1. Kinh doanh

Đảm bảo tính bền vững trong phát triển du lịch tình nguyện

Du lịch tình nguyện là những chuyến du lịch kết hợp giữa mục đích nghỉ ngơi tham quan, tìm hiểu văn hóa với một số các hoạt động từ thiện, tình nguyện như đóng góp tiền, sức lao động trong việc cải tạo, xây dựng các các công trình xã hội (điện, đường, trường, trạm).

Tuy vậy, xu hướng phát triển của các tour du lịch tình nguyện hiện nay không chỉ dừng ở việc trao tặng quà hay những khoản tiền, kinh phí hỗ trợ người dân, mà còn truyền đạt, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm cho bà con về cách làm du lịch, chung tay cùng bà con xây dựng các mô hình du lịch mới tại chính mảnh đất nơi bà con đang sinh sống và làm việc. Từ đó, người dân và cộng đồng có thêm sinh kế mới để cải thiện đời sống kinh tế - xã hội, gia tăng nguồn thu nhập thông qua hoạt động du lịch.

Người trẻ mong muốn tạo ra giá trị tích cực cho những nơi mình đặt chân tới - Ảnh: V.E.O

Các tour du lịch tình nguyện chủ yếu hướng tới các đối tượng là học sinh, sinh viên - những người có nhu cầu du lịch, khám phá những vùng đất mới, đồng thời mong muốn góp sức mình tạo ra những thay đổi tích cực tại nơi mình đi qua.

Du khách chính là những tình nguyện viên, họ cùng ăn, ở, sinh hoạt tại nhà của đồng bào, trải nghiệm những nét văn hóa đặc sắc của mỗi vùng, miền, địa phương, trực tiếp giúp đỡ người dân cải tạo, tân trang nhà cửa, cảnh quan, chia sẻ các cách làm, mô hình hay để khai thác tiềm năng du lịch tại các điểm dự án.

Đồng thời, chính các tình nguyện viên cũng đóng vai trò lan tỏa hình ảnh, câu chuyện về điểm dự án nhằm quảng bá hoạt động du lịch, hỗ trợ đưa các điểm dự án lên bản đồ du lịch nước nhà.

Mang đến cho đồng bào "chiếc cần câu" để họ tự tin phát triển du lịch tại chính quê nhà

Ông Nhữ Ngọc Thịnh - quản lý vận hành tại V.E.O - Volunteer for Education, một trong những đơn vị tiên phong trong cung cấp các sản phẩm du lịch tình nguyện tại Việt Nam cho biết, quá trình thuyết phục người dân ở mỗi điểm dự án phụ thuộc vào nhu cầu và tâm thế muốn thay đổi của người dân, không phải lúc nào quá trình này cũng diễn ra suôn sẻ.

Sau khi thuyết phục thành công bà con tham gia phát triển du lịch, khó tránh khỏi những thiếu sót do bà con chưa từng có kinh nghiệm làm dịch vụ, khi ấy đội ngũ tình nguyện viên luôn đồng hành cùng bà con để tháo gỡ và giải quyết những khó khăn ấy.

Song, đôi khi không phải cứ hướng dẫn, góp ý là người dân sẽ chấp nhận thay đổi mà đó còn là một hành trình dài nhằm định hình tư tưởng, trang bị kiến thức, từ thái độ tiếp đón du khách cho tới chuẩn bị nơi ở, cách nấu ăn, phục vụ.

Sự giúp đỡ không chỉ trong đôi lần ghé thăm mà còn là sự quan tâm, đồng hành lâu dài từ khi căn nhà chỉ là nơi để ở, khoảng vườn là chỗ chăn nuôi, trồng trọt cho đến khi không gian ấy trở thành một địa điểm lưu trú, du lịch mà bà con có thể gia tăng thu nhập từ đó.

Câu chuyện tình nguyện đã không chỉ còn "cho con cá" mà đã mang đến cho đồng bào "chiếc cần câu" để họ tự tin phát triển du lịch tại chính quê nhà, gìn giữ nét văn hóa đặc sắc của dân tộc và tạo ra nguồn thu nhập chính đáng.

Hiệu quả của những mô hình này không dễ nhận thấy qua tuần, qua tháng mà cần quãng thời gian dài, trung bình một mô hình mất từ 1 - 2 năm để chứng minh tính hiệu quả của nó. Do vậy, đây là hành trình dài, nhiều gian nan, cần sự quan tâm, vào cuộc của chính quyền địa phương, quyết tâm thoát nghèo của đồng bào và sự chung tay giúp đỡ của các doanh nghiệp, đơn vị lữ hành.

