Đề cao quyền năng của phụ nữ trong phát triển kinh tế
Khi phụ nữ tham gia quản lý hợp tác xã
Câu chuyện khởi nghiệp và quá trình xây dựng thương hiệu của HTX thanh long Hàm Đức của chị Lê Nguyện (xã Hàm Đức, Hàm Thuận Bắc) thực sự là nguồn động lực của phụ nữ trong tỉnh.
Vốn là một kỹ sư xây dựng và cũng là một người trồng trái thanh long, khi giá thanh long xuống thấp bán không được phải đổ bỏ, cuối năm 2015, chị Lê Nguyện đã cầm cố mọi tài sản của gia đình để lấy vốn thành lập HTX. Từ 17 thành viên ban đầu, đa số là bà con nông dân trồng thanh long ở huyện Hàm Thuận Bắc. Đến nay, HTX có gần 50 lao động, trong đó lao động nữ chiếm khoảng 65%, mức lương dao động trên 7 triệu đồng/người. Hiện sản phẩm rượu vang có 2 dòng, với 4 loại chai phù hợp cho từng nhu cầu sử dụng, biếu tặng. Cho đến nay, với những nỗ lực của chị cùng các thành viên trong HTX, sản phẩm đã tìm được chỗ đứng trên thương trường trong và ngoài tỉnh.
Một cái tên cũng được nhắc đến nhiều trong thời gian gần đây có bóng dáng của những người phụ nữ đồng quản lý tại Hàm Thuận Bắc nữa là HTX thanh long sạch Hòa Lệ. Dù mới đi vào hoạt động 7 năm nay (2017 - 2024), nhưng HTX nhanh chóng vươn ra thị trường ngoài nước. Chị Nguyễn Hoàng Thư Hương - Phó giám đốc phụ trách quản lý sản phẩm từ trái thanh long cho biết: Hiện HTX có 19 thành viên chính thức và 30 thành viên liên kết. Bên cạnh đó còn có 4 HTX liên kết chuỗi tiêu thụ thanh long, được cấp giấy chứng nhận GlobalGAP, VietGAP. Thế mạnh của HTX là thanh long tươi, sơ chế, đóng gói đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao.
Hiện HTX thanh long sạch Hòa Lệ đã đầu tư chế biến sâu 16 sản phẩm, trong đó 11 sản phẩm đạt OCOP 3 sao, 5 sản phẩm được bình chọn “Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu”. Việc đa dạng hóa sản phẩm chế biến, HTX thu hút hơn 100 lao động người địa phương, trong đó 70% lao động nữ, thu nhập hàng tháng từ 7 - 10 triệu đồng/người/tháng.
Để phụ nữ tự tin khẳng định vị thế
Kinh tế tập thể là thành phần kinh tế có vai trò đặc biệt quan trọng trong nâng cao đời sống cho người lao động, góp phần làm giảm sự phân hóa giàu nghèo, bất bình đẳng trong xã hội. Bởi kinh tế tập thể tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc các thành viên cùng góp vốn, góp tài sản, góp sức trên cơ sở tự nguyện, bình đẳng, cùng có lợi.
Để phát triển các mô hình kinh tế tập thể, Hội Liên hiêp Phụ nữ (LHPN) tỉnh đã huy động nhiều nguồn lực để hỗ trợ vốn, kỹ thuật, tạo điều kiện cho phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh. Bên cạnh đó là tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, trang bị kiến thức cơ bản về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, kỹ năng tiếp thị, bán hàng và thương mại hóa sản phẩm... Từ những người nông dân không thành thạo công nghệ, qua tập huấn các chị đều tự tạo cho mình những trang fanpage riêng của HTX, kênh Tiktok. Điều đó cho thấy sự thay đổi không chỉ về kiến thức, sự tự tin ở bản thân mà quyền năng kinh tế, vị trí của người phụ nữ trong gia đình và xã hội ngày càng được nâng cao, xứng đáng với truyền thống “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”.
Nhiều chị cho rằng: Trong thời kỳ chuyển đổi công nghệ số, thật may mắn khi được tham dự các chương trình tập huấn hỗ trợ phụ nữ kinh doanh, bán hàng trên sàn thương mại điện tử. Nhờ vậy biết tạo các gian hàng trên trang cá nhân, đăng bài, sử dụng hình ảnh, viết quảng cáo để khách hàng tiếp cận nhanh nhất, hiệu quả nhất.
Bà Phan Thị Vi Vân – Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, thông tin: Hiện nay, Hội LHPN tỉnh đang phối hợp với Liên minh HTX tỉnh xây dựng kế hoạch phối hợp hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, điều hành, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030. Trong đó, tập trung tuyên truyền, vận động phụ nữ nâng cao nhận thức về phát triển kinh tế tập thể, HTX; củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các HTX do phụ nữ tham gia quản lý, điều hành, tạo việc làm cho lao động nữ; hỗ trợ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tư vấn hỗ trợ nữ sáng lập viên thành lập HTX…
Chương trình phấn đấu đến năm 2030, 100% HTX do phụ nữ tham gia quản lý, điều hành và tạo việc làm cho lao động nữ được tuyên truyền, phổ biến về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển KTTT, HTX và tham gia các hoạt động tư vấn, hỗ trợ phát triển hợp tác xã do Liên minh HTX và Hội LHPN tỉnh tổ chức. Tư vấn, hỗ trợ thành lập mới ít nhất 5 HTX do phụ nữ tham gia quản lý, điều hành, tạo nhiều việc làm cho lao động nữ. Đồng thời, củng cố, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động cho ít nhất 20 HTX, 100 tổ hợp tác được các cấp hội hỗ trợ thành lập. Tạo việc làm ổn định cho 200 thành viên, lao động nữ trong HTX, 1.000 lao động nữ trong tổ hợp tác…
Điểm chung là các HTX do phụ nữ lãnh đạo, quản lý, điều hành đều tạo nhiều việc làm cho lao động nữ địa phương và giúp đỡ nhau trong cuộc sống, góp phần phát triển các sản phẩm OCOP có giá trị kinh tế, mang tính cạnh tranh cao.
THÙY LINH