Con đường Samsung trở thành đế chế công nghệ toàn cầu
Câu chuyện thành công của Samsung không chỉ là một bài học quý giá về sự quyết đoán và sáng tạo mà còn là nguồn cảm hứng cho các doanh nghiệp Việt Nam trong hành trình xây dựng ngành công nghiệp bán dẫn.
Khởi đầu từ những giấc mộng viển vông
Xuất phát điểm chỉ là một doanh nghiệp nhỏ chuyên kinh doanh nông sản, nhưng với nhiều lần tái cấu trúc và mở rộng kinh doanh, Samsung đã tạo nên một cuộc cách mạng công nghiệp khi quyết tâm tham gia cuộc đua công nghệ bán dẫn vào năm 1983. Đây được xem là một quyết định táo bạo khi bấy giờ là thời điểm Hàn Quốc vẫn còn lạc hậu về công nghệ. Thị phần bán dẫn toàn cầu gần như hoàn toàn nằm trong tay các cường quốc như Mỹ và Nhật Bản. Điều này càng làm vơi đi cơ hội trở thành “một ông lớn” của ngành này.
Dù gặp không ít hoài nghi trong khoảng thời gian đầu, Samsung vẫn nhất quyết thực hiện kế hoạch sản xuất DRAM 64K với niềm tin rằng bán dẫn sẽ là tương lai của công nghiệp toàn cầu. Chỉ sau một năm, Tập đoàn đã cho ra đời sản phẩm đầu tiên, mở đường cho việc xâm nhập thị trường quốc tế. Đến năm 1992, Samsung đã trở thành nhà sản xuất DRAM 64M, chính thức bỏ xa các đối thủ cạnh tranh và nắm giữ vị trí nhà sản xuất DRAM lớn nhất thế giới.
Thập niên 1990 là thời điểm Samsung tập trung đầu tư vào cơ sở hạ tầng, điển hình là việc xây dựng nhà máy bán dẫn quy mô lớn tại Austin, Texas, Mỹ vào năm 1995. Bên cạnh DRAM, Samsung bắt đầu sản xuất NAND Flash - một loại bộ nhớ quan trọng cho các thiết bị di động và công nghệ tiêu dùng. Thành công của công nghệ NAND đã góp công lớn giúp Samsung tiếp tục mở rộng và trở thành nhà cung cấp chính sản phẩm tiêu dùng di động toàn cầu.
Những năm 2000 đến 2010, Samsung đạt được những cột mốc quan trọng khác, tiêu biểu là vào năm 2002, thương hiệu này đã chính thức vươn lên vị trí dẫn đầu thế giới về sản xuất NAND Flash. Sau đó, vào năm 2009, Samsung giới thiệu dòng chip xử lý Exynos, đánh dấu bước chuyển mình từ nhà sản xuất bộ nhớ bán dẫn sang một nhà cung cấp toàn diện hơn trong lĩnh vực chip công nghệ cao.
Cột mốc đánh dấu cho sự đột phá công nghệ quan trọng nhất của Samsung diễn ra vào năm 2013, khi Hãng giới thiệu công nghệ 3D V-NAND, giúp tăng mật độ lưu trữ mà không cần tăng diện tích chip. Đây là một phát minh giúp Samsung dẫn đầu trong thị trường bộ nhớ Flash.
Từ năm 2010, Samsung tiếp tục ghi dấu ấn với những tiến bộ trong sản xuất chip 10nm, 7nm, và 5nm, đồng thời tiến tới sản xuất 3nm GAA (Gate-All-Around) vào năm 2022. Những bước tiến này khiến cho vị thế của đế chế công nghệ này ngày càng trở nên vững chắc, thậm chí còn có khả năng cạnh tranh sòng phẳng với TSMC - hãng sản xuất chip hàng đầu thế giới trong cuộc đua công nghệ cao cấp.
