1. Kinh doanh

Chuyện về những 'nữ triệu phú' người Dao ở thôn Ná Lùng

Những phụ nữ “dám nghĩ, dám làm”

Cuối tháng 10, tiết trời đã trở lạnh, những nương khoai môn trải rộng trên các vạt đồi thuộc thôn Ná Lùng đã héo lá, lụi dần, dưới gốc khoe ra củ to như cái bát ăn cơm. Tranh thủ ngày nắng, chị Phàn Thị Liên cùng gia đình lên nương thu hoạch khoai môn để bán cho thương lái.

Năm 2024, gia đình chị Phàn Thị Liên thu hoạch hơn 10 tấn củ khoai môn.

Khoe với chúng tôi những củ khoai môn to, có củ nặng tới 2 kg, chị Liên cho biết, năm 2023, gia đình trồng khoảng 1,5 ha khoai môn, thu hoạch được 12 tấn, bán được khoảng 200 triệu đồng. Năm nay, gia đình mở rộng diện tích trồng khoai môn lên 2ha. Nhờ khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp và được chăm sóc đúng kỹ thuật nên cây khoai môn phát triển tốt, ít sâu bệnh, cho năng suất cao. Vụ khoai môn này, dự kiến gia đình thu hoạch khoảng 16 tấn củ, nếu đầu ra thuận lợi, giá bán ổn định, sẽ thu được gần 300 triệu đồng.

Trò chuyện với chị Liên, chúng tôi vô cùng nể phục bởi sự năng động trong phát triển kinh tế gia đình. Không chỉ trồng khoai môn, chị Liên còn trồng 5.000 cây quế, trong đó có khoảng 2.000 cây 10 năm tuổi đang cho thu hoạch. Ngoài ra mỗi năm gia đình chị thu hoạch gần 1 tấn thóc đặc sản Séng cù. Trước khi chuyển sang trồng cây khoai môn, gia đình chị Liên cũng có thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi năm từ trồng chuối và sắn. Vững vàng về kinh tế, chị Liên xây được ngôi nhà 3 tầng khang trang, đầu tư cho các con đi học để sau có tương lai tươi sáng.

Ở thôn Ná Lùng, chị Lý Thị Vân, Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban Công tác Mặt trận, Chi hội trưởng Phụ nữ thôn cũng là điển hình trong phong trào phụ nữ phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Hiện nay, gia đình chị Vân có khoảng 1 vạn cây quế, trên 2ha cây đàn hương và dổi. Được biết, cách đây 3 năm, gia đình chị Vân là một trong hai gia đình đầu tiên trong thôn Ná Lùng mạnh dạn đi học tập kinh nghiệm, đầu tư hơn 70 triệu đồng mua 600 cây đàn hương, 700 cây dổi về trồng. Cây đàn hương là loại gỗ quý, có giá trị kinh tế cao nhưng vốn đầu tư cao và khó chăm sóc nên trước đó ở Cốc Mỳ chưa ai trồng. Để thuần phục loài cây "khó tính" này, chị đã dành thời gian tìm hiểu kỹ thuật trồng và chăm sóc. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật nên đồi cây đàn hương và cây dổi của gia đình chị Vân phát triển xanh tốt, khoảng 10 năm nữa sẽ cho thu hoạch.

Chị Lý Thị Vân mạnh dạn trồng thử nghiệm 600 cây đàn hương.

Chị Vân với tay bấm mấy ngọn đàn hương xanh non mơn mởn đưa cho tôi, tươi cười bảo: Nhà báo ăn thử đi, cây đàn hương này nhiều tác dụng lắm, cả rễ, thân, lá đều có giá trị kinh tế cao. Đây là loại cây dược liệu, lõi và rễ dùng để chiết xuất tinh dầu. Ngọn có thể nấu canh, ăn vị ngọt hơn cả rau ngót, lá đàn hương dùng để làm trà rất ngon. Nếu trồng thành công, tôi sẽ chia sẻ kỹ thuật để bà con cùng trồng để phát triển kinh tế gia đình.

Mặc dù cây đàn hương đang được gia đình chị Vân trồng thử nghiệm và 10 năm nữa mới có thể khẳng định được kết quả nhưng điều đáng nói là tinh thần “dám nghĩ, dám làm”, sự năng động, mạnh dạn, tiên phong trong phát triển kinh tế của Bí thư Chi bộ Ná Lùng khiến nhiều người nể phục.

Tạo động lực giúp phụ nữ thoát nghèo

Thôn Ná Lùng có 112 hộ dân sinh sống, đều là đồng bào dân tộc Dao tuyển. Trước đây, cuộc sống của đồng bào Dao tuyển thôn Ná Lùng rất khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo có thời điểm khoảng 80%.

Thôn Ná Lùng ngày càng khởi sắc.

