1. Kinh doanh

Chuyện khởi nghiệp của 'dân' Công nghệ thông tin có gì đặc biệt?

Nguyễn Hữu Ân, sinh năm 1989 tại Nam Định, cựu sinh viên ngành Công nghệ thông tin tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, hiện là Nhà sáng lập, Giám đốc điều hành Công ty Giải pháp công nghệ TESO (sau đây gọi tắt là TESO). Trước đó, anh đã giành ngôi quán quân cuộc thi VietNam Startup Wheel 2018 với sản phẩm CleverTube, một ứng dụng học tiếng Anh.

Ít ai biết rằng, con đường khởi nghiệp của Nguyễn Hữu Ân không trải đầy hoa hồng mà bắt nguồn từ chính khuyết điểm lớn nhất của anh – vốn tiếng Anh ít ỏi.

Nguyễn Hữu Ân, cựu sinh viên ngành Công nghệ thông tin tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, Nhà sáng lập, Giám đốc điều hành Công ty Giải pháp công nghệ TESO. Ảnh: NVCC.

Những bước đầu tiên trong hành trình khởi nghiệp

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, anh Nguyễn Hữu Ân cho biết, bản thân đã có một khởi đầu không mấy “suôn sẻ” với tiếng Anh.

“Khi còn đi học ở quê, tôi khá là thích tiếng Anh nhưng thời điểm đó, những năm 2007, internet cũng không được như các khu vực thành phố, điều kiện tiếp cận thông tin cũng hạn chế. Các bạn trẻ bây giờ có mạng xã hội, 4G, 5G và nhiều cách để tiếp cận kiến thức nhưng lúc đó có máy tính với tôi là một điều không dễ. Đối với tôi, tiếng Anh khi ấy rất hấp dẫn, khi xem các bản tin truyền hình nước ngoài, tôi cảm thấy ngôn ngữ này thật thú vị, nhưng thực tế thì tôi lại rất kém tiếng Anh”.

Khi lên đại học, anh Ân đỗ vào lớp chất lượng cao của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, toàn bộ chương trình học đều bằng tiếng Anh. Những năm học phổ thông, bản thân đang quen là người luôn đứng top đầu trong lớp, nhưng khi lên đại học, vào lớp mới, học toàn bằng tiếng Anh, anh lại trở thành người kém nhất. Anh không còn con đường nào khác là phải học tiếng Anh thật tốt.

“Trong khi nhiều bạn đổ xô đi học ở các trung tâm, bản thân tôi không có điều kiện tài chính để theo học. Bố mẹ gửi lên 800.000 đồng mỗi tháng để trang trải chi phí sinh hoạt, lấy đâu ra tiền để học thêm, không có cách nào khác, muốn “tồn tại” được chắc chắn là tôi phải tự học”, anh Ân nhớ lại.

Sau khoảng hai năm, khi tìm được phương pháp học phù hợp và hiệu quả cho bản thân và tiếng Anh đã được cải thiện, anh Ân muốn chia sẻ kinh nghiệm của bản thân và giúp nhiều người học tiếng Anh tốt hơn và giúp người cũng chính là giúp mình.

“Lúc đó tôi tư duy ngược lại là “kém gì dạy cái đó”, muốn giỏi ngoại ngữ thì phải đi dạy ngoại ngữ, nên tôi bắt đầu công cuộc gia sư tiếng Anh. Khi đi dạy, bản thân sẽ có một áp lực vô hình là phải hiểu sâu sắc vấn đề, nội dung giảng nên trước khi lên lớp mình phải chuẩn bị bài thật kỹ từ cấu trúc câu cho đến phát âm. Chính việc đi gia sư tiếng Anh đã khiến năng lực ngoại ngữ của bản thân tôi thay đổi rõ rệt. Dần dần tôi mở lớp và thuê giáo viên nước ngoài về dạy” anh Ân chia sẻ.

Anh Nguyễn Hữu Ân trong thời gian làm việc tại Mỹ. Ảnh: NVCC.

