1. Kinh doanh

Đầu tư kiểu Gen Z: Không có bất cứ khuôn mẫu, giới hạn nào

Muôn màu muôn kiểu đầu tư ở Gen Z

So với các khái niệm đầu tư của người đi trước như “ăn chắc mặc bền”, thì Gen Z hiện nay sẵn sàng làm liều. Nếu như thế hệ ông bà, gửi tiết kiệm luôn là lựa chọn hàng đầu vì gần như không có rủi ro thì Gen Z chẳng có chút quan tâm đến kênh đầu tư này vì với họ, mức lãi suất 6-7%/năm là quá ít.

Nếu như với thế hệ trước, việc tiết kiệm và tích góp tài sản là yếu tố ưu tiên, tiền tiết kiệm và đầu tư sẽ chiếm khoảng 40-50% thu nhập. Tuy nhiên, Gen Z thì ngược lại, họ dành phần nhiều thu nhập để chi tiêu cho cuộc sống cá nhân hàng ngày, bởi với họ trải nghiệm và chất lượng cuộc sống mới là ưu tiên hàng đầu.

Đặc biệt, du lịch luôn chiếm một phần lớn trong chi tiêu của Gen Z, theo một báo cáo hồi tháng 4, công ty nghiên cứu thị trường PMG cũng cho biết Gen Z đang dẫn đầu về nhóm du khách tăng chi tiêu du lịch trong năm nay.

Đỗ Ngọc (25 tuổi, nhân viên văn phòng) cho biết mỗi tháng dành khoảng 2 triệu đồng ra cho việc tiết kiệm. Số tiền này chiếm khoảng 15% tổng thu nhập và chủ yếu dành cho việc mua vàng.

Gen Z coi việc đầu tư cho bản thân là khoản đầu tư dài hạn.

Tuy nhiên, Ngọc cũng chia sẻ nếu tháng nào chi tiêu cho việc du lịch, hay mua sắm hoặc đăng ký khóa học thì sẽ không tiết kiệm được. Theo cô nàng, những khoản đầu tư này là khoản đầu tư cho bản thân, đầu tư dài hạn và không bao giờ lỗ. Nói về kế hoạch trong tương lai, Ngọc cho biết sẽ tập trung tiết kiệm hơn nếu lập gia đình.

"Mỗi năm 2 vợ chồng sẽ tiết kiệm được 300 triệu đồng, sau 5 năm là khoảng 1,5 tỷ đồng, cùng với đó mình sẽ kinh doanh và vay ngân hàng thêm để mua nhà. Trường hợp được gia đình chồng hỗ trợ mua nhà thì không cần nữa, số tiền tiết kiệm mình sẽ để mua xe ô tô hoặc tập trung cho việc nuôi con", cô nàng Gen Z nói.

Là thế hệ sử dụng thành thạo Internet, Gen Z thường tiếp cận kênh đầu tư qua công nghệ số như chứng khoán, tiền ảo với kỳ vọng lợi nhuận lớn. Tính đến thời điểm hiện tại, Thành Minh (23 tuổi, nhân viên văn phòng) có tìm hiểu về tiền ảo và đầu tư được hơn 1 năm. Minh cho biết, vì số vốn chưa có nhiều nên anh chàng sẽ luôn tìm hiểu những đồng tiền mới và có khả năng tăng trưởng để đầu tư.

Gen Z thường tiếp cận kênh đầu tư qua công nghệ số như chứng khoán, tiền ảo

“Thời điểm này mình đang đầu tư đồng XFI, thường kênh đầu tư này chỉ chiếm 5-10% tổng thu nhập do việc đầu tư tiền ảo vẫn chưa được Nhà nước bảo trợ, rủi ro khá cao. Ngoài ra tháng nào thu nhập khá hơn thì mình sẽ trích ra để đầu tư cho kênh tài nguyên không tự sinh ra”, Minh chia sẻ.

Đối với Minh, mục đích việc đầu tư là tạo ra được nguồn thu nhập thụ động giúp chủ động trong cuộc sống. Minh cũng cho biết để đầu tư đúng đắn, bản thân cũng cần phải lên kế hoạch rõ ràng kết hợp với việc học hỏi những kiến thức liên quan đến thị trường, và cầu thị những người đi trước.

Vốn là cô sinh viên ngành Tài chính - Ngân hàng, Thu Hà lựa chọn chứng khoán là kênh đầu tư: "Đối với ngành học của mình thì được nghe nhiều về chứng khoán từ thầy cô. Do đó mình cũng tò mò không biết nó là gì và cách đầu tư như thế nào. Sau một thời gian tìm hiểu mình có học các giao dịch cơ bản trên thị trường. Mình thấy khá thú vị khi được trải nghiệm cảm giác lãi lỗ khác nhau. Với mình, đây là khoản đầu tư mạo hiểm và cũng là chi phí học tập".

Nếu như trước kia, Gen Z vốn không quan tâm đến kênh đầu tư là vàng do không được lãi nhiều. Tuy nhiên, chứng kiến giá vàng tăng vọt trên phạm vi toàn cầu, nhiều Gen Z đã “quay xe” và dành nhiều sự quan tâm cho kênh đầu tư này.

Nhiều Gen Z đang dành sự quan tâm cho kênh đầu tư vàng.

Phạm Tâm (27 tuổi, nhân viên văn phòng) cho biết thời điểm trước đây chỉ coi vàng đơn thuần là cách tiết kiệm do để tiền một chỗ thì cũng mất giá.

