Đầu tư ít, lợi nhuận cao từ 'đặc sản' dân dã
Phần lớn đất nông nghiệp trên địa bàn huyện Hòa Vang đã được giao cho người dân đưa vào sản xuất, chủ yếu trồng lúa, hoa màu. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, tác động của môi trường, thiên tai, ảnh hưởng bởi các dự án dẫn đến thiếu nước tưới, trũng ngập hoặc bạc màu…, nên nhiều diện tích đất nông nghiệp bị bỏ hoang, không sản xuất được.
Trước thực trạng này, vài năm gần đây, huyện Hòa Vang tổ chức khảo sát các diện tích đất hoang hóa và phát động phong trào khôi phục đất nông nghiệp bỏ hoang trên địa bàn huyện. Trong đó, thử nghiệm chuyển đổi cây trồng, vật nuôi trên các diện tích đất hoang đã được khảo sát có thể khôi phục. Theo đó, mô hình nuôi ốc bươu đen ở khu vực thấp trũng được người dân quan tâm, đầu tư và khá thành công.
Năm 2023, anh Nguyễn Tài (trú thôn Bắc An, xã Hòa Tiến) cải tạo gần 1.000m2 đất trồng lúa hiệu quả thấp chuyển qua nuôi ốc bươu đen. Ban đầu chưa có kinh nghiệm, ốc nuôi chậm lớn, năng suất thấp. Không vì vậy mà nản chí, anh Tài tiếp tục tìm hiểu thực tế, mày mò học hỏi các mô hình nuôi ốc hiệu quả ở Quảng Nam và các tỉnh miền Tây. Sau quá trình bền bỉ nghiên cứu, anh Nguyễn Tài thay đổi cách làm bằng cách thiết kế các khu hồ nuôi ốc bươu giống, ốc thương phẩm. Anh cho biết, ốc bươu đen dễ nuôi, nguồn thức ăn tự nhiên sẵn có tại vườn như cỏ, rau, bèo… có thể giúp ốc bươu đen phát triển mạnh, tiết kiệm được chi phí, làm sạch nguồn nước.
Thời gian từ khi nuôi đến khi xuất bán khoảng 4 tháng, một năm làm 2 vụ, giá bán 1 kg ốc khoảng 80.000 - 90.000 đồng, đầu ra đã có sẵn, nên khá ổn định. “So với làm lúa thì nuôi ốc bươu đen có lợi nhuận cao gấp 3 đến 4 lần, hiệu quả hơn. Khu đất này trước đây bạc màu, không làm lúa được nên mình đã chuyển qua nuôi ốc bươu đen. Ban đầu mình học hỏi từ các mô hình nuôi ốc thành công ở các địa phương bạn, sau đó được Trung tâm Khuyến ngư - nông- lâm TP Đà Nẵng hỗ trợ kỹ thuật. Nuôi ốc không mất thời gian chăm sóc nhiều mà hiệu quả kinh tế lại cao”- anh Nguyễn Tài chia sẻ thêm.
Từ mô hình thiết thực, nhiều nông dân “chân lấm, tay bùn” đã giúp nhau vượt khó, cải thiện cuộc sống. Ông Nguyễn Văn Trình cùng những hội viên nông dân ở xã Hòa Tiến góp vốn thành lập Tổ hội nuôi ốc bươu đen trên diện tích gần 6.000m2. Theo ông Trình: “Mô hình nuôi ốc bươu đen của người dân ở huyện Hòa Vang đã phát triển được 2 năm. Hội Nông dân huyện Hòa Vang tư vấn, hỗ trợ, đào tạo về kỹ thuật nuôi, hỗ trợ con giống cho nông dân. Cùng với đó là hỗ trợ vốn từ nguồn Quỹ hội cũng như qua kênh Ngân hàng Chính sách xã hội cho hội viên vay phát triển kinh tế. Chúng tôi tiếp tục vận động nông dân xây dựng các mô hình kinh tế, như nuôi ốc bươu đen, nuôi cá, trồng sen để mang lại nguồn thu nhập cho người nông dân”.
Ông Nguyễn Ái - Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hòa Vang cho biết, nhiều hộ nông dân tại địa phương đã nhân rộng mô hình nuôi ốc, thu nhập cao. Địa phương tạo điều kiện, hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế, tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi đầu tư mở rộng nuôi ốc và nuôi cá nước ngọt.
Thành công bước đầu từ mô hình nuôi ốc bươu đen của nông dân huyện Hòa Vang không chỉ mang lại nguồn thu nhập ổn định cho hội viên mà còn là hướng đi mới, tạo động lực khuyến khích nông dân triển khai các mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp, vươn lên làm giàu.
Ông Nguyễn Hữu Thiết - Chủ tịch Hội Nông dân TP Đà Nẵng cho biết, ốc bươu đen được thị trường ưa chuộng, giúp nhiều hộ nông dân vươn lên thoát nghèo, cải thiện cuộc sống, có hộ làm giàu. “Hội ưu tiên nguồn vốn cho các Dự án phát triển nông nghiệp, đặc biệt các dự án mới hiện nay đang khởi sắc về mô hình chăn nuôi. Đặc biệt, bà con đã tận dụng đất không sản xuất được, cải tạo để nuôi ốc bươu đen. Mô hình này ban đầu cho hiệu quả kinh tế, hướng đi bền vững lâu dài. Trong thời gian đến, chúng tôi vận động nhiều hộ nông dân, đặc biệt hội viên nông dân địa bàn huyện Hòa Vang tiếp tục đầu tư cho mô hình nuôi ốc bươu đen này.”- Chủ tịch Hội Nông dân thành phố thông tin thêm.
Được biết, nhiều năm nay, Hội Nông dân TP Đà Nẵng phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tập huấn về kỹ thuật nuôi, hỗ trợ vốn vay ưu đãi giúp bà con đầu tư mở rộng mô hình nuôi ốc. Hội Nông dân thành phố còn tín chấp với Ngân hàng Chính sách và xã hội, Quỹ hỗ trợ nông dân giúp hơn 1.000 hộ vay hơn 1.800 tỷ đồng đầu tư phát triển sản xuất với các mô hình như nuôi ốc, nuôi cá diêu hồng, cá dìa, trồng hoa súng…
Thanh Hoa