1. Kinh doanh

Có gì ở quả bóng đá gần 300 USD làm dậy sóng TikTok?

Công ty sản xuất bóng đá của Jon-Paul Wheatley gặt hái thành công từ những ngày đầu. Ảnh: @jonpaulsballs.

Các video tự làm những quả bóng đá của một TikToker có tên Jon-Paul Wheatley bất ngờ trở nên thịnh hành trên mạng xã hội, thu về hàng triệu lượng xem, được thương hiệu thời trang thể thao Nike và FIFA (Liên đoàn Bóng đá Quốc tế) quan tâm. Nhà sáng tạo nội dung trên nền tảng TikTok nhanh chóng nhận ra cơ hội kinh doanh các sản phẩm này.

Jon-Paul Wheatley thiết kế những quả bóng tinh xảo, có giá thành lên tới hàng trăm USD, thu hút sự chú ý của người hâm mộ thể thao. Anh cho biết tất cả mặt hàng trên đều được làm ra để xuất hiện trên sân cỏ, không phải đồ sưu tầm, chỉ được đặt trên kệ, theo SCMP.

Quy trình chế tác những quả bóng được Jon-Paul Wheatley ghi lại, tạo ra "cơn sốt" trên MXH. Ảnh: @jonpaulsballs.

Cơ hội kinh doanh đến từ video TikTok

Nhận thấy những clip ghi lại quá trình làm bóng trong giai đoạn giãn cách hồi đại dịch Covid-19 bất ngờ “gây sốt”, Jon-Paul Wheatley thành lập một doanh nghiệp có tên 12 Pentagons, đặt trụ sở tại St. Louis, bang Missouri (Mỹ) để kinh doanh sản phẩm này.

Ban đầu, Wheatley không có ý định buôn bán, song nhận về nhiều bình luận thể hiện mong muốn sở hữu những sáng tạo độc đáo như Spike Ball màu đen gợi liên tưởng đến phong cách gothic hay quả bóng được làm từ giày Nike Air Force 1 tái chế.

Nhà sáng tạo nội dung số này có biết nhiều lần lấy cảm hứng từ bình luận của người dùng, coi mạng xã hội là phòng nghiên cứu và phát triển sản phẩm của mình. Anh cũng có thể đo lường sự yêu thích, tiềm năng bán của những quả bóng thông qua lượt xem và bình luận.

Wheatley thành lập 12 Pentagons cùng với vợ mình, Allison Diaz Wheatley, vào năm 2023. Cặp vợ chồng này vay vốn 75.000 USD và sử dụng toàn bộ tiền tiết kiệm cho công ty.

Đầu tiên, nhà sáng lập 12 Pentagons cần tìm một nhà sản xuất có khả năng tạo ra hàng loạt sản phẩm có chất lượng tương tự thiết kế ban đầu do anh khâu tay. Sau khi khảo sát, anh nhận thấy khả năng tốn khoảng 1.100 USD/sản phẩm cho các nhà máy tại Mỹ.

Trong khi đó, một quả bóng đá có thể được tìm thấy với mức giá thấp hơn 13 USD trên website bán hàng Dick’s Sporting Goods.

Cuối cùng, Wheatley đưa ra quyết định chọn một nhà sản xuất ở Sialkot (Pakitstan), nơi sản xuất nhiều sản phẩm bóng đá trên thế giới.

12 Pentagons dự kiến tung ra nhiều mẫu bóng với giá thành khác nhau. Ảnh: @jonpaulsballs.

Thành công từ sản phẩm đầu tiên

Mặt hàng đầu tiên được 12 Pentagons phát hành vào tháng 6 có tên Original 92. Đây là quả bóng được làm từ 92 miếng ráp: 12 hình ngũ giác và 80 hình lục giác

Original 92 được chế tác từ da Italy và khâu thủ công. Wheatley gọi chúng là quả bóng đá đắt nhất trên thị trường, trừ một số thiết kế cao cấp đến từ thương hiệu Louis Vuitton.

Original 92 có giá thành lên đến 275 USD và “cháy hàng” trong vài giờ.

“Tôi nghĩ một số người coi chúng như những đôi giày thể thao phiên bản giới hạn, chỉ mua để sưu tầm, không thực sự sử dụng. Tuy nhiên, tôi không mong điều này xảy ra với các sản phẩm của mình. Tôi muốn nhìn thấy chúng lăn trên sân cỏ”, Wheatley nói.

Bà xã Diaz Wheatley cũng từ bỏ công việc bán hàng và tiếp thị tại một doanh nghiệp để dành toàn bộ thời gian cho 12 Pentagons. Cặp vợ chồng chuyển đến St. Louis sinh sống, kế thừa lịch sử bóng đá lâu đời của thành phố này.

Vào ngày sản phẩm đầu tiên Original 92 được phát hành, Wheatley lo lắng đến phát ốm. Khi đang nằm trong bệnh viện, anh nhận được cuộc gọi thông báo 1.000 quả bóng đã bán hết trong 5 tiếng từ vợ.

Nhà sáng lập 12 Pentagons dự định thường xuyên tung ra thiết kế mới. Mỗi sản phẩm phải có hiệu suất và giá cả khác nhau, đáp ứng nhu cầu của nhiều người tiêu dùng.

Công ty có kế hoạch mở bán thêm 1.000 quả bóng mới vào tháng 11. Sản phẩm mới có số lượng miếng ráp gấp đôi và đắt hơn Original 92.

Linh Vũ

Tin khác