1. Kinh doanh

Để con tàu là điểm check-in, nhà ga thành bảo tàng sống

Dù bài toán hạ tầng vẫn đang là thứ ràng buộc bước chân của ngành đường sắt nhưng mảng màu tươi sáng hơn trong thời gian qua cho thấy, “con ngựa sắt” trăm tuổi vẫn hoàn toàn có thể làm tốt nếu chọn hướng đi đúng.

Nói về sự chủ động đổi mới chính mình, ông Hoàng Gia Khánh - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho biết đó là mục tiêu hàng đầu, là lý do và động lực để đi tiếp trong giai đoạn mới.

Ngành đường sắt đang hướng tới mục tiêu mỗi hành trình là một trải nghiệm, con tàu có thể thành điểm “check-in” di động, nhà ga là điểm đến của văn hóa, nghệ thuật, lịch sử và di sản.

Ông Hoàng Gia Khánh - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam.

Hướng đến đa dạng hóa trải nghiệm khách hàng

Người Đưa Tin (NĐT): Thời gian qua, có thể cảm nhận một không khí tích cực, chuyển mình rất rõ rệt của ngành đường sắt. Lượng hành khách đi tàu khá cao, nhiều dịch vụ mới được nâng cấp và doanh nghiệp kinh doanh có lãi. Dường như có một sự đổi mới về tư duy kinh doanh và làm dịch vụ của ngành đường sắt? Xin ông lý giải thêm về điều này?

Ông Hoàng Gia Khánh: Thời gian qua, quả thực ngành đường sắt đang nỗ lực đổi mới chính mình. Chúng tôi đã chủ động nâng cao chất lượng phục vụ và phương tiện, đa dạng hóa các sản phẩm với phương châm chú trọng đến trải nghiệm của khách hàng và dịch vụ chất lượng cao.

Chỉ trong 9 tháng đầu năm 2024, chúng tôi đã đưa ra nhiều sản phẩm tàu du lịch mới như: tàu HĐ1/2, HĐ3/4 chạy Huế - Đà Nẵng, khai trương tàu đêm Đà Lạt – Trại Mát và SE21/22 chạy tuyến Sài Gòn – Đà Nẵng. Các đoàn tàu này ngoài việc được trang bị nội thất hiện đại thì còn có nhiều tiện ích và dịch vụ lần đầu tiên được đưa vào phục vụ hành khách.

Những nỗ lực thay đổi của chúng tôi đã đem lại hiệu quả thiết thực với số lượng hành khách đi tàu ngày càng tăng. Trong 9 tháng đầu năm 2024, lượng hành khách lên tàu đạt khoảng hơn 5,8 triệu lượt, tăng hơn 19% so với cùng kỳ 2023.

Đặc biệt, các sản phẩm mới của chúng tôi được hành khách quan tâm, đón nhận. Đây chính là động lực để chúng tôi tiếp tục đổi mới mình, để mang đến những sản phẩm dịch vụ và trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng.

Thúc đẩy sản phẩm du lịch là một trong những hướng đi đúng đắn của ngành Đường sắt.

NĐT: Ông có thể phân tích cụ thể hơn những đổi mới trong việc cung cấp dịch vụ của ngành đường sắt?

Ông Hoàng Gia Khánh: Chẳng hạn như tháng 3/2024, chúng tôi khai trương đoàn tàu chạy chuyên khu đoạn Huế – Đà Nẵng và ngược lại với tên gọi “Hành trình kết nối di sản miền Trung” nhằm kết nối đi lại giao thông của người dân giữa hai thành phố Huế và Đà Nẵng và quảng bá du lịch.

Trên thành phần đoàn tàu, chúng tôi bố trí toa cộng đồng với thiết kế đặc trưng để trở thành không gian sinh hoạt văn hóa chung cho hành khách. Tại toa cộng đồng, du khách có thể trải nghiệm thưởng thức ẩm thực, sản vật, âm nhạc, văn hóa địa phương và giao lưu với nhau.

Hay như vào tháng 4/2024, chúng tôi khai trương chạy tàu đêm Đà Lạt – Trại Mát với tên gọi “Hành trình đêm Đà Lạt”. Đây là một sản phẩm du lịch mà ngành Đường sắt đưa vào khai thác nhằm tiếp tục mang đến cho hành khách những trải nghiệm mới, cảm nhận vẻ đẹp của Đà Lạt về đêm, góp phần đa dạng dịch vụ, phát triển du lịch và kinh tế đêm của địa phương.

Điểm khác biệt trên “Hành trình đêm Đà Lạt” là ngoài việc được thưởng thức âm nhạc và sử dụng wifi miễn phí, trên hành trình, du khách còn có thể thưởng thức tiệc tối theo yêu cầu (chưa có trong giá vé).

