Cùng bạn trẻ các làng SOS bảo vệ môi trường
Đây là một dự án độc đáo, với mục tiêu tập huấn, truyền thông cho những thanh niên thiệt thòi lớn lên từ các làng trẻ SOS về bảo vệ môi trường, hướng tới phát triển bền vững. Dự án được thực hiện từ tháng 11/2023 đến tháng 11/2024 với mục tiêu trao quyền cho thanh niên các làng trẻ SOS giải quyết các vấn đề tại địa phương, phục vụ cho mục tiêu phát triển bền vững. Kinh phí của dự án là khoảng 6.600 euros từ nguồn Sparkfunding.
Thanh niên tại 14 làng trẻ SOS trên khắp Việt Nam sẽ phối hợp cùng các đối tác địa phương, các tổ chức phi chính phủ, và các tổ chức xã hội khác để thực hiện dự án cải thiện chất lượng cuộc sống cho trẻ em và người lớn trong làng trẻ và ngoài cộng đồng.
14 trong số 17 Làng trẻ em SOS tại Việt Nam đã thành lập Hội đồng tự quản thanh niên, làm việc với cán bộ/thanh niên tại địa phương để thực hiện các dự án giải quyết các vấn đề tại cộng đồng, hướng đến 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc (SDGs). Người tham gia dự án được tập huấn về lý thuyết Quyền tham gia của thanh niên, từ đó hỗ trợ thanh niên thành lập các Hội đồng tự quản, tự viết đề xuất dự án và thực hiện dự án đó trong 1 năm.
Tại sao lại là thanh niên làng trẻ SOS? Theo lý giải từ dự án, thanh niên SOS, vốn có mạng lưới xã hội hẹp hơn và ít cơ hội tiếp cận với các nguồn lực bên ngoài, cần được quan tâm và trao cơ hội học hỏi để khai phá tiềm năng, tăng cường sự gắn kết với xã hội, hòa nhập với cộng đồng. Do vậy, việc xây dựng mạng lưới kết nối, học hỏi và trao quyền cho nhóm thanh niên vốn được nhận định là dễ bị tổn thương này sẽ giúp các bạn tự tin hơn và khả năng tự lập cao hơn.
Trong suốt 1 năm qua, 14 dự án của các bạn trẻ tại các làng trẻ SOS tại 14 tỉnh, thành phố ở cả ba miền bắc, trung, nam đã cho thấy sự sáng tạo và thấu hiểu, cũng như trách nhiệm với cộng đồng.
Các dự án tập trung giải quyết vấn đề môi trường thông qua các hoạt động gần gũi với thực tế như tái thiết kế, tái sử dụng thùng rác cũ hoặc thùng phuy/cây tầm vông để làm thành thùng rác hoặc nơi tập kết và phân loại rác thải; sử dụng phế liệu, vải thừa để thiết kế quần áo, tổ chức các show thời trang có lồng ghép chủ đề bình đẳng giới, hoặc làm tranh, búp bê, cặp tóc, các món đồ thủ công từ phế liệu.
Một số dự án xây dựng các điểm đổi rác thải vô cơ (vỏ sữa/chai nhựa) và rác thải hữu cơ lấy quà tặng (sửa hộp/cây/phân hữu cơ); kết hợp với thanh niên và cán bộ địa phương tổ chức kế hoạch truyền thông tại cộng đồng: đạp xe, treo slogan tại các tụ điểm tập trung đông người, chiến dịch "Thả cá không thả rác",...
Có dự án tập trung vào việc xây dựng tài liệu về quyền trẻ em bằng ngôn ngữ và hình ảnh thân thiện với trẻ em thông qua việc tổ chức lớp vẽ và thảo luận về các vấn đề liên quan đến quyền trẻ em (có sự tham gia và cố vấn của chuyên gia về Bảo vệ trẻ em cấp Quốc gia), lựa chọn các chủ đề đầu tiên cần khai thác trong Công ước Liên hợp quốc về Quyền trẻ em để chuyển ngữ và minh họa bằng tranh vẽ, hoàn thiện tranh và đấu giá tranh vẽ kêu gọi tài trợ để xuất bản ấn phẩm/tài liệu về quyền trẻ em có sử dụng ngôn ngữ và hình ảnh minh họa gần gũi với trẻ em.
Kết quả, 504 thanh niên được tập huấn về chủ đề Quyền tham gia của thanh niên và Bảo vệ môi trường; 330 thanh niên trực tiếp tham gia điều phối dự án từ 14 Làng. Trong đó, 1 thanh niên thuộc Hội đồng tự quản Làng Đà Lạt được lựa chọn tham dự Diễn đàn Trẻ em Đông Nam Á lần thứ 8 tại Lào, 1 thanh niên thuộc Hội đồng tự quản Làng Nha Trang có dự án được đề cử gửi cho quỹ Generation Hope - Child & Youth Participation for Solutions in Climate Action do ChildFund Asia Regional Office kết hợp với một số đối tác khác sáng lập.
Trao quyền cho thanh niên, đặc biệt là thanh niên thiệt thòi từ các làng trẻ SOS không chỉ giúp các em thay đổi nhận thức về vấn đề môi trường, có ý thức bảo vệ môi trường hơn, mà còn tạo cho các em sự tự tin và khả năng lập kế hoạch, thực hiện kế hoạch cũng như nhiều kỹ năng cần thiết để vững bước đi tới tương lai hơn. Dự án cũng góp phần giúp các em khẳng định vai trò của mình trong cộng đồng, từ đó giúp chính bản thân các em thay đổi cách nhìn nhận về chính bản thân mình và lan tỏa những hiểu biết, khả năng và tri thức của mình tới mọi người.
NGUYÊN KHÁNH