Cựu chiến binh Phạm Thị Sen làm giàu từ cây lúa
Ngắm cánh đồng lúa xanh mướt trải dài, mỗi năm mang lại hiệu quả kinh tế cao và tạo việc làm cho nhiều lao động thời vụ, thay thế hoàn toàn vùng đất chua trũng, bỏ hoang trước kia, có thể thấy rõ nỗ lực và khát vọng nâng cao giá trị ruộng đất tại xã Phương Công, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình của cựu chiến binh Phạm Thị Sen.
Tháng 4-1981, khi vừa tròn 18 tuổi, Phạm Thị Sen tạm biệt gia đình, quê hương lên đường nhập ngũ. Sau 3 tháng huấn luyện tân binh, nữ chiến sĩ ấy được phân công về Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 1, Sư đoàn 334, Binh đoàn 12 đóng ở Lạng Sơn với nhiệm vụ nổ mìn, xẻ núi, bạt đồi để mở đường tàu thông tuyến Bắc - Nam. Đến tháng 4-1984, Phạm Thị Sen xuất ngũ, trở về địa phương. Năm 1985, bà lập gia đình với đồng chí Phạm Văn Hòe là bộ đội cũng vừa xuất ngũ.
Thời điểm ấy, bà phải đối mặt với không ít khó khăn trong việc xây dựng kinh tế gia đình. “Khi lấy chồng, tôi được bố mẹ cho 3 sào ruộng, chưa có nhiều kinh nghiệm nên cứ đến thời vụ là phải chạy vạy vay mượn. Sau mùa gặt, bán lúa xong thì lại dùng tiền đó để trả nợ. Ngoài cấy lúa, tôi làm đủ thứ việc như mò cua, bắt ốc,... Chồng thì đi làm phụ xây, vất vả nhưng thu nhập không cao”, bà Sen nhớ lại.
Tuy nhiên, với bản lĩnh vững vàng, quyết tâm vượt khó đã được tôi rèn trong những năm tháng tại ngũ, bà Sen luôn trăn trở ước mơ làm giàu. Đến năm 2019, nhận thấy tại cánh đồng xóm Đình, thôn Phương Trạch Tây, xã Phương Công, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình, người dân cấy lúa không hiệu quả, phần vì ruộng xôi đỗ, không có người chăm sóc thường xuyên, phần vì dịch hại, chuột cắn phá.
Bà bàn bạc với chồng tính toán việc sản xuất quy mô lớn sẽ cho giá trị cao hơn nên đã đề xuất với xã, đến từng hộ dân, trình bày nguyện vọng thuê lại ruộng. Lãnh đạo xã rất đồng tình, người dân cũng đồng ý cho bà thuê đất. Mọi thủ tục được chính quyền và người dân tạo điều kiện thuận lợi nhất. Kết quả, vợ chồng bà Sen đã vận động hơn 100 hộ dân cho thuê lại ruộng từ vài sào đến chục mẫu, đến nay tổng diện tích tích tụ lên tới 15ha.
Kể từ khi nhận thuê ruộng, bà cùng chồng đã phải bỏ ra nhiều thời gian, công sức để chỉnh trang, phá bờ thửa không cần thiết, cải tạo đồng đều cốt đất, san phẳng mặt ruộng, củng cố lại bờ vùng, xử lý diệt cỏ dại nhằm tạo thuận lợi cho việc đưa cơ giới vào sản xuất, chăm sóc và phòng trừ sâu, bệnh.
Sau khi ruộng cơ bản được khoanh vùng, bà Sen đã mạnh dạn đầu tư hơn 1 tỷ đồng trang bị máy cày, máy gặt, máy làm cỏ, máy phun thuốc sâu... Bà chia sẻ: “Thời điểm đó, bỏ ra hơn 1 tỷ đồng để đầu tư máy móc là một quyết định liều lĩnh, vì số tiền quá lớn đối với gia đình tôi. Nhưng tôi tin rằng, nếu muốn phát triển bền vững và cải thiện năng suất, việc cơ giới hóa là không thể thiếu. Chính vì vậy, tôi quyết tâm dốc toàn lực để đầu tư, mong muốn không chỉ giúp gia đình mà còn thúc đẩy sự phát triển của ruộng đồng quê hương”.
Hiện nay, mô hình tích tụ ruộng đất cấy lúa của bà Sen cho thu nhập từ 1,5 đến gần 2 tỷ đồng mỗi năm, sau khi trừ chi phí cho thu lãi đạt 400 – 500 triệu đồng. Đồng thời, tạo việc làm cho 15 lao động có công ăn việc làm theo thời vụ với mức chi trả 200 nghìn đồng/người/ngày. Bà Bùi Thị Xuân (thôn Phương Trạch Tây, xã Phương Công, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình), một trong những lao động thời vụ tại ruộng lúa của bà Sen, cho biết: “Mỗi khi làm xong việc đồng áng của nhà mình, tôi sang giúp chị Sen cấy lúa, kiếm thêm thu nhập. Trung bình mỗi vụ được 3 - 4 triệu đồng”.
Ông Đặng Văn Tuấn, Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh xã Phương Công đánh giá: “Bà Phạm Thị Sen là một hội viên gương mẫu, điển hình tiên phong trong việc tích tụ ruộng đất để phát triển sản xuất nông nghiệp. Mô hình của bà không chỉ mang lại thu nhập cho gia đình mà còn tạo việc làm cho nhiều hội viên khác. Đây là một tấm gương mà chúng tôi mong muốn nhân rộng để nhiều người học hỏi và làm theo”.
Không chỉ giỏi làm kinh tế, bà Phạm Thị Sen còn tích cực tham gia các hoạt động đoàn thể tại địa phương. Là hội viên Hội Cựu chiến binh, bà thường xuyên trao đổi, học hỏi kinh nghiệm cùng các hội viên khác, đồng thời nhiệt tình đóng góp vào các quỹ do địa phương phát động. Với vai trò Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Phương Trạch Tây, bà luôn hết lòng hỗ trợ chị em trong thôn vươn lên. Bà Sen chia sẻ: “Tôi mong muốn không chỉ mình mà tất cả chị em trong thôn đều có cơ hội phát triển kinh tế. Khi thấy ai gặp khó khăn, tôi sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ vay vốn ngân hàng, hoặc cho mượn máy móc. Những lúc vào mùa vụ, nếu có chị em ốm đau, tôi vận động mọi người giúp cấy lúa hoặc quyên góp bằng vật chất”.
Những năm tháng được rèn luyện trong quân đội đã tạo nên bản lĩnh vững vàng của người lính Bộ đội Cụ Hồ không sợ hy sinh gian khổ, dám nghĩ dám làm, quyết tâm vượt khó, vươn lên làm giàu chính đáng ngay trên mảnh đất quê hương mình. Nhìn lại thành quả của một người phụ nữ đã hơn 60 tuổi, khiến không ít người phải trầm trồ, thán phục. Thành công là thế nhưng bà Sen vẫn ngày ngày chăm bẵm ao cá, ruộng lúa. Người trong thôn, trong xã ít ai thấy người nữ cựu chiến binh này rảnh tay.
Bài, ảnh: HẢI LY