“Mình lựa chọn vàng do thuận tiện, dễ giao dịch và không phải nghiên cứu nhiều như chứng chứng khoán, tiền ảo… Năm nay, vàng được giá nên mình cũng bán hết để lấy tiền xây nhà, số còn lại cũng được bố mẹ hỗ trợ thêm nữa”, Tâm chia sẻ.

Nhìn chung, phong cách đầu tư của Gen Z khá đa dạng và mang đậm cá tính cá nhân, điều này còn phản ánh sự thay đổi mạnh mẽ trong tư duy của một thế hệ lớn lên cùng công nghệ và xu hướng toàn cầu hóa.

"Không all in vào một rổ duy nhất"

Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển sản phẩm khối Khách hàng Cá nhân Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho biết, khoảng thời gian Gen Z gia nhập vào thị trường tương đối đặc biệt.

Mạnh nhất vào năm 2020-2021 - đây là thời gian “hot” của thị trường chứng khoán. Khi mà Gen Z gia nhập thị trường với sự thành công như vậy dường như cũng tạo ra tính cách cá nhân rất lớn. Có thể nói, việc nhận thức với một lối tư duy trẻ, Gen Z có một điểm lợi là khả năng các bạn tự học, tự trang bị và cập nhật kiến thức rất nhanh và thậm chí các bạn cũng có tính sáng tạo rất lớn.

Như vậy, một điều thuận lợi là Gen Z dễ gia nhập vào thị trường và thường sử dụng những phương pháp phân tích để mà tham gia đầu tư trên thị trường thay vì các thế hệ trước họ chỉ đi theo những cách cũ, những lối cũ.

Ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển sản phẩm khối Khách hàng Cá nhân Chứng khoán Yuanta Việt Nam.

Xu hướng thời gian vừa qua, nhiều Gen Z đổ xô vào kênh đầu tư vàng, ông Minh cho rằng đây cũng là một kênh đầu tư mà các bạn Gen Z nên tìm hiểu đến. Mục đích để trong tương lai, các bạn hướng đến việc đa dạng hóa danh mục đầu tư, phân bổ dòng tiền của mình.

Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, căng thẳng về chính trị đã có xu hướng hạ nhiệt tương đối đáng kể. Biểu hiện là giá dầu đang sụt giảm mạnh thời gian vừa qua. Đồng thời, đồng USD có thể tiếp tục suy yếu nhưng sẽ giảm từ từ chứ không giảm theo tốc độ nhanh.

“Theo quan điểm của tôi, dư địa để giá vàng tăng thêm sẽ không còn quá nhiều trong thời gian tới nhưng về dài hạn thì có thể vẫn còn xu hướng lên nhẹ. Nếu đo lường hiệu suất sinh lời so với các kênh đầu tư khác thì tôi nghĩ rằng giá vàng giai đoạn này không còn phù hợp để chúng ta đầu tư”, ông Minh nêu rõ.

Ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển sản phẩm khối Khách hàng Cá nhân Chứng khoán Yuanta Việt Nam

Theo quan điểm của tôi, dư địa để giá vàng tăng thêm sẽ không còn quá nhiều trong thời gian tới nhưng về dài hạn thì có thể vẫn còn xu hướng lên nhẹ. Nếu đo lường hiệu suất sinh lời so với các kênh đầu tư khác thì tôi nghĩ rằng giá vàng giai đoạn này không còn phù hợp để chúng ta đầu tư.

Đầu tư luôn gắn liền với rủi ro, vì vậy vị Giám đốc cũng có những lời khuyên dành cho Gen Z khi bước vào “sân chơi” này.

Đầu tiên Gen Z cần trang bị những kiến thức cho mình. Đây là điều quan trọng nhất vì đa phần các bạn tham gia vào thị trường theo kiểu FOMO hoặc theo đám đông. Hầu như các bạn không hiểu được bản chất của thị trường. Cần hiểu rõ từng các loại kênh đầu tư ví dụ như kênh vàng, kênh thị trường vốn hay các kênh đầu tư khác trong Forex…

Bản thân các bạn cũng cần hoạch ra cho mình phương pháp đầu tư cụ thể vì nếu chỉ đơn giản chỉ hiểu kiến thức thôi cũng không giải quyết được vấn đề.

Gen Z phải đưa ra cho mình phương pháp đầu tư cho bản thân. Đồng thời, các bạn cũng cần phải quản trị rủi ro của tài sản đầu tư, ví dụ như trong mỗi kênh đầu tư có dạng hình thức quan trị khác nhau.

“Đặc biệt là trong giai đoạn đầu khi mới tham gia thị trường đầu tư, không nên sử dụng đòn bẩy cao. Gen Z cần có thời gian sử dụng phép thử sai để khi đủ độ chín thì mới gia tăng hơn trong việc đầu tư”, Giám đốc Yuanata nhấn mạnh.

Cuối cùng là cần nắm rõ được cách phân bổ tài sản, không nhất thiết đầu tư trên thị trường chứng khoán mà còn đầu tư những kênh khác để giảm thiểu rủi ro.

“Chúng ta không all in vào một rổ duy nhất mà chúng ta nên phân tán tài sản đó ra, đây cũng là cách quản trị rủi ro cũng như phân tán được tài sản rủi ro của mình”, ông Minh chia sẻ.

Thanh Loan

Tin khác