Có ngay'tiền tươi, thóc thật' từ lớp học nghề ở Cư Jút
Hơn 1 tháng nay, chị La Thị Hồng Đào, thôn 9, xã Đắk D'rông tham gia lớp học đào tạo nghề trồng nấm do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) huyện Cư Jút mở tại xã.
Vốn quen với công việc đồng áng nên những ngày đầu đi học, chị Đào vẫn còn bỡ ngỡ và “hơi ngại”. Tuy nhiên, nhờ sự động viên của gia đình, khích lệ của bạn bè, thầy cô nên chị Đào đã tích cực tham gia lớp học trong suốt 1 tháng qua.
Chị Đào chia sẻ, lớp học dành cho học viên người dân tộc thiểu số và hoàn toàn miễn phí. Trong quá trình theo học, các thầy, cô hướng dẫn nhiệt tình, sinh động, trực quan nên học viên tiếp thu kiến thức nhanh, áp dụng ngay vào thực tế.
“Ban đầu tôi cứ nghĩ đi học sẽ rất khó nên hơi e ngại. Đi học được mấy buổi, thầy cô giáo cho chúng tôi thực hành ngay. Chỉ trong một tháng, chúng tôi đã sản xuất được nấm rơm để bán. Với giá bán hiện tại là 80.000 đồng/kg, lớp đã có nguồn thu từ việc bán nấm”, chị Đào cho hay.
Là một trong số học viên lớn tuổi của lớp học, chị Lý Thị Dung, xã Đắk D'rông rất phấn khởi vì đã tìm được hướng để phát triển kinh tế gia đình.
Chị Dung cho biết, trước đây chị từng được đào tạo nghề may miễn phí với dự định đi làm công nhân may. Tuy nhiên do đã lớn tuổi nên chị nhận thấy nghề may không còn phù hợp. Khi biết Trung tâm GDNN-GDTX huyện Cư Jút mở lớp đào tạo nghề trồng nấm, chị và một người cháu đã đăng ký theo học.
“Trong quá trình học, chúng tôi đã được thầy cô kết nối với các đơn vị thu mua nấm. Sau khi tốt nghiệp, chúng tôi có kế hoạch sẽ liên kết với nhau để thành lập một hợp tác xã trồng nấm quy mô và chuyên nghiệp”, chị Dung nói về dự định của mình.
Cuối tháng 9, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Tôn Thị Ngọc Hạnh đã tới thăm lớp đào tạo nghề trồng nấm tại xã Đắk D'rông. Tự tin giới thiệu khu thực hành trồng nấm với lãnh đạo UBND tỉnh, chị Hoàng Thị Moi (lớp trưởng) cho biết, ngoài nấm rơm, các học viên đang thử nghiệm trồng nấm bào ngư, nấm tai mèo… Điều đặc biệt, tất cả giá thể trồng nấm đều được tận dụng từ nguồn phụ phẩm trong quá trình sản xuất nông nghiệp.
“Hiện nay ngoài mùn cưa, chúng tôi còn sử dụng rơm rạ, bẹ chuối để trồng nấm. Điều này vừa giúp giảm chi phí đầu tư sản xuất, vừa tận dụng tối đa phụ phẩm để mang lại hiệu quả cao hơn”, chị Moi chia sẻ.
Thông qua các lớp học, lao động nông thôn được trang bị những kiến thức cơ bản về sản xuất, bảo quản, thu hoạch và chế biến nấm. Ngoài ra, trung tâm còn hỗ trợ học viên liên kết với các đơn vị cung ứng giống, tiêu thụ sản phẩm để tạo điều kiện giúp các học viên tự tin ứng dụng các kiến thức vào sản xuất.
Ghi nhận kết quả đạt được, đặc biệt là khả năng ứng dụng các kiến thức của lớp đào tạo nghề vào thực tiễn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tôn Thị Ngọc Hạnh đề nghị chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan tiếp tục nhân rộng các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, đặc biệt là người dân thuộc diện hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, học viên người dân tộc thiểu số.
Đặng Dương