Với việc dạy tiếng Anh, anh Ân nhận thấy việc dạy tiếng Anh một khóa cũng chỉ có khoảng vài chục học viên nhưng nếu làm app thì sẽ dạy được cho rất nhiều người một lúc. Nghĩ là làm, những năm tháng sau khi tốt nghiệp, anh Ân đã chuyển sang làm về công nghệ. Anh vừa đi làm cho các công ty, trong đó có cả công ty của Mỹ, vừa tập tành phát triển ứng dụng đầu tiên. Nhưng không có con đường nào là dễ dàng, ứng dụng của anh đã bị gỡ khi đang trên đà phát triển.

“Hồi đấy, chương trình học tiếng Anh như BBC Learning English rất hay, nhưng tổ chức này thì chưa có app, mình đã viết app học tiếng Anh dựa trên các bài giảng của BBC và đưa lên chợ ứng dụng. Ngoài sự mong đợi của mình, ứng dụng thu hút cả trăm nghìn người dùng, tuy nhiên ứng dụng đã bị vướng bản quyền và bị đánh sập” anh Ân kể lại.

Thất bại trong ứng dụng đầu tiên đã giúp anh Ân ý thức được về bản quyền, về nội dung số. Anh cũng nhận ra rằng bản thân không có năng lực sản xuất nội dung, từ đó anh nghĩ ra một ứng dụng giúp biến những nội dung tiếng Anh ở trên Youtube trở thành những bài học tiếng Anh. Lần này, anh đã xin phép các Youtuber về việc sẽ giúp tăng view miễn phí cho các video nhưng sẽ sử dụng nội dung của họ để học tiếng Anh.

Anh Ân đã phát triển ứng dụng khác mang tên Clevertube, ứng dụng học tiếng Anh qua video. Bản chất của ứng dụng là để người dùng xem clip bằng tiếng Anh nhưng có thể học được tiếng Anh qua việc tra từ, soi phát âm và chỉnh khẩu hình...

Năm 2018, anh Hữu Ân đã mang sản phẩm tham gia Cuộc thi khởi nghiệp Startup Wheel 2018 do Trung tâm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp (Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh) tổ chức. Vượt qua, 1.500 startup, anh đã giành quán quân tại cuộc thi.

Anh Nguyễn Hữu Ân giành quán quân tại Cuộc thi khởi nghiệp Startup Wheel 2018. Ảnh: Startup Wheel.

Đây là những bước đầu tiên của một lập trình viên viết ra những ứng dụng rồi khởi nghiệp trong lĩnh vực Edtech (Công nghệ giáo dục). Anh cũng nhận thức rằng may mắn là một loại năng lực; giống như việc tung đồng xu, nếu không thường xuyên tung sẽ không có cơ hội trúng mặt đồng xu mà mình mong muốn.

Giá trị cốt lõi – nền tảng bền vững cho khởi nghiệp thành công

Anh Hữu Ân cho biết, thời điểm đó, phong trào khởi nghiệp đang diễn ra sôi nổi và việc gọi vốn cùng với tạo ra doanh thu trở thành những tiêu chí quan trọng. Sau khi giành giải nhất trong cuộc thi khởi nghiệp, tôi đã nhận được một số lời đề nghị đầu tư. Một số nhà đầu tư đề xuất mức vốn cụ thể để đổi lấy cổ phần trong công ty, với mong muốn biến công ty thành một doanh nghiệp có giá trị cao. Nhận tiền đầu tư đồng nghĩa với việc phải đáp ứng kỳ vọng cao từ các nhà đầu tư, trong khi bản thân anh lúc đó vẫn còn thiếu kinh nghiệm trong kinh doanh và chủ yếu chỉ có chuyên môn về công nghệ.

Theo anh Ân, nếu đắm chìm vào việc gọi vốn mà không chú trọng vào phát triển sản phẩm, có thể bản thân sẽ rơi vào vòng luẩn quẩn. Bài học từ nhiều startup không có giá trị cốt lõi vững chắc, nhưng thu hút vốn bằng cách "tô vẽ" hình ảnh, điều này dẫn đến những định giá phi thực tế và rủi ro cao. Khi giá trị cốt lõi không đủ mạnh, startup sẽ sụp đổ khi không thể gọi vốn tiếp theo. Nhiều startup thất bại vì không biết cách quản lý dòng tiền và không tập trung phát triển sản phẩm.

