1. Kinh doanh

Cô gái trẻ ở Gia Lai với hành trình khởi nghiệp sáng tạo và lan tỏa văn hóa cà phê

Cô gái trẻ ở Gia lai với Hành trình KHỞI NGHIỆP SÁNG TẠO VÀ lan tỏa văn hóa cà phê

“Bản thân thấy mình có đủ những yếu tố cần để phát triển ngành cà phê nên mình tự tin làm công việc yêu thích. Mình muốn là người giỏi nhất trong lĩnh vực chiết xuất cà phê ở Gia Lai. Mình chưa từng sợ thất bại vì nếu biết đứng lên từ thất bại thì sẽ từng bước đạt được thành công” - Nguyễn Thị Thanh Tâm (25 tuổi, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) - quyết định chọn con đường lập nghiệp chông gai hơn để khẳng định mình, đồng thời nhằm lan tỏa văn hóa cà phê.

Thích sự khác biệt

Tiếp xúc với cô gái 25 tuổi, quả thật, Tâm già dặn và chững chạc hơn so với lứa tuổi. Với Tâm, cuộc sống là một hành trình và bạn thích những thứ khác biệt. Những gì đề ra và đạt được không phải là đích đến mà là chặng đường để thỏa sức khám phá bản thân.

“Với bố mẹ, với mọi người, thi đỗ đại học là chiến tích của con cái thời điểm đó. Còn với tôi, sau khi tốt nghiệp lớp 12, tôi vẫn không biết nên chọn ngành nào, thi trường gì. Suốt quãng thời gian đó, tôi nhận ra mình làm mọi thứ như một thói quen được lập trình sẵn, không tìm thấy sự thú vị nào cả. Rồi tôi tự hỏi, liệu học xong 4 năm đại học, cơ hội việc làm nào cho chính mình?,... Tất cả mọi thứ dồn nén lại khiến tôi chọn rẽ hướng - học nghề” - Tâm chia sẻ.

Năm 2017, Tâm quyết định rời xa gia đình, ra TP. Đà Nẵng học nghề pha chế với hy vọng sau khi học xong sẽ có việc làm ổn định. Thế nhưng, sau khi kết thúc lớp học, không có cơ hội việc làm nào tìm tới khiến Tâm có đôi phần vỡ mộng. Vài tháng sau, qua lời giới thiệu của bạn bè, Tâm đã tham gia vào cộng đồng pha chế ở Đà Nẵng để tìm kiếm cơ hội cho chính mình và có thêm nhiều mối quan hệ hơn với các chuyên gia trong ngành nghề này.

“Khi mình tham gia vào cộng đồng pha chế ở Đà Nẵng thì có một người anh đi trước có hỏi mình một câu là “5 năm sau em làm gì?”. Chính câu hỏi đó đã khiến mình tỉnh ngộ và nhận ra rằng không phải cứ yêu thích thì sẽ thành công mà chính mình phải thực sự dấn thân vào cuộc chơi này thì mới có được chỗ đứng trong nghề” - Tâm nhớ lại.

Thế rồi, Tâm nghiêm túc dành thời gian tham gia vào các lớp học pha chế chuyên nghiệp hơn. Để rèn giũa bản thân và tiếp cận thị trường, Tâm còn làm việc trong lĩnh vực du lịch và tham gia giảng dạy tại Trường dạy nghề Âu Việt Á (TP. Đà Nẵng).

Đến năm 2021, sau khi nhận chứng chỉ “Chiết xuất cà phê theo tiêu chuẩn quốc tế SCA”, Tâm quay trở về Gia Lai để thực hiện ước mơ phát triển ngành pha chế tại mảnh đất nơi mình sinh ra.

Mất thời gian 1 năm định hình lại bản thân cũng như nắm bắt thị trường cà phê ở Gia Lai, tháng 5/2022, Tâm cùng các cộng sự của mình đã sáng lập Trung tâm dạy nghề pha chế Gia Lai - TRS1 Training Center và Tâm là người điều hành.

Nhưng mọi chuyện phức tạp hơn suy nghĩ của Tâm. Tiềm lực kinh tế thời điểm đó không đủ mạnh, Tâm không thể thuê được những không gian rộng lớn để có thể tích hợp mô hình giảng dạy, thực hành. Từ số tiền bản thân tiết kiệm cộng thêm các khoản vay từ gia đình, bạn bè, Tâm và các cộng sự chỉ thuê được một căn phòng với diện tích khoảng 15 m2 để hoạt động.

Ngoài khó khăn về mặt bằng giảng dạy, trung tâm của Tâm còn gặp phải thách thức khi thời điểm đó, trên địa bàn tỉnh Gia Lai cũng đã có 2 trung tâm chuyên đào tạo pha chế. Theo Tâm, thời điểm đầu, các bạn học viên bị áp đặt suy nghĩ cũ, họ chỉ nghĩ là học theo kiểu “mì ăn liền”. Tức là đi học công thức và sau đó về áp dụng công thức có sẵn đó vào pha chế.

