Cơn sốt 'săn sale' của Gen Z: Giải pháp tiết kiệm hay cái bẫy 'rỗng túi' cuối tháng?
Với sự phát triển của thương mại điện tử, nhiều người trẻ ngày nay chọn mua sắm trực tuyến thay vì đến cửa hàng. Để đáp ứng nhu cầu này, các sàn thương mại điện tử liên tục tung ra mã giảm giá và chương trình khuyến mại để khuyến khích mua sắm. Những ưu đãi này nhanh chóng trở thành “cái bẫy” thu hút người tiêu dùng trẻ, khiến họ không ngại thức khuya để “săn” mã giảm giá, thậm chí sẵn sàng chi tiền triệu mỗi lần mua sắm.
Sức hút từ những “cơn lốc” giảm giá
Khánh Linh, 23 tuổi, hiện đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội là một ví dụ điển hình. Linh chia sẻ rằng cô nàng thích canh mã giảm giá vào những ngày đôi (11-11, 12-12...) và thường cùng bạn bè thức đến nửa đêm để săn những món đồ đã “dự kiến” trước trong giỏ hàng. “Cứ đến đúng 0h là mã giảm giá sẽ mở, mình phải nhanh tay vì chỉ vài phút là hết mã. Những hôm săn được mã giảm sâu, mình thấy rất hài lòng, dù món đồ đó có thể chưa thực sự cần thiết vào lúc đó,” Linh kể.
Mai Anh, 21 tuổi, sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền, chia sẻ: “Mình không bao giờ bỏ lỡ đợt giảm giá lớn nào. Cứ tới mấy ngày đôi hay cuối tháng, mình luôn để sẵn trong giỏ hàng những món đồ cần mua, rồi canh đồng hồ để áp mã giảm giá. Mỗi lần giảm vài chục nghìn đồng thôi nhưng cộng lại cũng tiết kiệm được kha khá.” Linh cho biết đã tiêu gần 10 triệu đồng trong vòng nửa năm chỉ riêng cho các sản phẩm “sale” mà phần lớn là mỹ phẩm và quần áo.
Thanh An, 25 tuổi, cũng là một tín đồ nghiện “săn sale” online. Cô nàng kể lại rằng có lần đã săn được một mã giảm giá 15%, tối đa 300.000 đồng cho đơn hàng từ 1.000.000 đồng. Tuy nhiên, tổng đơn hàng ban đầu của cô chỉ khoảng 900.000 đồng, nên để dùng mã, cô đã thêm vài món nhỏ để đủ điều kiện. Cứ thế, từ nhu cầu ban đầu khá khiêm tốn, An đã chi tiêu nhiều hơn chỉ vì không muốn bỏ lỡ cơ hội giảm giá lớn.
Tương tự, Quang Huy, 20 tuổi, thường xuyên tham gia các hội nhóm “săn sale” trên mạng. “Hội nhóm trên Facebook và Zalo chia sẻ rất nhiều mã giảm giá. Có hôm thấy đồ giảm giá mạnh là mình không cưỡng lại được, đành mua vài món dù thật sự không cần lắm,” Huy thổ lộ. Cứ như thế, những đợt giảm giá đã tạo thành thói quen chi tiêu mới cho nhiều bạn trẻ, đặc biệt là những ai chưa tự chủ hoàn toàn về tài chính.
Khi “săn sale” trở thành thói quen khó bỏ
Các đợt khuyến mãi không chỉ dừng lại ở việc giảm giá các sản phẩm đắt tiền. Các sàn thương mại điện tử còn đưa ra những khuyến mãi siêu rẻ như “mua một tặng một” hoặc các món chỉ 1.000 đồng để thu hút người mua. Mai Hoa, 24 tuổi, ở Hà Nội, thừa nhận rằng mỗi lần có chương trình giảm giá “sốc”, cô nàng này không thể cưỡng lại được việc đặt mua hàng loạt các món đồ nhỏ như dây buộc tóc, tất, khăn lau. “Giá rẻ quá, không mua thấy tiếc. Nhiều lần mình mua cả chục món, về đến nhà lại không biết dùng để làm gì, nhưng vì ham rẻ nên cứ đặt,” Hoa chia sẻ.
