1. Kinh doanh

Cơ hội định vị lại du lịch

Đà Nẵng tính mở tour thưởng trà trên đỉnh Bàn Cờ, nơi Bill Gates từng đến uống trà… Một loạt thông tin tích cực về nhiều địa phương lên kế hoạch xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng để đón khách tỉ phú từ các thị trường, đem lại những kỳ vọng.

Để khai thác được dòng khách này, cần phải có những đơn vị cung ứng về mặt dịch vụ du lịch, những đơn vị kinh doanh lữ hành đẳng cấp thế giới và hướng đến một thị trường riêng. Các tỉ phú vốn là giới tinh hoa, họ cần được cung cấp dịch vụ, sản phẩm một cách nhanh nhất, tiện nghi nhất và cả đáp ứng sự thay đổi rất nhanh chóng…

Ở Việt Nam hiện có khoảng 6.000 doanh nghiệp lữ hành nhưng chưa tới khoảng 1% doanh nghiệp quan tâm tới thị trường này - đón khách quốc tế hạng sang, giới siêu giàu và tinh hoa. Từ sau dịch COVID-19, Việt Nam đang nổi lên là một trong những điểm đến thích ứng với sự thay đổi và hiện tại là thời điểm thích hợp định vị lại du lịch Việt Nam. Muốn vậy, hạ tầng phải đồng bộ, như ở Phú Quốc, đối tác đặt dịch vụ cho phân khúc khách này từng hỏi là có nơi nào đáp được máy bay trực thăng không? Từ ví dụ này, cho thấy muốn đáp ứng được nhu cầu của dòng khách này cần rất nhiều yếu tố, cả dịch vụ y tế trong những tình huống khẩn cấp…

Sản phẩm tinh hoa đòi hỏi người tổ chức phải xây dựng sáng tạo. Không chỉ là "ăn sang, uống sang, ở sang" mà phải xuất sắc theo kiểu "mỗi chuyến đi là một trải nghiệm riêng, duy nhất", gắn được những thông điệp sâu sắc tới du khách.

Khi đã đón được khách hàng siêu giàu, nghĩa là đã chinh phục được những khách hàng khó tính sẽ góp phần nâng cao thương hiệu, đẳng cấp của du lịch Việt Nam. Cùng với dòng khách bình dân, khách trung cấp đã đón trước đó sẽ góp phần tạo hệ sinh thái đa dạng, khai thác tối đa nguồn lực của ngành du lịch.

Lúc này, cần đòi hỏi sự vào cuộc, đồng bộ của nhiều bộ, ban ngành và các địa phương vì du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, trong đó cần quy hoạch bài bản các đô thị như siêu đô thị TP HCM hay Đà Nẵng, Quảng Ninh, là những điểm đến đủ sức đón khách siêu giàu, khách sang đi cùng với phát triển dịch vụ bổ trợ. Thái Lan, Singapore làm rất tốt điều này.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy trong 9 tháng đầu năm 2024, cả nước đón hơn 12,7 triệu lượt khách quốc tế, tăng mạnh 43% so với cùng kỳ năm ngoái. Năm 2024, ngành du lịch đặt mục tiêu đón khoảng 18 triệu lượt khách và nhiều chuyên gia cho rằng mục tiêu này hoàn toàn có thể vượt tính đến thời điểm hiện tại.

Nhưng đến lúc ngành du lịch nên tập trung vào chất lượng nhiều hơn, để đem lại giá trị gia tăng cao hơn cho nền kinh tế. Khi đón được phân khúc khách sang, siêu giàu sẽ giúp mang lại thu nhập cao hơn nhưng giảm áp lực đến môi trường, quản lý xã hội của các bên. Như Thái Lan, từ năm 2024, nước này đã không còn quan tâm nhiều tới thống kê lượng khách đến mà tập trung vào doanh thu mang về. Họ cũng khuyến khích doanh nghiệp khai thác tour cao cấp nhiều hơn sau thời gian dài thu hút khách bằng tour giá rẻ...

TS Dương Đức Minh, Phó Viện trưởng
Viện Nghiên cứu Kinh tế và Du lịch TP HCM

(Dẫn nguồn NLĐO)

Tin khác