Một khoang hành khách trên đoàn tàu chất lượng cao SE19/SE20.

Cũng trong tháng 4/2024, chúng tôi đã đưa vào khai thác đoàn tàu chất lượng cao SE21/22 chạy tuyến Sài Gòn – Đà Nẵng với nhiều tính năng hiện đại lần đầu tiên được ngành đường sắt đưa vào khai thác phục vụ hành khách như: các ghế trong toa xe ghế ngồi có thể xoay 180 độ nên hành khách có thể thoải mái tự điều chỉnh hướng ngồi cho phù hợp.

Toa xe phục vụ ăn uống được đặt tại vị trí giữa của đoàn tàu để thuận tiện cho hành khách 2 đầu có thể giảm bớt thời gian di chuyển và tạo không gian giao lưu, kết nối và sinh hoạt chung cho hành khách; thực đơn trên tàu phong phú với các món Á, Âu để hành khách có thêm nhiều lựa chọn.

Đặc biệt, trên đoàn tàu SE21/22, lần đầu tiên, Tổng Công ty cũng thực hiện việc nâng cấp, cải tạo mở rộng nhà vệ sinh (từ 1m lên 1,4m). Nội thất toa xe được thay mới hoàn toàn. Ngoài các toa xe 4 giường, trên tàu còn bố trí 1 số khoang 2 giường phục vụ hành khách muốn có không gian riêng tư. Đây cũng là 1 trong 2 đoàn tàu đầu tiên được lắp đặt wifi trên tàu phục vụ hành khách miễn phí.

Lựa chọn lối đi dựa trên việc nhận diện lợi thế

NĐT: Dù bài toán hạ tầng vẫn đang là thứ ràng buộc nhưng sự tiến triển trong hoạt động kinh doanh cho thấy, ngành đường sắt vẫn hoàn toàn có thể làm tốt hơn nếu chọn hướng đi đúng. Sắp tới đây thì ngành đường sắt có tiếp tục xây dựng thêm các mô hình như này không?

Ông Hoàng Gia Khánh: Việc nâng cao chất lượng dịch vụ luôn là mục tiêu hàng đầu của chúng tôi, bởi chỉ khi đáp ứng được tốt nhu cầu của khách hàng thì chúng tôi mới có thể tồn tại và phát triển. Đó là lý do và động lực để chúng tôi nỗ lực đổi mới trong suốt thời gian qua.

Trong thời gian tới, chắc chắn chúng tôi sẽ tiếp tục cho ra mắt các sản phẩm du lịch và nâng cấp, cải tạo phương tiện để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của hành khách và việc nâng cấp, cải tạo, thay thế này sẽ được phân kỳ đầu tư thích hợp.

Du lịch đường sắt cần chuyển mình mạnh mẽ, chuyên nghiệp, bài bản hơn để thu hút du khách.

Chúng tôi mong muốn đường sắt không chỉ là một dịch vụ kết nối mà còn tạo ra các sản phẩm tham gia vào chuỗi cung ứng các sản phẩm du lịch, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội các vùng miền, các địa phương.

Vì vậy, hiện chúng tôi đã và đang phát triển các sản phẩm vận tải không chỉ phục vụ nhu cầu đi lại của người dân mà hướng tới mục tiêu mỗi hành trình là một trải nghiệm, con tàu có thể thành điểm “check-in” di động; nhà ga là điểm đến của văn hóa, nghệ thuật, lịch sử và di sản.

Chúng tôi cũng sẵn sàng hợp tác với các đối tác trong nước và quốc tế để đưa vào khai thác các đoàn tàu du lịch hạng sang trên mạng lưới Đường sắt Việt Nam. Đây cũng là cơ hội để ngành đường sắt góp phần quảng bá văn hóa, vẻ đẹp Việt Nam đất nước, con người ra với thế giới.

NĐT: Đầu tháng 9, những chuyến tàu đầu tiên chuyên chở khí LNG hóa lỏng đã khởi hành từ Nam ra Bắc, đánh dấu việc ngành đường sắt tham gia vào vận chuyển các mặt hàng "khó". Tổng Công ty có định hướng như thế nào về việc mở rộng, tăng cường năng lực vận tải đối với các loại hàng hóa đặc thù, có tiêu chuẩn kỹ thuật và các điều kiện vận chuyển cao?

Ông Hoàng Gia Khánh: Vận tải hàng đặc chủng, hàng siêu trường, siêu trọng, hàng đòi hỏi cao về đảm bảo an toàn… đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật được xem là thế mạnh của vận tải đường sắt. Vì vậy, trong thời gian qua, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cũng đã hợp tác với nhiều đối tác để tham gia vận chuyển các mặt hàng này.

