Dịch vụ 'order' hàng Trung Quốc thất thế
“Chưa cần có Temu thì việc kinh doanh của tôi cũng đã ảm đạm hơn 2 năm nay vì các sàn TMĐT lớn trong nước rồi”, chị Minh Trang (26 tuổi, TP.HCM) chia sẻ với Tri Thức - Znews.
Không riêng chị Trang, những người làm dịch vụ "order" hàng Trung Quốc đều đang gặp khó khăn trước sự bùng nổ của các sàn thương mại điện tử (TMĐT) tại Việt Nam những năm gần đây.
Nhờ lợi thế về giá, giao hàng nhanh và dịch vụ vận chuyển xuyên biên giới, các nền tảng TMĐT đã thành công thuyết phục số đông khách hàng chuyển sang tự đặt hàng, khiến tình hình kinh doanh của nhiều người làm dịch vụ "order" hàng quốc tế dần ế ẩm.
Thời hoàng kim đã qua
Trước năm 2019, khi các sàn TMĐT Việt Nam chưa phát triển dịch vụ vận chuyển xuyên biên giới, dịch vụ nhận “order” hàng Trung Quốc thu hút đông đảo khách hàng, đặc biệt là giới trẻ nhờ nguồn hàng phong phú, giá cạnh tranh và mẫu mã độc đáo, đa dạng.
Thời điểm đó, rào cản ngôn ngữ và quy trình phức tạp trên các trang TMĐT quốc tế như Taobao, Tmall hay 1688 khiến việc mua sắm trực tiếp trở nên khó khăn. Dịch vụ nhận order nhờ đó lên ngôi khi hỗ trợ khách hàng từ khâu tìm kiếm, đặt mua, thanh toán quốc tế đến vận chuyển và thông quan hàng hóa.
Chính sự tiện lợi này đã giúp những người làm dịch vụ "order" như chị Trang lúc bấy giờ, có thể nhận hàng chục đơn hàng mỗi ngày.
"Trước đây, mỗi ngày kênh của tôi nhận đơn đặt hàng liên tục, thậm chí phải làm việc xuyên Tết để nhập hàng cho khách", chủ kênh chuyên nhận "order" hàng Trung Quốc tại TP.HCM chia sẻ. "Lợi nhuận từ mỗi đơn hàng có thể đạt 20-30%, mang lại thu nhập đáng kể", anh tiết lộ.
Tuy nhiên, từ năm 2020, việc các sàn TMĐT lớn như Shopee, Lazada và TikTok Shop áp dụng dịch vụ vận chuyển xuyên biên giới đã tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt với những người làm nghề "order" truyền thống.
Sau khi các sàn TMĐT trong nước áp dụng dịch vụ vận chuyển xuyên biến giới, nhiều nhà sản xuất Trung Quốc đã mở gian hàng trên chính các sàn này để tiếp cận trực tiếp tới người tiêu dùng thay vì thông qua bên trung gian là những nhà "order".
Chưa dừng lại, những người làm nghề đặt hàng hộ còn đang đối mặt khó khăn lớn hơn khi một loạt sàn TMĐT Trung Quốc đã mở rộng kinh doanh ra ngoài biên giới.
Lợi thế ngôn ngữ nay không còn khi các sàn quốc tế nay đều cung cấp giao diện tiếng Việt với danh mục sản phẩm đa dạng, đầy đủ thông tin, cho phép người dùng tự mua hàng dễ dàng.
Mô hình B2C (giao hàng trực tiếp từ xưởng đến người tiêu dùng) mà nhiều sàn TMĐT Trung Quốc như Temu, 1688... áp dụng giúp tối ưu chi phí, rút ngắn thời gian giao hàng xuống chỉ còn 5-7 ngày, nhanh hơn so với đặt hàng qua dịch vụ trung gian.
Bên cạnh đó, các sàn còn sở hữu hệ thống logistics riêng biệt và kết nối đồng bộ, đảm bảo hàng hóa lưu thông ổn định ngay cả mùa cao điểm.
Khách hàng mua trực tiếp trên sàn còn được bảo vệ bởi các chính sách đổi trả linh hoạt, thậm chí có thể khiếu nại trực tiếp khi sản phẩm lỗi hay không đúng mô tả, điều mà nhiều dịch vụ "order" khó đảm bảo.
