1. Kinh doanh

Đặc sản Cao Phong giúp nhiều người nông dân trở thành tỷ phú

Những tỷ phú chân lấm tay bùn

Cao Phong là huyện miền núi của tỉnh Hòa Bình, giáp với huyện Kim Bôi. Được biết đến là một trong những vựa cam lớn nhất miền Bắc. Hiện nay, diện tích trồng cam của huyện Cao Phong tập trung nhiều nhất quanh thị trấn Cao Phong và xã Tây Phong, bao gồm cam Canh, cam lòng vàng, cam ruột đỏ, cam V2, cam Xã Đoài...

Quả cam Cao Phong có mẫu mã đẹp, mọng nước, vị ngọt thanh mát đặc trưng, và được chồng theo tiêu chuẩn VietGap khiến người tiêu dùng rất tin dùng, ưa chuộng. Giống cam này đã giúp cho mảnh đất Cao Phong từ chỗ chỉ là một huyện miền núi thuần nông trở thành một điển hình thành công trong việc phát triển cây trồng có múi của cả nước.

Huyện Cao Phong từ một huyện miền núi thuần nông trở thành một điển hình trong việc phát triển cây trồng có múi của cả nước.

Chạy dọc tuyến đường QL6 đoạn qua thị trấn Cao Phong, PV Báo Giao thông men theo con đường bê tông quanh co dẫn vào những vườn cam để gặp những người nông dân tỷ phú.

Khi này, ông Nguyễn Quang Tâm (60 tuổi) vẫn đang hì hục sửa máy bơm cho vườn cam rộng hơn 1.2ha của mình. Nhìn ông Tâm vạt áo đã ướt đẫm mồ hôi, chân tay dính đầy bùn đất, không ai nghĩ rằng gia đình ông thu nhập tới 600 - 700 triệu đồng một năm.

Vừa chỉnh sửa máy bơm và hướng dẫn công nhân phun thuốc bảo vệ thực vật sinh học, vừa trò chuyện với PV, ông Tâm chia sẻ về "nỗi khổ" của nghề làm nông: "Thi thoảng máy móc gặp trục trặc, chúng tôi cũng rất vất vả. Diện tích trồng cam lớn đòi hỏi máy móc phải hoạt động liên tục.

Tuy nhiên, khi thấy những chùm cam sai trĩu cành, chúng tôi lại phấn khởi và có động lực hơn. Đến khoảng giữa tháng 11 năm nay, vườn nhà tôi ước tính thu hoạch được khoảng 25 tấn, giá trung bình dao động khoảng 30.000 đồng một cân, tổng thu cũng khoảng 700 triệu đồng.

Ông Nguyễn Quang Tâm hồ hởi chia sẻ về quy trình chăm sóc vườn cam của mình.

Những cây cam này đã có tuổi đời khoảng 12 năm, trước đây, khi chúng tôi chưa chồng cam, chúng tôi phải mưu sinh đủ nghề. Đến thời điểm hiện tại, dù khá vất vả trong công đoạn chăm sóc, tuy nhiên những cây cam đem lại cho chúng tôi những "trái ngọt" - một nghề ổn định và lâu dài".

Theo ông Tâm, đã từng có những thời điểm cam Cao Phong trị giá lên tới 80.000 đồng/kg, có những năm gia đình thu nhập lên tới hàng tỷ đồng.

Diện tích vườn cam của ông Tâm trước đây rơi vào khoảng 5ha, tuy nhiên giai đoạn 2018 - 2022 cũng là thời điểm hết chu kỳ khai thác của nhiều diện tích cam được trồng trong thời điểm từ năm 2008 - 2013. Để tiếp tục trồng cam, những diện tích hết chu kỳ khai thác buộc phải luân canh, cải tạo đất, hiện các diện tích trống ông Tâm trồng chuối.

"Mỗi cây chuối tôi chồng cách nhau khoảng 4m để trồng cam xen kẽ, do chuối là một loại cây giữ nước rất tốt, khiến đất tơi xốp, và có độ ẩm cao. Các cây giống cam hiện đang chuẩn bị được đưa về vườn để phủ kín diện tích vườn.

