1. Kinh doanh

Công bố Top 500 Nhà tuyển dụng hàng đầu Việt Nam (VBE500) năm 2024

Tuy nhiên, nghịch lý vẫn tồn tại khi nhiều người lao động thất nghiệp nhưng doanh nghiệp lại khó tìm lao động chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu kỹ năng lãnh đạo và kỹ năng số ngày càng tăng. Cùng với sự phát triển của công nghệ, yêu cầu về kỹ năng lãnh đạo và kỹ năng số cũng trở thành những tiêu chí tuyển dụng hàng đầu của các doanh nghiệp.

Chương trình Top 500 Nhà tuyển dụng hàng đầu Việt Nam, do Viet Research và Báo Đầu tư tổ chức, đã thành công qua hai năm, khẳng định uy tín trong việc kết nối doanh nghiệp và người lao động. Chương trình không chỉ nhằm vinh danh những doanh nghiệp có đóng góp lớn trong việc xây dựng môi trường làm việc chuyên nghiệp, tích cực và sáng tạo, mà còn khuyến khích các doanh nghiệp khác không ngừng cải tiến để bắt kịp xu hướng mới về tuyển dụng và quản lý nhân sự. Việc xuất hiện trong danh sách Top 500 Nhà tuyển dụng hàng đầu Việt Nam 2024 (VBE500) không chỉ là sự công nhận cho những nỗ lực của doanh nghiệp, mà còn là minh chứng cho uy tín và sức hấp dẫn của các doanh nghiệp đối với nhân tài trong và ngoài nước.

Danh sách các doanh nghiệp trong Bảng xếp hạng VBE500 được đăng tải trên Cổng thông tin của Chương trình: https://bestemployer.vn/

Cũng trong khuôn khổ Chương trình nghiên cứu các doanh nghiệp trên toàn quốc, Viet Research đã công bố Top 10 Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2024 (VBW10). Danh sách này vinh danh những doanh nghiệp tiêu biểu thuộc các ngành kinh tế trọng điểm như: Ngân hàng, Dịch vụ tài chính chứng khoán, Bảo hiểm, Bán lẻ, Công nghệ thông tin - Viễn thông, Du lịch, Dược - Thiết bị y tế, Thực phẩm - Đồ uống, Logistics, Bất động sản - Xây dựng, Năng lượng, Chế biến - Chế tạo, Nông nghiệp công nghệ cao.

Danh sách đầy đủ VBW10 và phương pháp nghiên cứu được đăng tải trên Cổng thông tin của Chương trình: https://vbw10.vn/

Nguồn: Chương trình VBE500 – Top 500 Nhà tuyển dụng hàng đầu Việt Nam 2024

Nguồn: Kết quả khảo sát và nghiên cứu các doanh nghiệp VBE500 năm 2024 của Viet Research

Nguồn: Kết quả khảo sát và nghiên cứu các doanh nghiệp VBE500 năm 2024 của Viet Research

Một số phát hiện chính từ khảo sát cộng đồng doanh nghiệp VBE500

Các doanh nghiệp VBE500 năm 2024 được phân loại theo quy mô tổng tài sản, chia thành hai nhóm: trên và dưới 2.000 tỷ đồng, đây đều là các doanh nghiệp có đóng góp quan trọng vào sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam, thể hiện được tính linh hoạt và khả năng tối ưu hóa nguồn nhân lực. Các doanh nghiệp này đã khẳng định vị thế tiên phong trong việc áp dụng các công nghệ mới, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và cam kết phát triển bền vững, qua đó góp phần tạo ra môi trường làm việc hạnh phúc và ngày càng thu hút nhân tài. Dưới đây là các kết quả thống kê về các tiêu chí chính của Bảng xếp hạng VBE500.

1) Về tổng số lao động và thu nhập bình quân

Các doanh nghiệp bảng 1 (quy mô tổng tài sản trên 2.000 tỷ đồng) đang tạo việc làm cho 1,44 triệu lao động với thu nhập bình quân của người lao động đạt 23,4 triệu đồng/người/tháng. Các doanh nghiệp bảng 2 (quy mô tổng tài sản dưới 2.000 tỷ đồng) đang tạo việc làm cho gần 272 nghìn lao động với thu nhập bình quân đạt 19,6 triệu đồng/người/tháng. Tựu trung lại, các doanh nghiệp trong Bảng xếp hạng VBE500 năm 2024 đã tạo việc làm cho hơn 1,7 triệu lao động trên khắp cả nước với thu nhập bình quân đạt gần 22,8 triệu đồng/người/tháng.

2) Về doanh thu và lợi nhuận

Tổng doanh thu của các doanh nghiệp bảng 1 (quy mô tổng tài sản trên 2.000 tỷ đồng) đạt 9,1 triệu tỷ đồng và ghi nhận tổng lợi nhuận đạt 696,7 nghìn tỷ đồng. Tổng doanh thu của các doanh nghiệp bảng 2 (quy mô tổng tài sản dưới 2.000 tỷ đồng) đạt 566 nghìn tỷ đồng và ghi nhận tổng lợi nhuận đạt 24 nghìn tỷ đồng. Những con số này thể hiện vị thế vững chắc của các doanh nghiệp VBE500 trên thị trường, đồng thời cho thấy khả năng sinh lời và tiềm năng mở rộng thị phần còn rất lớn.