Sau nhiều lần suy nghĩ và trăn trở, anh Hữu Ân quyết định không đi theo con đường gọi vốn mà thay vào đó tập trung vào giá trị cốt lõi của mình là khả năng triển khai các giải pháp công nghệ. Với suy nghĩ đó, anh Nguyễn Hữu Ân đã thành lập ra Công ty Giải pháp công nghệ TESO.

“Với nền tảng là công nghệ thông tin và vài năm kinh nghiệm làm việc tại các tập đoàn lớn, tôi nhận ra rằng năng lực của mình là triển khai phần mềm, một lĩnh vực có thể mang lại lợi nhuận mà không cần phải gọi vốn. Vì vậy, tôi quyết định thành lập Teso để cung cấp giải pháp công nghệ”, anh Ân lý giải.

Anh Hữu Ân nhấn mạnh, bản thân không muốn phụ thuộc vào việc gọi vốn hay đi theo bất kỳ định hướng nào của quỹ đầu tư. Công ty tập trung vào việc bán giải pháp công nghệ, thay vì chỉ đơn thuần là cung cấp nhân sự hay outsource (các dịch vụ thuê ngoài quy trình doanh nghiệp).

Khi mới bắt đầu với TESO, anh chỉ có uy tín từ giải nhất cuộc thi khởi nghiệp để tiếp cận doanh nghiệp, các khách hàng. Từ những hợp đồng nhỏ ban đầu, TESO dần thu hút được những hợp đồng lớn hơn. Qua những dự án đầu tiên, anh Ân đã dần định hình lại TESO thành một công ty chuyên cung cấp giải pháp công nghệ trong lĩnh vực marketing, tương tác tiếp thị, thuộc đa ngành, đa lĩnh vực.

Nhìn lại chặng đường từ khi thành lập TESO vào năm 2018, anh Hữu Ân cho rằng khó khăn lớn nhất ban đầu là bản thân anh không biết cách vận hành doanh nghiệp. “Kinh doanh và lập trình là hai lĩnh vực hoàn toàn khác nhau, những kiến thức kỹ năng về quản trị kinh doanh, tài chính, bán hàng và marketing…mọi thứ gần như là con số không đối với tôi. Vào năm 2018, thời điểm thành lập công ty, tôi gặp phải khó khăn lớn nhất là không biết gì về việc vận hành một doanh nghiệp. Trong giai đoạn này, tôi phải học hỏi rất nhiều về cách bán hàng, marketing, thuyết phục khách hàng, và tuyển dụng nhân sự”, Nhà sáng lập TESO chia sẻ.

Anh Ân luôn tự đặt ra các câu hỏi cho bản thân ‘Tại sao mình không biết? Mình cần phải biết những gì?...' và kiên trì tìm ra câu trả lời cho riêng mình. Anh nhận ra rằng, trong kinh doanh, chúng ta cần mua sản phẩm từ người có và bán cho người cần. Khách hàng cần giải pháp và tôi phải là người đưa ra giải pháp phù hợp đó cho khách hàng. Mọi thứ đều bắt nguồn từ thực lực và giá trị sản phẩm. Dù có “tô vẽ” thế nào, nếu không có giá trị cốt lõi, doanh nghiệp sẽ không thể tồn tại lâu dài.

Anh Nguyễn Hữu Ân còn thường xuyên làm diễn giả, chia sẻ kinh nghiệm tại nhiều trường đại học. Ảnh: NVCC.

Trong hành trình khởi nghiệp, việc gọi vốn và phát triển sản phẩm luôn song hành. Tuy nhiên, yếu tố quan trọng chính là giá trị cốt lõi mà doanh nghiệp mang lại. Nếu chỉ tập trung vào việc gọi vốn mà bỏ qua việc phát triển sản phẩm thực sự mang giá trị, doanh nghiệp sẽ không thể tồn tại lâu dài. Những trải nghiệm và khó khăn đã giúp anh Ân hiểu rằng việc triển khai các giải pháp công nghệ phù hợp, tạo ra giá trị thực sự mới là chìa khóa để doanh nghiệp phát triển bền vững.

Phải thực tế khi theo đuổi ước mơ

Xuất phát từ nền tảng về IT nên khi tạo dựng doanh nghiệp, anh Ân ý thức bản thân luôn thiếu kiến thức, kinh nghiệm và trải nghiệm nhiều điều, nhưng quan trọng, anh biết rằng bản thân thiếu gì để có thể tiếp tục bổ sung và hoàn thiện những thiếu sót đó.

