Điều gì sẽ giúp các doanh nghiệp làm nông nghiệp vươn lên tầm cao?
Mới đây, trên website của Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao đã nêu bật danh sách 36 ý tưởng/dự án vào vòng chung kết cuộc thi về khởi nghiệp xanh – phát triển bền vững 2024 (sẽ diễn ra vào tháng 11/2024).
“Trong cái khó sẽ ló cái khôn”
Tất cả những ý tưởng hay dự án này của các doanh nông trẻ đều liên quan đến việc nâng tầm nông sản theo chuỗi giá trị, tiềm năng khao khát đổi mới và sáng tạo, phát triển nông nghiệp bền vững.
Đơn cử như các dự án: Chuỗi giá trị sản phẩm từ khoai lang của Công ty TNHH Bánh Nhật Ngọc (ở Vĩnh Long); sản xuất gỗ nhân tạo từ rơm (Trà Vinh); xanh hóa chuỗi giá trị chăn nuôi (Nghệ An); nâng tầm sản phẩm thủ công từ dừa nước của Cơ sở thủ công mỹ nghệ Út Thuận (ở Bến Tre); nâng cao giá trị quả bơ Tây Nguyên (Đắk Lắk)...
Nhắn nhủ những doanh nông trẻ bước chân vào con đường khởi nghiệp xanh thông qua cuộc thi này, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nói rằng việc tạo ra một sản phẩm khởi nghiệp đã khó, đưa sản phẩm đó đến thị trường và người tiêu dùng càng khó khăn hơn nhiều lần.
Và vị bộ trưởng cũng chỉ rõ người tiêu dùng khi mua một sản phẩm không chỉ quan tâm đến chất lượng mà còn chú ý đến sự tiện lợi, tiện dụng và tiện ích. Tối đa hóa “3 điều tiện” đó, sản phẩm sẽ bán được nhiều và giá cao hơn.
Thực ra, điều lưu tâm về mặt thị trường và người tiêu dùng của người đứng đầu Bộ NN&PTNT cũng là mối bận tâm chung của các doanh nghiệp (DN) làm nông nghiệp ở Việt Nam.
Bởi lẽ, trong bối cảnh thị trường không ngừng biến động, đặc biệt dưới tác động của cuộc cách mạng công nghệ số và xu hướng thay đổi hành vi tiêu dùng, các DN làm nông nghiệp đang đối mặt nhiều thách thức lớn như cạnh tranh gay gắt, tăng trưởng chậm, khó khăn trong việc thích ứng với các kênh phân phối đang thay đổi nhanh chóng.
Để vượt qua những thách thức này, với phương châm của người Việt Nam là “trong cái khó sẽ ló cái khôn”, giới chuyên gia cho rằng các DN làm nông nghiệp cần thiết kế chiến lược vươn tầm mạnh mẽ với những yếu tố quyết định đến khả năng tiếp cận người tiêu dùng trong và ngoài nước nhằm mang hiệu quả kinh doanh, lợi nhuận dài hạn.
Như mới đây, nhân việc đạt danh hiệu Thương hiệu Quốc gia Việt Nam 2024, ông Nguyễn Văn Thứ, Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP thực phẩm GC (GC Food) cho biết đây là động lực để DN tiếp tục đầu tư vào công nghệ, mở rộng vùng nguyên liệu và nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản Việt.
Hiện nay DN này có chuỗi cung ứng khép kín từ cây giống, vườn ươm, vùng trồng đến nhà máy, tiêu thụ…Công ty hiện có vùng nguyên liệu 250ha, chủ yếu tại vùng trồng Ninh Thuận. Mục tiêu của công ty là đến năm 2030 sẽ có vùng nguyên liệu 1.000ha được trồng theo chuẩn GlobalGAP ứng dụng công nghệ cao và trong 10 năm tới trở thành DN xuất khẩu nha đam, thạch dừa hàng đầu khu vực châu Á.
Còn hiện tại, với công nghệ nhân giống invitro, mỗi năm GC Food có thể sản xuất 3 triệu cây giống nha đam chất lượng cao, qua đó có thể giúp nha đam đạt năng suất 550 tấn/ha/năm.
