1. Kinh doanh

Công nhân chưa tiếp cận được thực phẩm xanh

Tại talkshow với chủ đề "Sản xuất, tiêu dùng thực phẩm gắn với phát triển bền vững" do Báo Người Lao Động tổ chức vào sáng 8-11, ông Nguyễn Thái Thành, Phó Chủ tịch Công đoàn các KCX- CN TP HCM, cho biết để tiết kiệm thời gian, chi phí, công nhân chọn thức ăn nhanh hoặc mua các quán lề đường, vỉa hè.

Tại talkshow với chủ đề "Sản xuất, tiêu dùng thực phẩm gắn với phát triển bền vững" do Báo Người Lao Động tổ chức vào sáng 8-11

Theo ông Thành, CN không có nhiều thời gian, họ có 6 đến 7 ngày trong tuần làm việc, chưa kể thời gian tăng ca. Mỗi sáng hay chiều về, công nhân ghé vội các xe hàng rong bên đường để mua vội thực phẩm về chế biến. Ngày cuối tuần, họ không có điều kiện đi chợ mua thức ăn sơ chế sẵn, trữ cả tuần như nhiều gia đình.

Ông Nguyễn Thái Thành, Phó Chủ tịch Công đoàn các KCX-CN TP HCM, cho hay vì thu nhập thấp và không có thời gian, công nhân thường chọn mua thực phẩm ở các xe bán hàng rong

"Nhiều công nhân cho hay mua thực phẩm ở các xe đẩy do giá rẻ và phù hợp với thu nhập của họ. Một nữ công nhân kể chị rất muốn có những bữa ăn ngon cho cả gia đình nhưng không đủ thời gian và đủ kinh tế. Đây là điều thiệt thòi cho công nhân hiện nay"- ông Thành nói.

Phó Tổng Biên tập Báo Người Lao Động Dương Quang (phải) tặng hoa cho ông Nguyễn Hữu Tường Quân - Bộ phận PR, Công ty CP Acecook Việt Nam

Còn tại doanh nghiệp, qua khảo sát của Công đoàn các KCX-CN TP, bữa ăn giữa ca của công nhân hiện nay chia 3 mức: dưới 25.000 đồng suất (chiếm đa số), từ 25.000 đến 35.000 đồng/suất và trên 35.000 đồng/suất (chiếm số ít). Công nhân chỉ có 60 phút để ăn và nghỉ ngơi nên họ thường ăn vội vã, không có thời gian tiêu hóa. Bữa ăn giữa ca hiện nay cũng chưa phong phú vì bữa ăn công nghiệp nên các món ăn lặp đi lặp lại.

Một thực tế nữa là công nhân "mù tịt" nơi cung cấp thực phẩm cho bữa ăn của doanh nghiệp nên phó mặc cho sự may rủi.

Ông Dương Quang, Phó Tổng Biên tập Báo Người Lao Động (bìa phải), tặng hoa cho 2 khách mời

Chương trình này nhận được sự đồng hành của Công ty CP Acecook Việt Nam. Cũng là khách mời của chương trình, TS Đỗ Việt Hà, chuyên gia về Công nghệ thực phẩm, Phó chủ tịch Hội hóa học TP HCM, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị TP HCM, cho hay xu hướng chung của thế giới là phát triển sạch, xanh và phát triển bền vững.

Đây là xu hướng không thể thay đổi trong thời đại văn minh. Trong quá trình sản xuất đòi hỏi sự đầu tư nhiều, kỹ thuật cao hơn. Để làm được điều đó, chuỗi sản xuất từ nguyên liệu đến quá trình sản xuất phải sạch, an toàn để người tiêu dùng được thừa hưởng các giá trị dinh dưỡng của thực phẩm. Đó cũng là cam kết của Việt Nam với thế giới.

TS Đỗ Việt Hà khẳng định người tiêu dùng Việt Nam hoàn toàn có khả năng sử dụng thực phẩm xanh

Việt Nam đã trao đổi, học hỏi công nghệ thông minh của các nước để kiểm soát được dịch bệnh, các loại sâu, ít sử dụng thuốc trừ sâu, trị bệnh trong quá trình trồng trọt. Một số nhà sản xuất của Việt Nam đã sử dụng rau, thực phẩm an toàn cho quá trình sản xuất. Ứng dụng công nghệ cao trong chế biến ít phát thải các chất thải không mong muốn ra môi trường.

TS Đỗ Việt Hà cho hay công nghệ phát triển giúp kiểm soát chất lượng nuôi trồng tốt hơn, người thu nhập thấp có cơ hội sử dụng thực phẩm sạch nhiều hơn

Bên cạnh đó, các nhà sản xuất cũng sử dụng bao bì phân hủy nhanh hơn, góp phần bảo vệ môi trường.

TS Đỗ Việt Hà khẳng định: "Chúng ta hoàn toàn có thể tổ chức sản xuất bằng công nghệ thông minh, kiểm soát được chất lượng, bảo vệ được sức khỏe người tiêu dùng, bảo vệ môi trường và đặc biệt là làm thực phẩm giá rẻ, tạo cơ hội cho người có thu nhập thấp cũng được tiêu dùng thực phẩm xanh, sạch".

Hồng Đào. Ảnh: Tấn Thạnh

Tin khác