Đào tạo kinh doanh thương mại điện tử sản phẩm sơn mài truyền thống
Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện hóa mục tiêu nâng cao quyền năng phụ nữ thông qua tận dụng sức mạnh công nghệ và số hóa, Công ty TNHH Nước Giải Khát Coca-Cola Việt Nam phối hợp cùng Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Duyên Thái, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội, triển khai dự án “Đào Tạo Kinh Doanh Thương Mại Điện Tử Cho Sản Phẩm Sơn Mài Truyền Thống Dành Cho Phụ Nữ Duyên Thái”. Dự án là một sáng kiến được triển khai tại Trung tâm hỗ trợ cộng đồng EKOCENTER do Công ty Coca-Cola Việt Nam khởi xướng nhằm mục tiêu nâng cao nhận diện các sản phẩm sơn mài truyền thống của làng nghề Duyên Thái, giúp tăng doanh số bán hàng thông qua thương mại điện tử (TMĐT), đồng thời cải thiện phúc lợi cho người dân địa phương, đặc biệt là phụ nữ. Đây là một phần trong cam kết lâu dài của Công ty Coca-Cola Việt Nam trong việc hỗ trợ phát triển cộng đồng và thúc đẩy kinh tế bền vững tại Việt Nam.
Buổi lễ khai mạc của dự án được tổ chức tại EKOCENTER Hà Nội với sự tham gia của hơn 120 học viên, gồm các hộ kinh doanh, nữ nghệ nhân sơn mài, và đại diện chính quyền địa phương.
Phát biểu tại buổi lễ phát động, bà Nguyễn Lan Hương, Giám đốc Toàn quốc Tương tác Chiến lược - Đối ngoại, Truyền thông, Phát triển bền vững Công ty Coca-Cola Việt Nam, cho biết: “Năm 2024 đánh dấu tròn 30 năm Coca-Cola có mặt tại thị trường Việt Nam, cũng là 30 năm chúng tôi đồng hành với sự phát triển bền vững của cộng đồng địa phương, nơi chúng tôi gọi là “nhà”. Dự án năm nay được thiết kế theo chuỗi các buổi đào tạo, kiến tập, nội dung từ cơ bản đến chuyên sâu, áp dụng phương pháp đào tạo gắn liền với thực hành, có sự tương tác liên tục giữa các chị em học viên với các giảng viên và chuyên gia. Công ty Coca-Cola Việt Nam đặt mục tiêu giúp các chị em Hội viên Hội Phụ nữ và các cơ sở sản xuất kinh doanh xã Duyên Thái có thể hệ thống hóa những kiến thức chuyên sâu về thương mại điện tử và thực sự áp dụng vào công việc kinh doanh sản phẩm sơn mài truyền thống của địa phương.”
Theo kết quả khảo sát thực trạng ứng dụng TMĐT tại thôn Hạ Thái vào giữa tháng 10/2024 cho thấy, các chủ hộ sản xuất kinh doanh và doanh nghiệp tại địa phương đều nhận thức và nêu được lợi ích của việc áp dụng TMĐT đối với cơ sở kinh doanh của mình. Trong đó lợi ích về tiếp cận thị trường rộng chiếm 67%; các lợi ích khác được nhận biết như tăng khả năng cạnh tranh, giảm chi phí vận hành, dễ dàng thu thập và phân tích dữ liệu, tối ưu hóa quy trình bán hàng. Tuy nhiên, có chưa đến 10% hộ kinh doanh bán hàng thông qua TMĐT, còn lại vẫn dựa vào phương pháp truyền thống. Có đến 93% hộ chưa tham gia bất kì khóa đào tạo về chuyển đổi số hay TMĐT.
Với thực tế đó và tiếp nối thành công của những chương trình tập huấn kỹ năng kinh doanh Thương mại điện tử đã được Công ty Coca-Cola Việt Nam tổ chức trước đó, dự án đào tạo mang ý nghĩa thiết thực này bao gồm 3 hoạt động chính diễn ra trong 3 tháng: Lễ phát động “Dự án đào tạo kinh doanh thương mại điện tử sản phẩm sơn mài truyền thống cho phụ nữ Duyên Thái”; Chương trình Kiến tập đào tạo đầu tiên, Chương trình Kiến tập đào tạo chuyên sâu; Lễ bế mạc và Báo cáo tác động của Dự án. Đây là bước đi quan trọng góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của các làng nghề tại Việt Nam.
Dự án sử dụng phương pháp tiếp cận đi sâu vào thực tế, bao gồm khảo sát đánh giá thực trạng, phân tích từng tiến trình để đánh giá tác động sau dự án, đặt nền móng cho việc mở rộng thí điểm trong tương lai. Trong thời gian đào tạo, sẽ tiến hành phương pháp kiến tập thực tiễn bao gồm hỗ trợ kỹ thuật tại chỗ, giao bài tập, thảo luận sau đào tạo để giúp người học nắm vững kiến thức và tự tin thực hành TMĐT. Điểm đặc biệt của Dự án là học viên được kết hợp học kiến thức mới và ôn lại nội dung chính về e-commerce đã được Công ty Coca-Cola Việt Nam phối hợp đào tạo những đợt trước như Chương trình tập huấn về kỹ năng thương mại điện tử dành cho phụ nữ khởi sự kinh doanh, tập huấn kỹ năng thương mại điện tử cho các cơ sở thủ công mỹ nghệ trên địa bàn huyện Thường Tín và xã Duyên Thái.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hoa, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Duyên Thái, chia sẻ: “Dự án đào tạo thương mại điện tử cho sản phẩm sơn mài truyền thống mà Công ty Coca-Cola Việt Nam phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ xã rất có ý nghĩa với Duyên Thái. Qua đó, chúng tôi mong muốn chị em phụ nữ nói riêng và các cơ sở sản xuất kinh doanh sơn mài của Duyên Thái nói chung sẽ có thể áp dụng thương mại điện tử vào hoạt động kinh doanh của mình, giúp giới thiệu sản phẩm sơn mài đến được với nhiều địa phương, thu hút được nhiều đơn hàng cả trong nước và quốc tế, phát triển kinh tế gia đình và cộng đồng. Hi vọng trong thời gian tới, Công ty Coca-Cola Việt Nam sẽ tiếp tục có những chương trình hỗ trợ cho Duyên Thái, bao gồm phát triển du lịch làng nghề theo tuyến du lịch di sản Nam Hà Nội mà Duyên Thái là trung tâm.”
Đặc biệt, nhân dịp này, Công ty Coca-Cola Việt Nam cũng trao quà cho 10 hội viên có hoàn cảnh khó khăn và 10 hội viên khuyết tật thuộc Hội Phụ nữ Duyên Thái, nhằm hỗ trợ họ trong cuộc sống và phát triển kinh tế.
EKOCENTER là một sáng kiến hỗ trợ cộng đồng được Công ty Coca-Cola triển khai theo mô hình liên kết 3 bên gồm doanh nghiệp – chính quyền địa phương – tổ chức phi chính phủ, nhằm mục đích nâng cao năng lực cho cộng đồng, qua đó phát triển các hoạt động tạo nên giá trị kinh tế bền vững. Ra mắt tại Việt Nam từ đầu năm 2015, Công ty Coca-Cola Việt Nam hiện đang phối hợp cùng các đối tác địa phương vận hành 7 EKOCENTER tại nhiều tỉnh thành khắp ba miền Bắc, Trung và Nam, góp phần mang lại những thay đổi tích cực cho cộng đồng địa phương.
PV