Hoa cũng cho rằng, dù biết thói quen mua sắm không thực sự hợp lý, cô nàng vẫn không thể từ bỏ cảm giác “bồn chồn” khi thấy có sale mà không mua gì. “Nếu hôm nào có đợt giảm giá mà mình không đặt được đơn nào, mình cảm thấy như thiếu cái gì đó,” Hoa nói.
Nhiều bạn trẻ bước vào cuộc chơi “săn sale” mà không nhận thức được các chiêu thức tiếp thị của sàn thương mại điện tử. Giảm giá là một trong những chiêu thức phổ biến khi các cửa hàng nâng giá sản phẩm trước đó rồi thông báo giảm giá mạnh, nhưng thực tế giá bán sau khi giảm không khác gì so với ngày thường.
Minh Đức, 23 tuổi, hiện đang làm việc tại một công ty về phần mềm, đã có trải nghiệm "cay đắng" khi nhắc đến chuyện săn sale trên các sàn thương mại điện tử: “Mình từng mua một chiếc loa với giá giảm từ 1,5 triệu xuống 800 nghìn đồng. Nhưng sau đó mình phát hiện rằng giá thường ngày của sản phẩm cũng chỉ khoảng 850 nghìn đồng. Lúc đó cảm thấy thất vọng và tự trách vì thiếu kiểm soát.” Đức chia sẻ rằng từ đó, chàng trai trẻ đã cẩn thận hơn trong việc xem xét và so sánh giá cả trước khi quyết định mua sắm.
Thêm nữa, những mã giảm giá cũng rất khó áp dụng vì chỉ sau vài giây tung ra sẽ hết. Do đó, Đức cho rằng chăm chỉ “săn sales” không phải là cách tiết kiệm tiền tốt và tốn thời gian, vì “không ai cho không ai cái gì”.
Cảnh giác với "bẫy" chi tiêu
Chuyên gia tài chính nhận định: “Tâm lý ‘săn sale’ thực chất là hiệu ứng tâm lý ‘sợ bỏ lỡ’, khiến người tiêu dùng có cảm giác rằng nếu không mua ngay, họ sẽ bỏ lỡ một món hời.” Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đây chỉ là cách nhà bán hàng tạo nên sự thúc giục để người mua không có thời gian suy nghĩ kỹ trước khi quyết định.
Để tránh rơi vào bẫy chi tiêu, chuyên gia khuyên các bạn trẻ nên xây dựng kế hoạch quản lý tài chính cá nhân rõ ràng và tránh mua sắm ngẫu hứng. Cụ thể, hãy đặt ra ngân sách hàng tháng cho chi tiêu mua sắm, bao gồm cả các khoản “săn sale” nếu có. Bằng cách giới hạn một khoản tiền cố định cho mua sắm, các bạn có thể tránh chi tiêu quá mức và giữ được kiểm soát tài chính.
Ngoài ra, cần cân nhắc và phân biệt giữa nhu cầu thực sự và mong muốn tức thời. Việc mua một món đồ vì cảm giác tiếc rẻ khi giảm giá không đáng để đổi lấy tình trạng căng thẳng tài chính về lâu dài.
Việc tiêu dùng thông minh không có nghĩa là cắt giảm mọi chi tiêu, mà là hiểu rõ và trân trọng giá trị của mỗi khoản tiền. Thay vì bị cuốn vào “cơn lốc sale”, hãy tập trung vào các mục tiêu tài chính dài hạn và biết cách hưởng thụ một cách hợp lý. Điều này không chỉ giúp các bạn trẻ kiểm soát được chi tiêu mà còn khẳng định sự tự chủ, độc lập trong cuộc sống.
Hiếu Nguyễn