Trong bối cảnh này, những nhà trung gian "order" hàng như chị Trang hiện chủ yếu duy trì hoạt động nhờ tệp khách quen, doanh thu, lợi nhuận từ đó cũng giảm đáng kể.
"Vũ khí" bí mật
Dù phải cạnh tranh với các sàn TMĐT về giá cả và dịch vụ, các nhà trung gian đặt hàng nước ngoài vẫn có cơ hội tồn tại nhờ những điểm mạnh mà các nền tảng lớn chưa thể thay thế.
Nhiều người kinh doanh dịch vụ này đang tìm cách tập trung vào các mặt hàng độc đáo, khó tìm trên các sàn TMĐT. Thay vì chạy theo thị trường phổ thông hay hàng Trung Quốc giá rẻ, họ chọn lọc sản phẩm có giá trị cao hơn, đáp ứng gu thẩm mỹ độc đáo của một bộ phận khách hàng.
Chủ kênh chuyên nhận order tiết lộ: "Việc kinh doanh của tôi vẫn ổn định nhờ vào việc chuyển hướng sớm, tập trung vào sản phẩm chất lượng cao và mới lạ để duy trì khách hàng trung thành".
Lý giải về việc đổi chiến lược kinh doanh, anh cho biết khi các sàn TMĐT lớn như Shopee, Lazada, hay TikTok Shop áp dụng dịch vụ vận chuyển xuyên biên giới, cửa hàng online của anh đã mất đi lượng lớn khách hàng. “Vì vậy, tôi quyết định tập trung vào các sản phẩm đặc biệt hơn, chỉ có tại các shop của Trung Quốc mà chưa lên sàn tại Việt Nam”, chủ kênh bổ sung.
Anh cho hay thời trang và đồ dùng trang trí nội thất là 2 mặt hàng được khách hàng ưa chuộng nhất tại cửa hàng online của mình. “Có tháng tôi kiếm hơn 200 triệu đồng chỉ từ việc nhập quần jeans từ Taobao”, anh chia sẻ.
Hơn nữa, giá cả tương xứng với chất lượng sản phẩm do chính anh lựa chọn kỹ càng từ các cửa hàng Trung Quốc cũng góp phần giữ chân khách hàng trung thành đến nay.
Đáng chú ý, lợi thế giá rẻ từ các sàn vốn tạo áp lực lớn cho dịch vụ "order", do các sàn được miễn thuế với đơn hàng dưới 1 triệu đồng, sắp không còn.
Mới đây, cơ quan quản lý Việt Nam cho biết đang xem xét sửa quy định này theo hướng bỏ việc miễn thuế với các đơn hàng vận chuyển xuyên biên giới giá trị dưới 1 triệu đồng.
Quy định mới mang đến tín hiệu tích cực cho người làm dịch vụ "order" khi hàng hóa nước ngoài từ các sàn TMĐT bán về Việt Nam phải chịu thuế. Điều này tạo ra sân chơi công bằng hơn cho những người làm dịch vụ trung gian.
Song về lâu dài, người làm dịch vụ "order" hàn quốc tế cần tìm những hướng đi mới, mang lại hiệu quả kinh tế rõ ràng hơn.
Theo ông Dương Trọng Nghĩa, đồng sáng lập Lemon Digital và CEO KP3.Agency, sự khác biệt trong sản phẩm và khả năng xây dựng thương hiệu cá nhân trên mạng xã hội sẽ là yếu tố cốt lõi giúp mở rộng quy mô kinh doanh.
Ông khuyến nghị các nhà trung gian nên tập trung khai thác và quảng bá những sản phẩm mà các sàn TMĐT chưa đáp ứng kịp, đồng thời nâng cao chính sách hỗ trợ khách hàng, nhất là giai đoạn hậu mãi.
"Thay vì chạy theo lợi nhuận ngắn hạn, việc xây dựng mối quan hệ lâu dài với khách hàng thông qua chất lượng dịch vụ và sự am hiểu về nhu cầu cá nhân sẽ là yếu tố quyết định", ông Nghĩa khẳng định.
Cẩm Tú