Cơ hội hấp dẫn cho sinh viên 'nội' qua chương trình thực tập tại môi trường quốc tế
Theo các chuyên gia tuyển dụng nhân sự, khoảng thời gian thực tập của sinh viên trước khi ra trường đóng vai trò vô cùng quan trọng. Để trang bị cho bản thân năng lực cạnh tranh thực tế, sinh viên phải biết tận dụng tối đa cơ hội học hỏi, cọ xát môi trường làm việc thực tế, đặc biệt là môi trường quốc tế.
Đồng thời, đứng trước bối cảnh hội nhập hóa về nhu cầu học tập và làm việc, cùng nhu cầu cao về nguồn nhân lực chất lượng, các chương trình thực tập toàn cầu được coi là mô hình hiệu quả khi vừa thử thách năng lực lao động trẻ, vừa giải quyết bài toán nhân lực tương lai cho các tập đoàn đa quốc gia.
Được tổ chức bởi Tập đoàn Fast Retailing (công ty mẹ của thương hiệu UNIQLO) từ năm 2019 đến nay, chương trình thực tập chuyên sâu Global Management Program (GMP) được đánh giá mang đến cơ hội hiệu quả cho sinh viên toàn cầu trong việc tiếp cận môi trường kinh doanh bán lẻ hiện đại. Năm nay, chương trình thu hút hơn 5.000 hồ sơ ứng tuyển, đã có hơn 40 sinh viên ưu tú đến từ nhiều quốc gia trên thế giới may mắn góp mặt trong kỳ thực tập 6 ngày, trong đó có 2 sinh viên xuất sắc từ Việt Nam.
Sinh viên “nội” lĩnh hội từ các chuyên gia hàng đầu
Trong chương trình GMP, sinh viên trong vai trò là các thực tập sinh sẽ trải qua gần 1 tuần làm việc nhiều thử thách tại Văn phòng Ariake - Trụ sở Toàn cầu của UNIQLO tại Nhật Bản, và tại các cửa hàng UNIQLO lớn, như Shinjuku và Ikebukuro. Tại đây, sinh viên được tham gia những buổi hội thảo, tọa đàm trực tiếp với các lãnh đạo cấp cao của Tập đoàn Fast Retailing và thương hiệu UNIQLO để hiểu rõ hơn về quy trình vận hành, triết lý LifeWear, và cách Fast Retailing đặt khách hàng lên hàng đầu.
Đúng với tinh thần “Học đi đôi với hành”, các sinh viên được chia thành nhóm gồm năm đến sáu người, được yêu cầu chuẩn bị bài thuyết trình với chủ đề được giao, và trình bày trước ban giám khảo đầy kinh nghiệm: Ông Noriaki Koyama, Tổng giám đốc điều hành cấp cao Tập đoàn Fast Retailing và Ông Masahiko Nakatsuji, Giám đốc Điều hành của Tập đoàn Fast Retailing trong mảng Marketing. Từ đó, các giám khảo sẽ lựa chọn và trao giải cho những ý tưởng kinh doanh nổi bất nhất trong 3 lĩnh vực: sản phẩm, cửa hàng và thương hiệu.
Chia sẻ về mô hình này, ông Noriaki Koyama, Tổng Giám đốc điều hành cấp cao Tập đoàn Fast Retailing cho biết, thông qua GMP, Tập đoàn muốn góp phần tạo nên những nhà lãnh đạo kinh doanh toàn cầu. Sinh viên sẽ được làm quen với những kiến thức thực tế về cách vận hành doanh nghiệp trong thời đại số, thấu hiểu triết lý và mô hình kinh doanh độc đáo của Fast Retailing, từ đó tích lũy kinh nghiệm và sự tự tin để bắt đầu hành trình sự nghiệp cá nhân. Ông cho biết thêm, bên cạnh những lợi ích đem lại cho các sinh viên, chương trình thực tập sinh đa quốc gia cũng là cơ hội để doanh nghiệp khai thác được những vấn đề mà sinh viên thế giới quan tâm, từ đó cùng nhau nhận thức và tìm kiếm giải pháp nhằm nâng cao chất lượng nhân sự trẻ toàn cầu.