Samsung vẫn không quên việc nâng cập cơ sở hạ tầng với các nhà máy mới tại Pyeongtaek, Hàn Quốc và Taylor, Texas, Mỹ. Những khoản đầu tư này đã giúp Samsung tăng cường năng lực sản xuất và cung cấp chip cho các khách hàng lớn như Tesla, Nvidia và Qualcomm. Tính đến năm 2021, Samsung cam kết đầu tư hơn 151 tỷ USD vào nghiên cứu và sản xuất bán dẫn, tầm nhìn đến năm 2030, với mục tiêu vượt qua TSMC để trở thành nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới.
Xây dựng chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn
Việt Nam có thể rút ra được nhiều bài học quan trọng trong việc xây dựng chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Quyết định đầu tư vào bán dẫn của Samsung vào thập niên 1980, khi Hàn Quốc gần như không có nền tảng công nghệ, có thể gọi là một bước đi mạo hiểm nhưng lại mang đến thành quả to lớn. Đối với Việt Nam, điều này cho thấy một tầm nhìn chiến lược dài hạn, kèm theo quyết tâm mạnh mẽ, không ngại sự đổi mới chính là yếu tố cốt lõi nếu muốn phát triển ngành công nghiệp bán dẫn bền vững.
Năm 2021, Samsung cam kết đầu tư hơn 151 tỷ USD vào nghiên cứu và sản xuất bán dẫn, tầm nhìn đến năm 2030.
Một trong những bài học quan trọng khác mà Việt Nam có thể học hỏi là khả năng hợp tác quốc tế và học hỏi từ các đối tác toàn cầu. Samsung đã thành công nhờ vào việc liên kết với các chuyên gia công nghệ hàng đầu từ Mỹ và Nhật Bản trong những giai đoạn đầu tiên. Đối với Việt Nam, việc hợp tác với các tập đoàn công nghệ lớn, cùng với việc thu hút vốn đầu tư và chuyên gia từ nước ngoài sẽ là bước đi cần thiết để nhanh chóng xây dựng nền tảng cho ngành công nghiệp bán dẫn.
Việt Nam cũng cần đầu tư mạnh vào lĩnh vực nghiên cứu và phát triển. Samsung đã tạo nên những bước đột phá với những công nghệ tiên tiến như 3D V-NAND, DRAM 10nm, và GAA, nhờ vào việc liên tục đầu tư vào các trung tâm nghiên cứu và phát triển và thu hút nhân tài hàng đầu trong lĩnh vực này. Để bắt kịp xu hướng toàn cầu, Việt Nam cần xây dựng các trung tâm nghiên cứu công nghệ, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước và tạo điều kiện cho họ phát triển sản phẩm bán dẫn cạnh tranh.
Việt Nam cũng có thể học hỏi từ cách Samsung đã nhanh chóng tận dụng những thay đổi trong chuỗi cung ứng toàn cầu để mở rộng thị phần. Năm 2021, khi thế giới đối mặt với tình trạng thiếu hụt chip bán dẫn nghiêm trọng, Samsung đã đẩy mạnh sản xuất và nhanh chóng mở rộng quy mô để đáp ứng nhu cầu thị trường. Đây là thời điểm mà Việt Nam có thể nắm bắt cơ hội, nhanh chóng gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu bằng cách tạo ra những điều kiện thuận lợi cho đầu tư nước ngoài, cũng như phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ cho ngành bán dẫn.
Việt Nam cần có chính sách hỗ trợ ngành công nghiệp bán dẫn
Vai trò của nhà nước trong việc hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp bán dẫn là không thể thiếu. Hàn Quốc đã đầu tư rất nhiều vào cơ sở hạ tầng, đào tạo nhân lực và đưa ra những chính sách ưu đãi đặc biệt cho Samsung và các doanh nghiệp trong ngành bán dẫn. Việt Nam cần xây dựng những chính sách tương tự, hỗ trợ doanh nghiệp nội địa và thu hút các nhà đầu tư quốc tế, từ đó tạo ra một môi trường thuận lợi để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn mạnh mẽ và bền vững.
Huỳnh Tuấn Kiệt - Huỳnh Thế Du