Một người giàu có không phải chỉ vì tài khoản ngân hàng của họ có bao nhiêu tiền, mà là năng lực họ có thể tạo ra tài sản đó. Để có năng lực tạo ra tài sản, bạn cần có kiến thức. Kiến thức không thể đến từ việc "bỏ qua học tập" mà là quá trình tích lũy từ những kiến thức cơ bản nền tảng đến những kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm thực tế. Kiến thức nền tảng là cơ sở để đạt được sự thành công bền vững. Bên cạnh đó, kỹ năng quản lý tiền bạc là rất quan trọng.

Theo anh, kiến thức trên trường học và kiến thức từ trải nghiệm thực tế đều vô cùng quan trọng. Khi điều hành công ty, anh nhận ra mình có thể kiếm tiền từ việc viết ứng dụng, nhưng không thể gọi là giàu có. Anh không biết về kinh doanh, bản quyền hay cách tạo ra một doanh nghiệp phát triển bền vững. Thậm chí, khi gặp vấn đề pháp lý như bị BBC khiếu nại, số tiền trong tài khoản ngân hàng của anh là bằng không. Điều này cho thấy kiến thức về kinh doanh là rất cần thiết và chúng ta không thể phủ nhận tầm quan trọng của việc học.

Trường đại học là một môi trường để trau dồi kiến thức và sau khi tốt nghiệp, đi làm thì đó cũng là một trường đại học khác. Điều quan trọng là phải xác định được mục tiêu sống và giá trị cốt lõi của bản thân. Anh lấy ví dụ vui rằng mỗi người nổi tiếng đều có sứ mệnh riêng: Michael Jackson sinh ra để hát, Messi sinh ra để đá bóng. Nếu đổi vai trò giữa họ, đó sẽ là một thảm họa. Mỗi người chỉ giỏi một thứ và phải phát huy thế mạnh của mình.

Anh Ân nhấn mạnh, ai cũng muốn kiếm tiền nhưng phải từ từ và có kế hoạch. Nhu cầu muốn kiếm tiền là chính đáng, nhưng sai ở chỗ mọi người muốn kiếm tiền nhanh, dẫn đến việc tìm đường tắt. Muốn bền vững, đầu tiên phải tìm ra thứ mình giỏi và bán giá trị cốt lõi đó ra thị trường.

Anh dành lời khuyên cho các bạn trẻ đang ấp ủ ước mơ khởi nghiệp là phải thực tế. Thực tế là hiểu rõ năng lực của bản thân thân, sản phẩm mình muốn phát triển có phải là thế mạnh, giá trị cốt lõi không. Khởi nghiệp không thể chỉ dựa vào ước mơ, mà phải có trải nghiệm thực tế, sự va chạm và đôi khi là chịu đựng những thất bại đau thương.

Anh Nguyễn Hữu Ân tại văn phòng của TESO. Ảnh: NVCC.

Muốn khởi nghiệp, muốn thành lập công ty phải biết vận hành, phải biết quản trị, kỹ năng quản lý tiền bạc rất quan trọng và tốt nhất nên đi làm thuê trước để học hỏi từ thực tế. Sau khi tốt nghiệp, hãy đi làm để tích lũy kinh nghiệm trước khi nghĩ đến việc khởi nghiệp. Khi đi làm, bạn không chỉ được trả lương mà còn có cơ hội học hỏi từ thực tế mà không phải tự bỏ tiền túi. Do đó, sau khi ra trường, hãy tập trung trở thành một người thợ giỏi, từ đó dần dần phát triển chuyên môn, năng lực và thực lực, anh Hữu Ân nhắn nhủ các bạn trẻ.

“Đại học là một trong nhiều môi trường để học hỏi, trau dồi kiến thức và khi ra trường đi làm cũng là một cơ hội để tiếp tục học tập. Quan trọng là các bạn phải tìm ra sứ mệnh, thế mạnh của mình và không ngừng nỗ lực phát triển thế mạnh đó. Việc kiếm tiền nhanh không nên là mục tiêu dài hạn; mà xây dựng năng lực thực sự mới là con đường dẫn đến thành công bền vững”, anh Ân chia sẻ thêm.

Thùy Trang

Tin khác