Tập trung giá trị cốt lõi để vươn tầm
Xét về thiết kế chiến lược vươn lên tầm cho các DN làm nông nghiệp ở Việt Nam, theo Ts. Abel D. Alonso (Đại học RMIT), việc tập trung vào giá trị cốt lõi sẽ giúp cho họ có thể nâng tầm thương hiệu. Và một cách khác là đưa sản phẩm lên tầm cao mới.
“Nếu có thể đưa ra một quy tắc chung ở đây thì đó là họ vừa phải truyền tải những trải nghiệm, hình ảnh và câu chuyện đáng nhớ, vừa phải cung cấp sản phẩm có chất lượng nhất quán cho thấy lời nói đi đôi với việc làm”, ông Alonso phân tích.
Còn theo Ts. Đặng Thảo Quyên, chuyên gia về kinh doanh quốc tế, các DN cần có sự đầu tư đúng đắn và cam kết lâu dài với những thứ mình muốn bán trên thị trường. Để làm được điều đó, họ cần thực sự lắng nghe khách hàng, thấu hiểu thị trường và không ngừng tìm cách đổi mới.
Thực tế cho thấy không ít DN làm nông nghiệp ở Việt Nam đang ngày càng chú trọng đến việc gia tăng giá trị như một công cụ để tiếp cận thị trường quốc tế. Và họ đã tạo được chỗ đứng trong một môi trường kinh doanh cực kỳ cạnh tranh.
Điều này có thể thấy rõ ở một DN làm nông nghiệp như Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thực phẩm Duy Anh (sở Củ Chi, Tp.HCM) với chiến lược đường dài về phát triển các dòng sản phẩm mới và đẩy mạnh xuất khẩu vào những thị trường khó tính. Công ty này vừa có thêm dòng sản phẩm mới mang tên “bún rau má” (được chế biến từ bột rau má và bột gạo), là sản phẩm gia tăng từ nông sản thứ 9 của công ty này trong những năm gần đây.
Như chia sẻ của ông Lê Duy Toàn, giám đốc công ty, những dòng sản phẩm nông sản chế biến của công ty đang được đưa vào hệ thống Farmer Market, Origin và các cửa hàng thực phẩm sạch, và các đại ký bán trực tuyến (online) trên Shopee, Lazada…
Không chỉ có thế, các DN làm nông nghiệp ngày càng thấy rõ tầm quan trọng của hiệu suất xuất khẩu trong các hoạt động gia tăng giá trị nông sản như phát triển sản phẩm, nắm bắt thị trường, phân phối và quảng bá. Đây cũng là điều mà các doanh nông trẻ cần học hỏi để đưa DN mình lên trong con đường khởi nghiệp xanh.
Nhất là các DN xuất khẩu nông sản đang đầu tư ngày càng nhiều vào công nghệ chế biến hiện đại để đáp ứng những tiêu chuẩn quốc tế mới và nghiêm ngặt hơn.
Bên cạnh đó, theo ông Dương Minh Tâm, một nhà khoa học, đồng thời là giám đốc của Công ty công nghệ sinh học Dương Gia K&T, việc đạt được những chứng nhận quan trọng như những quy định khắt khe của Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) là đáng giá bởi chúng mang lại lợi thế to lớn cho các DN xuất khẩu sản phẩm ra thị trường quốc tế.
Và như gợi mở của bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao, doanh nông là tổng hợp của những yếu tố: sáng tạo, không ngừng học học, chú trọng lan tỏa kiến thức, cơ hội thị trường, không sợ thất bại và sẽ luôn tiến về phía trước.
Chính vì vậy, điều mong đợi để các DN làm nông nghiệp không chỉ vươn tầm ở trong nước mà trên thị trường quốc tế là cần thay đổi tư duy và hành động phù hợp. Xuất phát điểm của họ không nhất thiết là từ những “ông lớn”, với quy mô sản xuất vừa và nhỏ, họ hoàn toàn có thể tạo nên những sản phẩm nông sản “cây nhà lá vườn” hấp dẫn người tiêu dùng toàn cầu.
Điều này đòi hỏi các doanh nông Việt cần tập trung vào sự kết hợp giữa các giá trị, câu chuyện độc đáo của sản phẩm với sự sáng tạo hiện đại, khả năng linh hoạt trong quá trình làm sản phẩm, giá cả cạnh tranh…thì nhiều cơ hội ở thị trường trong nước và quốc tế sẽ càng mở ra.
Thế Vinh