Còn Tâm thì khác, bạn áp dụng phương pháp đào tạo khác khi chú trọng vào việc là các bạn học viên phải làm gì khi đang hoạt động trong một thị trường chuyên về cà phê, các quán cà phê ngày mọc lên càng nhiều. Và trong không gian chật chội đó, Tâm dạy cho các bạn trẻ chuyên về đào tạo chiết xuất cà phê, cách để tạo ra cà phê. Các học viên được học cách định lượng về cà phê chứ không đơn thuần chỉ là công thức pha chế để tạo ra một ly cà phê thành phẩm.

Sau 3 lần chuyển mặt bằng, hiện trung tâm của Tâm đã có địa điểm cố định rộng hơn để tiện cho các học viên học tập, ăn ở. Lớp học của Tâm có từ 6 đến 8 học viên mỗi tháng; các học viên sẽ được học trong 12 buổi. “Mình nghĩ kinh doanh cà phê là một làn sóng thị trường. Xác định thị trường kinh doanh cà phê trên địa bàn tỉnh Gia Lai đang ở cuối làn sóng thứ 2 nên mình muốn truyền đạt tới các bạn trẻ hướng theo làn sóng cà phê thứ 3 - dòng cà phê đặc sản” - Tâm chia sẻ.

Kết nối hệ sinh thái cà phê

Bên cạnh việc đào tạo các bạn trẻ hướng theo làn sóng cà phê thứ 3 - dòng cà phê đặc sản, trung tâm của Tâm còn phục vụ các thức uống từ cà phê cho khách hàng muốn trải nghiệm. Theo Tâm, từ lâu đa phần khách hàng chỉ quan tâm tới việc ly cà phê đang uống là cà phê trộn hay cà phê nguyên chất mà không quan tâm tới tỉ lệ chín hay mùi đặc trưng. Để nâng giá trị của hạt cà phê, mong muốn khách hàng hiểu hơn về chất lượng, Tâm đã truyền tải những thông tin đủ và cần thiết kèm theo mỗi ly cà phê khi đem ra phục vụ khách hàng.

Ngoài việc lan tỏa văn hóa cà phê cho hàng trăm học viên, Tâm còn kết nối cộng đồng cà phê của Gia Lai với các tỉnh thành lân cận qua việc tổ chức các sự kiện về cà phê, góp phần nâng cao giá trị cà phê Gia Lai.

Tháng 9/2022, Tâm mạnh dạn kết nối với một số farm và quán cà phê trong tỉnh tổ chức sự kiện “Coffee Connection”. Đây là sự kiện trải nghiệm pha cà phê thủ công và cà phê Fine Robusta đặc trưng của vùng đất Gia Lai đầu tiên. Sự kiện thu hút các bạn trẻ đến từ các tỉnh thành khác như TP. Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Đà Nẵng, Đắk Nông.

Ngoài ra, Tâm còn cùng cộng đồng cà phê Gia Lai đã tổ chức thành công sự kiện “Gia Lai Coffee Festival” với chủ đề “Gia Lai vùng nguyên liệu chất lượng cao”. Đây là hoạt động trải nghiệm cà phê địa phương lần đầu tiên được tổ chức tại Gia Lai với sự góp mặt của gần 30 đơn vị đồng hành (trong đó có 6 đơn vị ngoài tỉnh) là các chủ farm, nhà rang xay, nhà phân phối và chủ quán cà phê. Sự kiện thu hút trên 1.000 lượt khách tiếp cận các hoạt động hấp dẫn tại sự kiện như: trải nghiệm các phương thức rang, xay và pha chế cà phê; thi đấu barista teamwork (thi đấu pha chế theo nhóm); talkshow về chuyên đề chất lượng cà phê Gia Lai.

Đến nay, cộng đồng cà phê Gia Lai đã tăng lên 100 thành viên. Hàng tháng, chị Tâm cùng các thành viên họp mặt để chia sẻ sâu hơn về quy trình canh tác đến sản xuất, chế biến và cho ra những sản phẩm cà phê mang hương vị đặc trưng.

Chia sẻ về những dự định trong tương lai, Tâm cho biết chị đang tập trung định hình lại trung tâm theo mục đích phát triển ban đầu là chỉ chuyên về chiết xuất cà phê. Bên cạnh đó, Tâm còn hướng tới kết nối hệ sinh thái cà phê Gia Lai và tiếp tục nỗ lực không ngừng nhằm kết nối cộng đồng cà phê Gia Lai.

“Để có được hành trình như ngày hôm nay là nhờ sự giúp đỡ của các cộng sự và các doanh nghiệp trong và ngoài địa phương. Mình nghĩ mỗi ngành nghề đều có một thước đo tiêu chuẩn riêng. Con đường nào ta đi cũng sẽ có chông gai. Song, bản thân mình thấy mình có đủ những yếu tố cần để phát triển ngành cà phê nên mình tự tin làm công việc mình yêu thích. Mình muốn là người giỏi nhất trong lĩnh vực mình làm. Mình chưa từng sợ thất bại vì nếu biết đứng lên từ thất bại thì sẽ từng bước đạt được thành công” - Thanh Tâm bộc bạch.

Thực hiện: Hiền Mai

Bài và ảnh: Hiền Mai

Tin khác