Cần nhiều thời gian để bà con tự tin vận hành và phát triển mô hình du lịch của riêng mình - Ảnh: V.E.O

Thôn Lô Lô Chải (xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang) là một trong những điểm dự án tiêu biểu được "lột xác" từ sự phối kết hợp của chính quyền địa phương, người dân và các tour du lịch tình nguyện.

Theo chia sẻ từ đại diện V.E.O, thời gian trước, khi đặt chân tới Hà Giang, du khách thường chỉ nghĩ tới tham quan và lưu trú tại Đồng Văn do nơi đây đã phát triển các hoạt động du lịch từ sớm, trong khi đó, Lô Lô Chải chưa làm du lịch, bà con vẫn sống dựa vào nông nghiệp, chăn nuôi, hiệu quả kinh tế kém. Sau quyết tâm của chính quyền địa phương, người dân và doanh nghiệp, Lô Lô Chải đã "khoác áo mới" với cơ sở hạ tầng phát triển, nhận được sự quan tâm nhiều hơn từ du khách, song vẫn giữ nguyên vẹn kiến trúc và những nét đẹp văn hóa từ nhiều đời của người Lô Lô.

Hiện nay, phần lớn các ngôi nhà ở Lô Lô Chải đều được tận dụng trở thành homestay với đầy đủ các tiện nghi như nhà vệ sinh, bàn trà, không gian sinh hoạt chung được bố trí hợp vệ sinh, vừa đáp ứng nhu cầu của du khách, vừa gìn giữ lối kiến trúc đặc trưng của dân tộc. Kể từ sau khi chuyển đổi phương thức làm kinh tế, từ một thôn thuần nông nay đã trở thành điểm đến thu hút du khách, bộ mặt nông thôn thay đổi tích cực hơn, đồng bào đã thoát nghèo bằng chính công sức và năng lực của mình.

Nên xây dựng "văn hóa du lịch tình nguyện"

Ngày 18/5/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 82/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững. Để ngành Du lịch phát triển trọng tâm, trọng điểm, Nghị quyết nhấn mạnh phương châm "Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện, đơn giản - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh sạch, đẹp - Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện".

Trong đó, yếu tố "Môi trường vệ sinh sạch, đẹp" luôn được chú trọng hàng đầu, đặc biệt tại các điểm du lịch có cảnh quan thiên nhiên đặc sắc.

Để giữ chân du khách, cần làm tốt công tác duy tu, bảo vệ cảnh quan, môi trường - Ảnh: V.E.O

Du lịch tình nguyện được tổ chức với nhiều hoạt động trải nghiệm thực tế tại địa phương do các tình nguyện viên thực hiện, như hỗ trợ người dân cải tạo nhà cửa, xây dựng các cơ sở hạ tầng cần thiết... Do đó, việc đảm bảo những hoạt động này gắn liền với việc bảo vệ môi trường và cảnh quan thiên nhiên là vô cùng quan trọng.

Các địa điểm du lịch được giữ gìn và phát triển hợp lý sẽ thu hút nhiều du khách hơn, tạo ra nguồn thu nhập ổn định cho cộng đồng địa phương, vừa nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, vừa tạo ra một mô hình du lịch bền vững, có lợi cho cả người dân địa phương và du khách.

TS. Trương Sỹ Vinh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch cho rằng, hoạt động du lịch tình nguyện không chỉ đơn thuần là hỗ trợ cộng đồng về mặt vật chất, mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của người dân, tạo điều kiện và động lực cho cộng đồng địa phương tham gia phát triển du lịch. Du lịch tình nguyện còn góp phần khai thác tài nguyên tự nhiên một cách hợp lý, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống và hỗ trợ sinh kế của người dân.

TS. Trương Sỹ Vinh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch.

Để du lịch tình nguyện phát huy đúng vai trò, mục đích của nó thì những người tham gia cần hiểu rõ trách nhiệm và vai trò của mình đối với cộng đồng, phải được trang bị những kĩ năng nhất định nhằm thực hiện tốt các mục tiêu đề ra trong chuyến đi, đặc biệt là những mục tiêu và nguyên tắc phát triển du lịch bền vững.

"Chúng ta nên xây dựng văn hóa du lịch tình nguyện nhằm khuyến khích các hoạt động du lịch trải nghiệm kết hợp với làm tình nguyện, nhất là đối với lớp trẻ nhằm tăng cường tính giáo dục của hoạt động du lịch, góp phần hình thành nhân cách sống tích cực và quan điểm nhân văn của thế hệ tương lai, hơn cả là đem lại những lợi ích to lớn đối với môi trường và cộng đồng địa phương", TS. Trương Sỹ Vinh nói thêm./.

Anh Tuấn - Quang Hợp

Tin khác