Đặc biệt, đầu tháng 9 vừa qua chúng tôi đã hợp tác với Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS) – Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam lần đầu tiên vận chuyển khí LNG hóa lỏng từ Nam ra Bắc. Dự kiến từ nay đến cuối năm, mỗi tháng chúng tôi sẽ chuyên chở từ 60 đến 120 ISO Tank từ Nam ra Bắc.

Việc vận chuyển đảm bảo an toàn khí LNG là sự khẳng định năng lực và khả năng đáp ứng nhu cầu thị trường của Đường sắt trong việc vận chuyển các mặt hàng “khó”. Trong thời gian tới, cùng với sự ủng hộ của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ GTVT, chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư nâng cấp phương tiện, bãi hàng, đẩy mạnh kết nối logistics đường sắt để phát huy hơn nữa tiềm năng, lợi thế này.

Chuyến tàu chở khí hóa lỏng LNG đầu tiên trên đường sắt Nam - Bắc.

Tái cơ cấu, đổi mới mô hình kinh doanh

NĐT: Để một doanh nghiệp hoạt động tốt cần có một tổ chức mạnh. Hiện nay, việc cơ cấu, sắp xếp lại ngành đường sắt đang được triển khai như thế nào, thưa ông?

Ông Hoàng Gia Khánh: Thực hiện lộ trình được Thủ tướng xác định trong Đề án cơ cấu lại, Tổng Công ty Đường săt Việt Nam phải thực hiện xong việc hợp nhất CTCP Vận tải Đường sắt Hà Nội và CTCP Vận tải Đường sắt Sài Gòn thành CTCP Vận tải Đường sắt hoàn thành trong năm 2024.

Hiện nay, hồ sơ hợp nhất 2 CTCP Vận tải Đường sắt đang được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xem xét, dự kiến đến giai đoạn cuối năm 2024 sẽ cấp phép về việc chào bán cổ phiếu để hoán đổi, thực hiện hợp nhất.

Trên cơ sở đó, Hội đồng thành viên VNR sẽ chỉ đạo người đại diện phần vốn của VNR tại 2 CTCP Vận tải Đường sắt Hà Nội và Sài Gòn thực hiện các bước tiếp theo đúng quy định để hợp nhất như: công bố thông tin, chốt danh sách hoán đổi cổ phiếu, hủy đăng ký công ty đại chúng của CTCP Vận tải Đường sắt...

VNR dự kiến sẽ thực hiện đăng ký kinh doanh của công ty sau hợp nhất vào đầu quý IV/2024, đảm bảo việc hợp nhất xong trong năm 2024 đúng tiến độ Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo.

NĐT: VNR có tính đến phương án lộ trình giảm tỉ lệ nắm giữ cổ phần tại CTCP Vận tải Đường sắt sau hợp nhất nhằm thu hút nguồn vốn tham gia đầu tư và đổi mới chất lượng dịch vụ vận tải đường sắt hay không?

Ông Hoàng Gia Khánh: Phương án lộ trình giảm tỉ lệ nắm giữ cổ phần tại CTCP Vận tải Đường sắt sau hợp nhất nhằm thu hút nguồn vốn tham gia đầu tư và đổi mới chất lượng dịch vụ vận tải đường sắt đã được tính đến trong Đề án cơ cấu lại giai đoạn đến hết năm 2025.

Cụ thể, Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp thống nhất với ý kiến của các cơ quan về việc nghiên cứu, xây dựng lộ trình phù hợp giảm tỉ lệ nắm giữ cổ phần của Công ty mẹ tại CTCP Vận tải Đường sắt sau hợp nhất đồng thời phải linh hoạt, để có thể thuận lợi thoái vốn khi có đối tác. Việc giảm cổ phần chi phối sẽ tách bạch hoạt động điều hành và hoạt động vận tải, tạo điều kiện để nhà đầu tư mới tham gia, đổi mới, nâng cao dịch vụ vận tải đường sắt.

Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp thống nhất VNR về việc nghiên cứu, xây dựng lộ trình giảm tỉ lệ vốn góp của Công ty mẹ-VNR tại CTCP Vận tải Đường sắt sau hợp nhất và được thực hiện trong giai đoạn sau là phù hợp.

Sau khi doanh nghiệp hợp nhất đi vào hoạt động, trên cơ sở đánh giá 1-2 năm thực tiễn hoạt động, VNR sẽ nghiên cứu định hướng giảm tỉ lệ chi phối tại CTCP Vận tải Đường sắt; chuyên môn hóa doanh nghiệp vận tải hàng hóa và doanh nghiệp vận tải hành khách trong quá trình xây dựng Đề án cơ cấu lại giai đoạn 2025-2030.

NĐT: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Lê Mạnh Quốc

Tin khác