3) Về hiệu quả hoạt động: ROA và ROE

Về tổng tài sản, các doanh nghiệp bảng 1 (quy mô tổng tài sản trên 2.000 tỷ đồng) sở hữu tổng cộng 27 triệu tỷ đồng, minh chứng cho khả năng tích lũy tài sản lớn trong nhiều năm. Nhờ lợi thế về quy mô tài sản đã giúp các doanh nghiệp có khả năng tiếp cận các nguồn vốn lớn, mở rộng đầu tư và đa dạng hóa hoạt động kinh doanh. Tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) trung bình đạt 4,83%, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) trung bình đạt 10,99% - phản ánh hiệu quả sử dụng tài sản và vốn chủ sở hữu để sinh lời. Tổng tài sản của các doanh nghiệp bảng 2 (quy mô tổng tài sản dưới 2.000 tỷ đồng) đạt 386 nghìn tỷ đồng. ROA trung bình đạt 6,44%, cùng với ROE trung bình đạt mức cao ấn tượng 25,45%.

Các yếu tố ảnh hưởng đến tuyển dụng nhân sự: Cạnh tranh, kỹ năng và sự phù hợp

Theo khảo sát VBE500, tuyển dụng gặp khó khăn do kéo dài thời gian, ảnh hưởng bởi kỹ năng chuyên môn, cạnh tranh thị trường và chi phí. Khoảng 75,9% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho rằng quá trình tuyển dụng chậm trễ làm tăng chi phí và bỏ lỡ ứng viên tiềm năng. Gần 65,5% phản ánh khó khăn trong thu hút ứng viên có kỹ năng phù hợp, nhất là trong ngành đòi hỏi chuyên môn cao. Cạnh tranh trên kênh tuyển dụng khiến 51,7% doanh nghiệp gặp khó khăn, đòi hỏi phải điều chỉnh chiến lược để duy trì lợi thế. Việc yêu cầu mức lương cao của ứng viên cũng làm quá trình tuyển dụng trở nên thách thức với 48,3% doanh nghiệp.

5 giải pháp nâng cao chất lượng tuyển dụng trong doanh nghiệp

Nguồn: Khảo sát các doanh nghiệp VBE500 năm 2024

Để giải quyết khó khăn tuyển dụng, các doanh nghiệp VBE500 đã áp dụng nhiều giải pháp như đa dạng hóa kênh tuyển dụng, với 93,1% doanh nghiệp đánh giá cao việc sử dụng đa kênh. Tuyển dụng nội bộ cũng là một giải pháp quan trọng, giúp giảm chi phí và tạo động lực cho nhân viên, được 82,7% doanh nghiệp ủng hộ. Công nghệ như trí tuệ nhân tạo và Big Data cũng được 75,8% doanh nghiệp triển khai để tối ưu quy trình tuyển dụng. Duy trì giao tiếp hiệu quả với ứng viên giúp tăng khả năng thu hút và giữ chân nhân tài, được 72,4% doanh nghiệp chú trọng. Cuối cùng, xây dựng thương hiệu tuyển dụng để tăng sức hút, 65,5% doanh nghiệp đầu tư vào hình ảnh uy tín, môi trường làm việc tích cực.

4 xu hướng tuyển dụng và phương thức làm việc trong 3 năm tới

Nguồn: Khảo sát các doanh nghiệp VBE500 năm 2024

Các doanh nghiệp VBE500 nhận thấy bốn xu hướng chính sẽ định hình môi trường làm việc trong tương lai gần. Thứ nhất, tự động hóa và trí tuệ nhân tạo dự kiến sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong quy trình làm việc, giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí và thời gian. Thứ hai, khoa học công nghệ đang ngày càng phát triển, với 87,8% doanh nghiệp kỳ vọng đột phá này sẽ giúp tối ưu quy trình sản xuất và quản lý nhân sự. Thứ ba, làm việc từ xa và linh hoạt đang trở thành xu hướng khi 86,2% doanh nghiệp đánh giá mô hình này giúp cân bằng công việc và cuộc sống cho nhân viên, đồng thời giảm chi phí vận hành. Cuối cùng, 75,9% doanh nghiệp dự đoán các chính sách phát triển bền vững và môi trường sẽ trở thành yếu tố quan trọng, thúc đẩy hiệu suất và đảm bảo phát triển bền vững.

Lễ Công bố Bảng Xếp hạng VBE500 và những kết quả tiếp theo của Chương trình nghiên cứu sẽ được công bố chính thức tại Diễn đàn Nhân sự Việt Nam 2024 với chủ đề “Kiến tạo giá trị - Phát triển nhân tài trong kỷ nguyên số” tại Khách sạn Pullman, Hà Nội vào ngày 12 tháng 12 năm 2024 và được đăng tải tại cổng thông tin của Chương trình www.bestemployer.vn cũng như trên các kênh truyền thông đại chúng.

Như Loan

Tin khác