1. Kinh doanh

Chuyện gì xảy ra khi nhân viên không tin sếp

Nhân viên thấy sếp kém tin cậy sẽ không thể cống hiến cho công việc. Ảnh minh họa: Karolina Grabowska/Pexels.

Ngày nay, mức độ tin tưởng vào các nhà lãnh đạo ở mức rất thấp. Theo báo cáo từ công ty tư vấn nhân sự DDI, chỉ 46% nhân viên hoàn toàn tin tưởng quản lý trực tiếp của họ sẽ làm điều đúng đắn. Thậm chí, chưa đến 1/3 nhân sự tin vào các nhà lãnh đạo cấp cao trong công ty.

Niềm tin sụt giảm này có thể gây ra nhiều tác động tiêu cực. Dưới đây, FastCompany liệt kê một số ảnh hưởng đáng chú ý nhất.

Nếu sếp thiếu tin cậy, nhân viên sẽ không nghe theo lời của họ. Ảnh minh họa: Rizky Sabriansyah/Pexels.

Không lắng nghe, không cống hiến

Khi thiếu niềm tin vào cấp trên, nhân viên sẽ không nghe theo lời khuyên của họ. Mọi người vốn dĩ không làm theo những gì người khác muốn chỉ vì họ được yêu cầu như thế.

Người lao động hoàn toàn có thể nhận thấy được nếu lời nói của sếp không đi đôi với hành động. Hành vi như vậy khiến nhân viên sẽ hiểu rằng sếp không đáng tin cậy hay nói mà không làm là điều chấp nhận được.

Thêm vào đó, họ cũng sẽ không thực sự gắn bó với công việc. Bất kỳ nỗ lực nào giúp xây dựng kết nối như các hoạt động tập thể hoặc thêm phần thưởng sẽ vô dụng nếu không có sự tin tưởng.

Khi mất lòng tin, nhân viên bắt đầu “rút lui” về mặt tinh thần. Họ ít nỗ lực hơn và có thể chỉ làm tối thiểu để hoàn thành công việc. Nếu nhận được lời mời làm việc tốt hơn, họ sẽ nhanh chóng rời đi.

Trong trường hợp tệ nhất, niềm tin hao hụt này chuyển biến xấu. Nhân viên thiếu có thể bắt đầu hành xử độc hại gây ảnh hưởng đến bầu không khí của công ty hay thậm chí lan truyền năng lượng tiêu cực cho những người khác.

Vì vậy, khi sếp đánh mất uy tín, nhân viên có thể trở nên kém năng suất, ít quan tâm đến công việc và đôi khi còn gây hại đến tinh thần chung của cả nhóm.

Nếu không cảm thấy an toàn, nhân viên khó có thể nỗ lực và cởi mở trong công việc. Ảnh minh họa: Chungnhutphat/Pexels.

Nhân viên ngừng sáng tạo

Khi nhân viên không còn tin tưởng cấp trên, họ sẽ trở nên ít sáng tạo, bày tỏ ý kiến hay chấp nhận rủi ro trong công việc.

Niềm tin là yếu tố then chốt tạo nên sự an toàn tâm lý, nền tảng quan trọng để làm việc nhóm đạt hiệu quả cao. Sự an toàn tâm lý là cảm giác rằng mọi người có thể thoải mái chia sẻ, thử nghiệm mà không sợ bị phê phán.

Khi nhân viên không tin rằng người lãnh đạo sẽ luôn ủng hộ và bảo vệ họ, dù có đang nêu lên những ý kiến tranh luận về công việc hay chỉ đơn giản là xin giúp đỡ, họ sẽ vẫn cảm thấy không an toàn.

Trong môi trường như vậy, năng suất lao động có thể giảm mạnh và làm việc trở nên kém hiệu quả.

Bên cạnh đó, khi thiếu niềm tin, nhân viên thường sẽ tự tạo "rào chắn" để bảo vệ bản thân. Dù có thể làm việc tốt với đội nhóm riêng, họ lại ít sẵn lòng hợp tác với các phòng ban khác.

Điều này gây ảnh hưởng tiêu cực đến việc trao đổi giữa các nhóm, làm tăng nguy cơ sai sót. Khi chất lượng công việc giảm hoặc mắc lỗi, sự thất vọng tích tụ, thậm chí có thể dẫn đến xung đột

Cấp trên có thể khôi phục niềm tin đã mất thông qua hành động thiết thực. Ảnh minh họa: Mizuno K/Pexels.

Xoay chuyển tình thế

Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo hoàn toàn có thể xây dựng lại niềm tin ở nhân viên của mình. Đầu tiên, họ phải tự nhận thức và thể hiện cho cấp dưới thấy rằng họ là người đáng tin cậy.

Hãy làm gương cho nhân viên bằng những hành động tích cực và luôn giữ lời hứa. Cuối cùng, mọi người đánh giá người khác qua hành động thay vì lời nói.

Hành động đi đôi với lời nói sẽ giúp sếp chứng minh rằng mình là người có thể tin tưởng.

Tiếp theo, các sếp cần xác định vì sao niềm tin bị phá vỡ. Khi niềm tin được chia thành những yếu tố cụ thể, thay vì chỉ là một khái niệm mơ hồ, họ sẽ dễ dàng nhận ra yếu tố nào đang thiếu để bắt đầu khôi phục.

Niềm tin bao gồm bốn yếu tố: năng lực, độ tin cậy, sự chân thành và sự quan tâm. Kiểm tra từng yếu tố này và xem xét đang thiếu sót ở đâu sẽ là bước xử lý đầu tiên. Sau đó, nhà lãnh đạo có thể tìm hiểu cách để cải thiện tình hình.

Tin khác