Đại học Thủ Đức
Cứ mỗi tối hằng ngày, vào khoảng 17h đến 18h, các gian hàng chợ đêm bắt đầu được dọn ra để sẵn sàng phục vụ các bạn sinh viên.
Các mặt hàng được bày bán ở chợ đêm đa dạng. Từ các vật dụng thiết yếu, đến quần áo, giày dép, trang sức và còn có cả những khu vực buôn bán đồ ăn, thức uống.
Mức giá tại đây rất phù hợp với túi tiền của sinh viên. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiều tiểu thương bày tỏ sự chán nản khi phải “gồng lỗ”, gắng cầm cự lại thêm thời gian xem tình hình có được cải thiện. Nguyên do là vì trong năm nay, lượng khách mua hàng giảm đi đáng kể.
Ông Phạm Văn Hiệp (49 tuổi) đã buôn bán tại khu chợ này từ ngày chợ mới hoạt động, tâm sự: “Trước đây, tầm 8h tối là chợ rất đông khách nhưng thời gian gần đây, thưa vắng hơn. Cuối tuần mà có sự kiện mới đông, còn mưa gió thì sẽ vắng”. Ông chia sẻ, những kiểu chợ truyền thống hiện tại rất khó cạnh tranh với các sàn thương mại điện tử, vì sinh viên thời nay ưa chuộng mua sắm trên sàn thương mại điện tử hơn là mua sắm trực tiếp ngoài hàng.
Vợ ông Hiệp, bà Đào Thị Phương Dung (48 tuổi) cho biết thêm, các hàng quán xung quanh ai cũng gặp phải tình trạng ế ẩm, không buôn bán được. Trừ những hàng quán thiết yếu như quầy đồ ăn, thức uống vì sinh viên không được nấu ăn trong ký túc xá, còn lại, các tiểu thương đều gặp phải tình trạng lao đao, “gồng lỗ” gắng trụ lại với nghề, thậm chí có người còn phải đi làm thêm nghề khác.
Chị Đào Thị Kim Phượng (35 tuổi), người buôn bán tại chợ đêm được khoảng 7 năm, buồn bã chia sẻ: “Ngày trước, mua 10 người, giờ chỉ còn 2 người. Ngày trước, một người mua 2 - 3 cái, giờ một người chỉ mua mỗi một cái. Mỗi năm người mua lại giảm dần”. Theo chị Phượng, những người mới không có ai dám mở gian hàng để bán tại đây, chỉ có những người đã buôn bán lâu năm tại đây tiếp tục cầm trụ với nghề.
Hiện tại, những người buôn bán ở chợ đều đang chờ đến thời điểm cận Tết, khi ấy nhu cầu mua sắm của sinh viên có lẽ sẽ tăng lên.
Lí do chợ đêm không còn đông đúc, tấp nập như xưa, có lẽ một phần là do sinh viên đã biết quản lý chi tiêu chặt chẽ hơn. Trần Đặng Tấn Nguyên (năm thứ nhất, trường ĐH Bách khoa, ĐHQG TP. HCM) cho biết, anh thường xuyên ghé đến chợ đêm 1 - 2 lần/tuần, tuy nhiên, chỉ ghé để mua những vật dụng thiết yếu và không thường xuyên mua các đồ vật không cần thiết như quần áo, phụ kiện…
Chia sẻ về thói quen mua sắm của mình, Bùi Ngọc Khuê (năm thứ nhất, trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐHQG TP. HCM) cho biết: “Mình không mua sắm thường xuyên ở chợ, vì mình không có thời gian và đường đến chợ cũng khá bất tiện. Các mặt hàng trong đó mình hầu như có thể mua qua mạng, với giá cả ưu đãi, nhiều sự lựa chọn và không phải mất công đi xa”.
Ngoài ra, một phần là do chợ truyền thống phải cạnh tranh với chợ trực tuyến. Nguyễn Thu Trang (năm thứ ba, trường ĐH Thủ Dầu Một) chia sẻ, Trang thường ghé chợ đêm mỗi tháng một lần nhưng không thường xuyên mua hàng.
Theo Trang, việc mua sắm của cô thường phải được tính toán từ trước: “Hôm nay, mình dự định đi chơi thì mình chỉ đi chơi, nếu đi qua, mình thấy có món hay thì mình sẽ cân nhắc có mua hay không, còn hôm nào dự định mua đồ thì mình sẽ ưu tiên việc mua đồ”. Trang cho biết thêm, cô mua đồ ở sàn thương mại điện tử nhiều hơn, vì tiện lợi và giá cũng ‘mềm’ hơn.
Nguyễn Hồng Nhật Long (năm hứ ba, ĐH Công nghệ thông tin, ĐHQG TP. HCM) mỗi tuần ghé đến chợ đêm khoảng 1 - 2 lần. Anh chia sẻ: “Các mặt hàng mình thường quan tâm và hay mua nhất là đồ ăn, thức uống”, đối với các mặt hàng khác, Nhật Long ưu tiên việc mua hàng trên sàn điện tử, vì đa dạng và có nhiều ưu đãi hơn.
Thùy Trân