Đi xe máy ở Singapore mất phí tới 9.000 USD
Theo dữ liệu từ Cơ quan Giao thông Đường bộ của Singapore, trong tháng này phí cấp giấy phép sở hữu xe máy ở nước này đã tăng lên mức kỷ lục 12.801 SGD (tương đương 9.012 USD), SCMP đưa tin.
Mức phí cho giấy phép này đã tăng hơn 200% trong vòng 4 năm và cao hơn cả số tiền mua một chiếc xe máy giá rẻ. Trung bình một người Singapore sẽ cần gần 20.000 SGD để sở hữu và sử dụng một chiếc xe máy trị giá 5.000 SGD.
Singapore kiểm soát số lượng COE (Certificate of Entitlement - Giấy chứng nhận quyền sở hữu phương tiện giao thông có hiệu lực trong vòng 10 năm) để hạn chế số lượng xe máy và ô tô lưu thông. Trong tháng 9, Singapore đặt ra con số giới hạn 142.000 cho xe máy và 650.000 đối với ô tô được phép lưu thông trên đường.
Tính đến thời điểm hiện tại, việc gia hạn giấy phép hiện tốn hơn 11.000 SGD, tăng gần gấp 6 lần so với mức giá 10 năm trước.
Theo Nathan Peng, giảng viên khoa học chính trị tại Đại học Quản lý Singapore, quy định này sẽ ảnh hưởng nhiều nhất tới những người đang sở hữu các loại xe máy phổ thông.
Những người sở hữu xe máy chính chủ phải trực tiếp chịu khoản phí chênh lệch này, và giá cho thuê mượn xe máy cũng từ đó tăng cao hơn.
Rất nhiều tài xế giao hàng thuê phương tiện hành nghề từ các dịch vụ độc lập hoặc từ những công ty giao đồ ăn như GrabFood.
Còn theo tờ The Straits Times đưa tin, một số công ty cho thuê xe máy ở Singapore đang cân nhắc việc tăng phí cho thuê để bù đắp chi phí giấy phép tăng cao. Công ty GigaRider cho biết họ có khả năng tăng giá thuê lên 10% trong Quý I năm 2023 đối với các khách hàng doanh nghiệp. Grab cũng thông báo trên trang web rằng phí thuê có thể tăng do giá COE tăng.
Không chỉ xe máy, giấy phép sở hữu ô tô hiện có giá hơn 80.000 SGD (gần 57.000 USD), tăng gần gấp ba lần so với năm 2018.
Ông Peng cũng cho rằng việc này sẽ làm gia tăng sự bất bình đẳng trong xã hội, mặc dù rất khó để dự đoán mức độ ảnh hưởng vì hạn chế về dữ liệu có sẵn. Đối với nhiều người lao động có thu nhập thấp, xe máy là một trong số rất ít cách tiết kiệm chi phí dành cho việc đi lại cần thiết.
Ông Peng cho hay đối với phần lớn người có thu nhập thấp, họ không có lựa chọn nào khác ngoài xe máy. Nếu họ có đủ khả năng chi trả cho các dịch vụ như Grab, họ có thể không cần mua xe máy vì những lo ngại về sự an toàn và độ thoải mái.
Singapore đã và đang nỗ lực thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, ngay cả khi đối mặt với chi phí sinh hoạt tăng cao. Tại một sự kiện vào ngày 10/10, Phó Thủ tướng Lawrence Wong đã chỉ ra việc ngày càng nhiều gia đình có con nhỏ ở trong các căn hộ cho thuê là một dấu hiệu cho thấy sự phân tầng xã hội đang trở nên mạnh mẽ hơn.
Theo Bộ Thống kê Singapore, giá các hoạt động giải trí và văn hóa ở Singapore trong tháng 9 tăng cao nhất trong 40 năm. Chi phí nuôi thú cưng hoặc rùa cưng hiện nay cao hơn 5,2% so với một năm trước đó. Chi phí nghỉ lễ cũng tăng 8.4%.
Lo ngại về chi phí sinh hoạt tăng cao đã thúc đẩy 4 lần thắt chặt chính sách tiền tệ trong năm nay, do Singapore phải đối mặt với mức lạm phát cao nhất trong vòng 14 năm. Vào đầu tháng này, Singapore đã công bố gói giảm lạm phát trị giá 1,5 tỷ SGD (1,06 tỷ USD).
Giá các mặt hàng chủ lực như bột mì và mì sợi cũng cao kỉ lục. Giá gia cầm đông lạnh tăng 39% sau lệnh cấm xuất khẩu thịt gà của Malaysia, tuy nhiên lệnh cấm đã được gỡ bỏ trong tháng này.
Giá món ăn tại các quán vỉa hè, nơi phục vụ các món đường phố như cơm gà, tăng hơn 7,9% - mức tăng cao nhất kể từ năm 2020.
Hoàng Linh - Trà Khánh(SCMP)