Đến khi tôi thu hoạch cam được thì chuối tôi cũng đã thu hoạch được mấy vụ. Nếu chuối được giá như năm nay, có khi tôi lại thành triệu phú "chuối" cũng nên", ông Tâm phấn khởi chia sẻ.

Ông Trần Quang Thắng, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Cao Phong, cho biết: "Hiện nay hàng trăm hộ dân Cao Phong có thu nhập từ hàng trăm triệu đồng/năm.

Tại địa bàn thị trấn có khoảng gần 300 ô tô các loại. Có thể nói, cây cam là nguồn thu nhập chính đối với nhiều gia đình, và nhiều gia đình trên địa bàn thị trấn đổi đời nhờ có cây cam".

Du lịch sinh thái gắn với trồng cây ăn quả

Theo ông Bùi Văn Dán, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cao Phong, thực ra thương hiệu cam Cao Phong đã có mặt tại vùng đất này từ rất lâu về trước.

Cây cam đã được trồng trên mảnh đất Cao Phong từ những năm 1960, đến những năm 1980 cam Cao Phong được xuất khẩu sang Liên Xô và các nước Ðông Âu.

Tuy nhiên khi đất nước chuyển đổi sang cơ chế thị trường, thương hiệu cam Cao Phong mất dần do sự chậm chạp trong chuyển đổi mô hình sản xuất. Khoảng hơn chục năm nay, thương hiệu cam dần trở lại do chính quyền và người dân đồng lòng xây dựng thương hiệu cam sạch và phát triển".

Cam Cao Phong đã được xuất khẩu sang nước ngoài từ những năm 1980.

Được biết, tháng 11/2014, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý Cao Phong cho sản phẩm cam của huyện. Đến thời điểm này, cam Cao Phong là sản phẩm đầu tiên và duy nhất của tỉnh Hòa Bình có chứng nhận Chỉ dẫn địa lý, được bảo hộ tại Liên minh châu Âu.

Theo ông Dán, nhiều người dân thập phương hiện không chỉ đến trực tiếp huyện Cao Phong để mua cam, mà còn trải nghiệm du lịch sinh thái, hái cam tại vườn.

"Từ năm 2016, huyện thí điểm mô hình du lịch vườn cam. Mặc dù mới thực hiện, các nhà vườn chưa có nhiều kinh nghiệm làm du lịch, thế nhưng vẻ đẹp thiên nhiên và sự nồng nhiệt của những người nông dân đã giúp dịch vụ này thu hút được đông đảo du khách thăm quan. Bên cạnh đó, các nhà vườn cũng đồng tình ủng hộ, vì thông qua hoạt động này có thể quảng bá, khẳng định chất lượng sản phẩm cam", ông Dán chia sẻ.

Anh Tuấn, một hộ dân có vườn cam rộng khoảng 5ha chia sẻ: "Việc phát triển du lịch xuất phát từ tâm lý muốn trải nghiệm cây ăn quả tại vườn của người dân. Ngoài giới thiệu về quy trình trồng, chăm sóc đảm bảo theo tiêu chuẩn VietGAP, chúng tôi cũng muốn du khách được trải nghiệm cảm giác thích thú khi đi thăm vườn cam, chụp những bức ảnh lưu niệm tại vườn cam chín. Vào vụ cam, trung bình mỗi ngày gia đình đón khoảng 10 đoàn khách".

Du khách trải nghiệm hái quả trực tiếp tại vườn cam Anh Tuấn.

Thương hiệu cam Cao Phong đã được khẳng định chất lượng trong nhiều năm qua và hiện vẫn là một sản phẩm có sức hút trên thị trường. Hiện chính quyền và người dân vẫn đang đồng lòng, tích cực triển khai các biện pháp khai thác tối ưu các giá trị của cây cam hơn nữa, nhằm biến cây nông sản đặc trưng này trở thành một thương hiệu có nhiều sức hút, để ngày càng có nhiều khách du lịch tìm đến với cam Cao Phong hơn nữa.

Đăng Minh

Tin khác