'Điểm tựa' vốn vay chính sách
Chị Phạm Thị Ánh, Tổ trưởng tổ tiết kiệm & vay vốn thôn Xuân Ổ và nhiều người dân trên địa bàn không tiếc lời khi nói về trách nhiệm phát huy hiệu quả nguồn vốn chính sách được vay và tinh thần vượt khó vươn lên, phát triển kinh tế, thay đổi cuộc sống của vợ chồng chị Thảo.
Khi hai vợ chồng chị Thảo cưới nhau, người chồng làm nghề thợ nề, vợ lần lượt sinh 4 con rồi ở nhà nội trợ, chăm con dại. Chị Thảo không có thu nhập, chồng công việc không ổn định, chỉ kiếm vài triệu đồng mỗi tháng nên cuộc sống của họ chật vật, khó khăn mọi bề một thời gian dài. Nhiều lúc anh chị mơ ước có thể nuôi trồng thủy sản như một số hộ trên địa bàn nhưng ngặt nỗi không có vốn, nếu vay ở ngoài thì lãi cao, không "kham" nổi. Cơ hội đến khi được chính quyền địa phương và Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Phú Vang quan tâm, tạo điều kiện tiếp cận, vay vốn chính sách, gia đình chị Thảo quyết định học tập kinh nghiệm, mạnh dạn bước sang một “ngả rẽ” hứa hẹn.
“Cách đây 10 năm, gia đình tôi mua 2 hồ với tổng diện tích 1ha để nuôi cá giống, nuôi tôm. Cũng trong khoảng thời gian này, qua kênh Hội Liên hiệp Phụ nữ xã, tôi được vay vốn chính sách. Vay, trả hết nợ gốc, lãi đúng hạn, rồi được cho vay lại. Cứ như vậy tôi được vay nhiều lần. Nhờ đó, gia đình tôi có điều kiện và cơ hội để phát triển nuôi trồng thủy sản. Công việc ngày càng tiến triển tốt đẹp” - chị Thảo kể.
Khi “cầm trong tay” vốn chính sách (lần vay số tiền nhiều nhất là 70 triệu đồng), vợ chồng chị Thảo luôn tự nhắc nhủ không phụ lòng tin của tổ trưởng tổ tiết kiệm & vay vốn, người trực tiếp đồng hành, sát cánh cùng những tổ viên vay vốn; lòng tin của các tổ chức hội, chính quyền và Ngân hàng Chính sách xã hội huyện.
Sau khi học hỏi kinh nghiệm, vợ chồng chị Thảo lựa chọn phương án chắc chắn nhất để hạn chế thấp nhất rủi ro, đảm bảo có lãi. Vậy là chị chọn nuôi tôm một vụ chính từ tháng 3 đến tháng 6 thì thu hoạch. Mỗi vụ thả 10 vạn con tôm giống, khi “được tôm”, được giá, lãi ròng tầm 20 - 30 triệu đồng. Thu hoạch tôm xong, chị Thảo bắt đầu xuống vụ cá giống, với 10 vạn con cá dìa. Chị Thảo tập trung ươm cá giống, cung cấp cho thị trường. Khi bán cá giống gần hết, mới giữ lại số lượng nhỏ nuôi cá thịt.
Thay vì gọi người đến thu mua tôm, cá tại hồ, vợ chồng chị Thảo chịu khó trực tiếp mang lên chợ đầu mối phường Phú Hậu, TP. Huế bán sỉ. Sau 4 năm, vợ chồng chị Thảo tự tin thực hiện thêm công việc kinh doanh. Nguồn hàng là tôm, cá từ những hồ nuôi trong thôn, trong xã.
“Vợ chồng chị Thảo chịu thương, chịu khó, dám nghĩ dám làm, làm có hiệu quả và luôn giữ uy tín. Vào mùa thu hoạch, hàng đêm, vợ chồng chị Thảo thức dậy từ 12 giờ đêm, chuẩn bị máy móc, bình điện, máy sục khí, nước đá…, chất lên hai xe máy đến 1 giờ sáng là có mặt tại hồ thu mua. Vợ chồng mỗi người một chiếc xe máy, chở nhiều chuyến lên chợ đầu mối, có đêm chở 2,5 tạ tôm, cá. Đến 7 giờ sáng là công việc buôn bán kết thúc, trở về nhà” - chị Phạm Thị Ánh, Tổ trưởng tổ tiết kiệm & vay vốn thôn Xuân Ổ cho hay.
Nhanh nhạy, biết đánh giá tình hình thị trường từng buổi chợ để quyết định giá bán phù hợp, 6 năm kinh doanh thủy sản, chị Thảo chỉ bị lỗ 1 lần. Còn lại, ít nhiều gì cũng có lãi. Ngày lãi nhiều nhất là tiền triệu. Từ “điểm tựa” vốn vay chính sách, “vòng quay” nuôi trồng và buôn bán thủy sản của gia đình chị Thảo ngày càng mở rộng, đi lên. Cũng như nhiều hộ trên địa bàn được vay vốn chính sách, gia đình chị Thảo đã vươn lên thay đổi cuộc sống.
Bài, ảnh: Quỳnh Anh