Điều khiến CEO Nvidia hối hận
Từ một thập kỷ trước, Masayoshi Son, Chủ tịch kiêm CEO của SoftBank, đã cho rằng “thị trường chưa hiểu hết giá trị của Nvidia”.
“Masa nói với tôi rằng: ‘Jensen, thị trường không hiểu được giá trị của Nvidia. Tương lai của công ty rất đáng kinh ngạc, nhưng thị trường lại không nhận ra điều đó’”, Huang nhớ lại.
Vào thời điểm đó, tỷ phú SoftBank ngỏ ý sẵn sàng hỗ trợ tài chính để Huang có thể mua lại toàn bộ cổ phần của Nvidia. Thế nhưng, Huang đã từ chối lời đề nghị. Đây là một quyết định mà đến hôm nay, CEO Nvidia vẫn hối tiếc. “Bây giờ tôi rất hối hận”, Huang nói tại sự kiện Nvidia AI Summit tại Nhật Bản hôm 13/11.
Thời điểm đó, SoftBank là cổ đông lớn nhất của Nvidia với 5% cổ phần. Nhưng 5 năm trước, Son đã bán toàn bộ cổ phần của mình do công ty gặp khó khăn và giá cổ phiếu giảm mạnh. Nếu giữ lại, giá trị đầu tư của ông thậm chí sẽ vượt qua khoản đầu tư lịch sử vào Alibaba.
5% cổ phần của tỷ phú SoftBank khi đó trị giá khoảng 4 tỷ USD. Nhưng giờ đây, con số này đã lên tới khoảng 160 tỷ USD.
Jensen Huang đã chèo lái Nvidia từ một công ty bán dẫn thành một gã khổng lồ về trí tuệ nhân tạo và điện toán tăng tốc, đồng thời thúc đẩy phát triển các bộ xử lý đồ họa (GPU). Trong khi đó, Son đầu tư vào hàng loạt công ty toàn cầu. Họ đều là những cái tên hứa hẹn sẽ tăng trưởng trong lĩnh vực AI nhờ quỹ SoftBank Vision Fund.
Tại Nvidia AI Summit tổ chức ở Tokyo, Nvidia và SoftBank còn thông báo hợp tác xây dựng siêu máy tính AI lớn nhất Nhật Bản - DGX SuperPOD. Sử dụng nền tảng Nvidia Blackwell, hệ thống cung cấp sức mạnh tính toán phục vụ các sáng kiến AI của Nhật Bản. Trong đó, có cả các mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) dành riêng cho quốc gia này.
“Với sự hỗ trợ của Nvidia, chúng tôi đang tạo ra trung tâm dữ liệu AI lớn nhất tại Nhật Bản”, Masayoshi Son khẳng định.
CEO Nvidia Jensen Huang cho biết dự án siêu máy tính AI chỉ là một phần của sự hợp tác. Nó sẽ cánh cửa mở ra kỷ nguyên mới của AI và điện toán cho Nhật Bản.
Phát biểu tại AI Summit, Huang nhấn mạnh rằng cơ sở hạ tầng AI là nền tảng để thúc đẩy sự thay đổi trên toàn cầu. Ông phân tích rằng có 2 loại AI chính: AI kỹ thuật số, là các tác nhân AI làm việc trong môi trường số và AI vật lý, thể hiện qua các robot.
Theo Huang, Nhật Bản có vị thế đặc biệt để phát triển cả 2 loại AI này, tận dụng ngôn ngữ, văn hóa và dữ liệu độc đáo của đất nước mặt trời mọc.
“Tôi không thể tưởng tượng một quốc gia nào phù hợp để dẫn dắt cuộc cách mạng AI robot hơn Nhật Bản. Các bạn đã tạo ra những robot hàng đầu thế giới, những robot mà chúng ta đã cùng lớn lên và yêu quý suốt cuộc đời”, Huang nói.
Huang chia sẻ tầm nhìn về tiềm năng của các tác nhân AI. Chúng sẽ có khả năng hiểu, lập luận, lên kế hoạch và thực hiện những nhiệm vụ phức tạp. Những tác nhân này có thể làm được “50% công việc cho 100% con người”, giúp tăng cường năng suất cho các ngành nghề mà không hề thay thế vai trò của con người.
Theo CEO Nvidia, đây là sức mạnh thực sự của AI - chuyển đổi dữ liệu thành những kiến thức có thể áp dụng vào thực tiễn, hỗ trợ doanh nghiệp tối ưu hóa hoạt động mà không làm mất đi giá trị lao động của con người.
Ngoài ra, nhờ hợp tác với Nvidia, SoftBank còn thí điểm thành công mạng lưới kết hợp AI và 5G đầu tiên trên thế giới, gọi là AI-RAN (mạng truy cập vô tuyến thông minh). Mạng lưới này cho phép các tác vụ của AI và 5G chạy đồng thời.
Son nhấn mạnh: “Giờ đây, với mạng lưới thông minh này, chúng ta kết nối chặt chẽ với nhau, tạo thành một bộ não thần kinh khổng lồ cho cơ sở hạ tầng thông minh của Nhật Bản”.
Thúy Liên