Kỹ năng nào quan trọng khi làm việc tại môi trường quốc tế?
Đó là câu hỏi của phần lớn các sinh viên trẻ khi tham gia chương trình GMP và đứng trước cơ hội việc làm trong mơ. Với mục tiêu tìm kiếm những tài năng trẻ trong ngành bán lẻ thời trang, chương trình GMP mang đến một giáo trình giảng dạy tập trung vào sự phát triển của tư duy lãnh đạo và tinh thần làm việc nhóm. Đây cũng là những kỹ năng quan trọng mà Trần Nhật Tiến - sinh viên năm cuối theo học chuyên ngành Kinh doanh và Logistics tại Đại học RMIT Việt Nam - thu nhận được khi trở thành một trong hai sinh viên đại diện Việt Nam tham gia chương trình GMP năm nay.
Tiến và nhóm của mình đã nhận được đề tài về phát triển sản phẩm, cụ thể là tìm cách cải tiến các dòng sản phẩm hiện tại của UNIQLO hoặc tạo ra những sản phẩm mới để đáp ứng nhu cầu thị trường. "Nhóm của tụi em tập trung vào hai dòng sản phẩm nổi bật của UNIQLO là HEATTECH và AIRism. Ý tưởng của tụi em là kết hợp hai loại vải này để tạo ra một sản phẩm mới mang tính sáng tạo, vừa giữ ấm vừa thoáng mát," Tiến giải thích. Dù ý tưởng được đánh giá cao về sự táo bạo và sáng tạo, nhưng nhóm của Tiến vẫn gặp khó khăn trong việc kết hợp kỹ thuật và chất liệu để hiện thực hóa sản phẩm. "Ý tưởng của nhóm em được đánh giá là rất tiềm năng, nhưng để biến thành sản phẩm thực tế thì cần nhiều nghiên cứu sâu hơn nữa", Tiến cho biết.
Chương trình GMP không chỉ giúp các bạn sinh viên trẻ như Tiến mở rộng vốn kiến thức về ngành bán lẻ nói chung và lĩnh vực thời trang nói riêng, mà còn là cơ hội để phát triển các kỹ năng thiết yếu của nhà lãnh đạo tương lai. "Một trong những kỹ năng em cảm thấy được phát triển mạnh mẽ nhất sau chương trình là tư duy chiến lược. Qua dự án nhóm, em và các bạn phải suy nghĩ và lập kế hoạch phát triển sản phẩm trong vòng 5 đến 10 năm tới. Điều này giúp em hiểu rõ hơn về cách một doanh nghiệp lớn như Fast Retailing vận hành và phát triển trong bối cảnh toàn cầu", Tiến chia sẻ.
Ngoài ra, va chạm tại môi trường quốc tế cũng giúp các sinh viên Việt phát hiện nhiều điều thú vị. "Nếu thử so sánh môi trường làm việc tại Nhật Bản với Việt Nam, em nhận thấy sự khác biệt về tính kỷ luật và tốc độ làm việc. Người Nhật rất kỷ luật và làm việc với tốc độ cao, điều này giúp họ duy trì sự linh hoạt và sáng tạo trong ngành bán lẻ, một ngành rất năng động và luôn thay đổi".
Có thể thấy, các doanh nghiệp toàn cầu như Fast Retailing ngày càng chủ động trong việc định hướng phát triển nguồn nhân lực tương lai trên quy mô toàn cầu, với định hướng tạo ra các thế hệ lãnh đạo thực thụ, giải quyết các bài toán của thời đại bằng tư duy mở và sự bám sát thực tiễn. Sinh viên Việt rất cần những cơ hội hấp dẫn như chương trình GMP để chứng minh bản thân và bắt kịp tốc độ phát triển mà doanh nghiệp, xã hội yêu cầu.