Vậy nhưng, đến thôn Ná Lùng hôm nay, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng. Cùng với những hộ dân làm nhà ngay bên Tỉnh lộ 156 gần trung tâm xã Cốc Mỳ, thì nhiều hộ dân ở khu vực phía trong cũng xây dựng nhà ở khang trang. Những ngôi nhà 2 tầng, 3 tầng hiện đại, những biệt thự vườn rộng rãi ẩn hiện trong rừng cây xanh mướt.

Trong câu chuyện với chị Lý Thị Vân chúng tôi được biết, chị đã đảm nhiệm vai trò là Chi hội trưởng Phụ nữ thôn từ năm 2012 đến nay. Hiểu được vai trò của người phụ nữ trong phát triển kinh tế gia đình, chị đã tích cực vận động hội viên, phụ nữ trong thôn mạnh dạn thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để nâng cao thu nhập.

Cách đây 12 năm, chuối mô là cây trồng mới, được nước bạn Trung Quốc thu mua quả với giá cao. Chị Vân tích cực cùng cán bộ vận động bà con trong thôn chuyển từ trồng ngô sang trồng cây chuối mô. Đến năm 2018, diện tích chuối của thôn Ná Lùng lên tới 50ha, đem lại giá trị kinh tế cao, giúp nhiều hộ dần thoát nghèo.

Phụ nữ dân tộc Dao tuyển thôn Ná Lùng ngày càng năng động trong phát triển kinh tế gia đình.

Đến năm 2021, cây chuối bị sâu bệnh nhiều, giá trị kinh tế giảm, đầu ra không ổn định, nhiều hộ dân lo lắng vì chưa tìm ra loại cây trồng thay thế. Với vai trò Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn, kiêm Chi hội trưởng Phụ nữ thôn, chị Vân đã tuyên truyền, vận động bà con trồng thử nghiệm cây khoai môn. Vụ thu hoạch khoai môn đầu tiên, bà con vỡ òa niềm vui vì củ khoai môn nào cũng chắc nịch, có củ nặng 3kg, đầu ra cũng thuận lợi. Giờ đây, củ khoai môn Cốc Mỳ được nhiều người ưa chuộng, mỗi ha đem lại 120 triệu đồng, gấp 6 lần trồng sắn.

Sau khi thử nghiệm thành công, người dân thôn Ná Lùng mạnh dạn biến những nương trồng sắn thành đồi khoai xanh tốt. Năm 2023, thôn Ná Lùng có 17ha cây khoai môn, đem lại nguồn thu 4,7 tỷ đồng. Năm 2024, cả thôn trồng hơn 30ha khoai môn, chiếm 90% tổng diện tích khoai môn của toàn xã, dự kiến thu 540 tấn củ, tính theo giá trung bình 15.000 đồng/1kg sẽ được trên 8 tỷ đồng. Đó là chưa kể bà con trong thôn còn bán giống cây khoai môn cho nhiều nơi, có thêm thu nhập.

Mô hình trồng cây khoai môn tại thôn Ná Lùng ngày càng được nhân rộng trên địa bàn xã Cốc Mỳ.

Cùng với trồng cây khoai môn, đến nay, Nhân dân thôn Ná Lùng còn trồng trên 100ha cây quế, hơn 50ha cây sắn, cấy 14ha lúa đặc sản Séng cù… Gia đình các chị Lý Thị Hoa, Phàn Thị Liên, Phàn Thị Hồng, Tẩn Thị Hoa, Phàn Thị Nhột… có thu nhập cả trăm triệu đồng từ mô hình kinh tế tổng hợp.

Giờ đây, phụ nữ người Dao tuyển ở thôn Ná Lùng không chỉ khẳng định được vai trò trong phát triển kinh tế gia đình, mà còn xây dựng gia đình thêm ấm no, hạnh phúc. Đa số hộ dân trong thôn đã xây được nhà khang trang; năm 2024, thôn giảm được 6 hộ nghèo, hiện chỉ còn 8 hộ nghèo, 15 hộ cận nghèo.

Bí thư Chi bộ Lý Thị Vân (bên trái ảnh) tích cực xây dựng phong trào phụ nữ hỗ trợ nhau phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.

Lúc chia tay chúng tôi, chị Lý Thị Vân chia sẻ: Ná Lùng có hơn 100 hộ dân nhưng hôm nay gia đình này bán đồi quế được mấy trăm triệu, vườn khoai nhà ai bị sâu bệnh, đàn lợn nhà ai bỏ ăn, chữa bằng thuốc gì nhanh khỏi, tháng nào có lớp học kỹ thuật trồng quế, trồng khoai… thì ai cũng biết. Các bà, các chị gặp nhau đều chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, hỗ trợ nhau cùng phát triển sản xuất. Nhà nào còn khó khăn thì nhà khác chung tay cùng giúp đỡ. Vì thế, Chi hội Phụ nữ thôn Ná Lùng trở thành điểm sáng trong phong trào phụ nữ đoàn kết hỗ trợ nhau chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao thu nhập.

Trần Tuấn Ngọc

Tin khác